Hàng hải

Cần cơ chế đặc thù xây dựng cảng Trần Đề

04/03/2024, 08:49

Cảng Trần Đề sẽ giúp giảm chi phí vận tải hàng hóa lên các cảng biển ở vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ cần có cơ chế đặc thù.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Trần Đề.

Cần cơ chế đặc thù xây dựng cảng Trần Đề- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khảo sát khu vực cửa biển Trần Đề hồi cuối tháng 4/2022.

Ngày 24/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị "Thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng (giữa kỳ)" vừa được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, đại diện Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông Hàng Hải (CMB) cho biết, khi có cảng Trần Đề, vùng hấp dẫn trực tiếp đến cảng được hình thành với 8 địa phương, bao gồm: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa được vận chuyển lên nhóm cảng biển số 4 cũng như xuất khẩu trực tiếp qua các cảng ở ĐBSCL (nhóm cảng biển số 5) đạt khoảng 42 triệu tấn.

Với quy mô lượng hàng hóa này, vùng hấp dẫn của cảng Trần Đề có thể đáp ứng khoảng 75%, tức sẽ đạt khoảng 31,5 triệu tấn.

Cần cơ chế đặc thù xây dựng cảng Trần Đề- Ảnh 2.

Điều kiện kết nối giao thông đường bộ tới cảng biển Trần Đề (Ảnh: CMB).

Giai đoạn khởi động (từ 2024-2028), quy mô đầu tư của cảng Trần Đề gồm một khu bến ngoài khơi khoảng 81,6ha, cầu vượt biển dài 17,8km với hai làn xe, khu vực bến cảng khoảng 77,5ha, có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn.

Ngoài ra, còn có luồng hàng hải có chiều dài 4,4km phục vụ cho tàu quay đầu và hai bến phao phục vụ cho tàu hàng rời lên đến 160.000 tấn.

Bên cạnh đó, khu dịch vụ hậu cần logistics trong bờ được quy hoạch có quy mô đầu tư hơn 4.000ha. Trong đó, giai đoạn khởi động đầu tư quy mô khoảng 1.000ha; Đường kết nối sau cảng dài 6,3km, kết nối vào cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Để thu hút nhà đầu tư vào cảng biển Trần Đề, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất cần có chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế… để tăng tính hấp dẫn của dự án.

Yêu cầu đơn vị tư vấn lập báo cáo tiền khả thi cần tập trung làm rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa đặc biệt của cảng Trần Đề, ông Lâu cũng cho rằng, khi có cảng cùng với những dự án hạ tầng giao thông khác, các địa phương trong khu vực sẽ hình thành các khu, cụm dịch vụ. Qua đó, từng địa phương sẽ tạo được việc làm, ổn định đời sống người dân, nhằm giảm áp lực cho khu vực TP.HCM.

"Hiện nay, tỉnh đang chờ phê duyệt quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Trần Đề. Sau khi có quy hoạch tỉnh sẽ kêu gọi nhà đầu tư", ông Lâu chia sẻ thêm.

Tại hội thảo "Quy hoạch phát triển cảng biển Trần Đề" được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng hồi tháng 8/2023, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có cảng Trần Đề thì ĐBSCL rất khó bứt phá.

Cần cơ chế đặc thù xây dựng cảng Trần Đề- Ảnh 3.

Khu vực cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng).

Ông Lê Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải cho rằng, vị trí cảng Trần Đề nằm cửa sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong, sẽ thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia (tuyến đường thủy sông MeKong); Kết hợp trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực ĐBSCL, trước mắt phục vụ trung tâm điện lực Long Phú và Sông Hậu.

"Việc xây dựng cảng Trần Đề có ưu điểm là thuận lợi trong việc khai thác, bốc dỡ hàng hóa so với khu vực ngoài khơi Duyên Hải và Gò Gia (khu chuyển tải, bến phao).

Đặc biệt là gần các trung tâm điện lực vùng ĐBSCL, như Long Phú, Sông Hậu (rút ngắn khoảng 160km so với Gò Gia), thuận lợi trong quá trình vận chuyển, khai thác hàng hóa", ông Đạt nhấn mạnh.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (báo cáo giữa kỳ lần 1) dự kiến trong tháng 3/2024, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề sẽ được báo cáo UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét, trình cấp thẩm quyền.

Theo quy hoạch tổng thể cảng biển Trần Đề, khu dịch vụ hậu cần logistics trong bờ có diện tích hơn 4.000ha và khu bến cảng ngoài khơi có diện tích trên 3.281ha (bao gồm diện tích quy hoạch cảng trên 417ha; Diện tích đê chắn sóng gần 43ha; Cầu vượt biển trên 53ha; Khu nước trước bến trên 102ha; Vùng đón trả hoa tiêu hơn 2.424ha…).

Cảng biển Trần Đề được chia làm 6 giai đoạn phân kỳ đầu tư, bao gồm giai đoạn khởi động từ 2024-2028; Giai đoạn 1 từ 2029-2030; Giai đoạn 2 từ 2031-2035; Giai đoạn 3 từ 2036-2040; Giai đoạn 4 từ 2041-2045 và giai đoạn 5 (giai đoạn hoàn thiện) từ 2046-2050.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 162.700 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn khởi động khoảng 44.696 tỷ đồng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.