Xã hội

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Xử lý ra sao với hàng trăm nhà xây trái phép?

26/10/2023, 13:38

Tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, người dân nhường đất làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu quan tâm nhất đến tái định cư, giá bồi thường đất và tài sản trên đất.

 Mong nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ

Sáng 26/10, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai có buổi gặp gỡ, đối thoại với người dân trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Người dân quan tâm tái định cư và giá bồi thường - Ảnh 1.

Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì buổi đối thoại với người dân nhường đất làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tại buổi đối thoại, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai mong muốn người dân chia sẻ, kiến nghị thẳng thắn về các vấn đề vướng mắc.

Từ sáng sớm, hàng trăm người dân huyện Long Thành đã đến chật kín hội trường. Lần đầu tiên được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của tỉnh nên ai cũng quan tâm. Người dân bày tỏ đồng thuận với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và mong dự án sớm triển khai, về đích đúng hẹn. 

Tuy vậy, điều người dân quan tâm nhất hiện nay là được giải đáp những thắc mắc về tái định cư, giá đất bồi thường, vị trí tái định cư… Bà Nguyễn Thị Dầu (Phước Tân, Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, bà từ miền Bắc vào Đồng Nai sinh sống, làm công nhân hàng chục năm trước.

Khi có chủ trương làm đường cao tốc, gia đình bà rất đồng thuận dù phải di dời nhà cửa. Nhưng điều bà quan tâm là chính sách bồi thường thế nào cho xứng đáng để phù hợp với chủ trương "nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".

"Tôi mong Nhà nước đền bù thỏa đáng, ai có đất đền đất, ai có nhà đền nhà và giá đền bù phù hợp với giá thị trường. Chúng tôi cũng mong được ở khu tái định cư tại Phước Tân để thuận lợi cho vợ chồng đi làm, con cái đi học", bà Dầu nói.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Người dân quan tâm tái định cư và giá bồi thường - Ảnh 2.

Có khoảng gần 300 người dân, lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, lãnh đạo địa phương tham dự buổi đối thoại.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyết (Phước Tân) mong muốn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân. "Tôi mong nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Bởi ở đây hầu hết người dân đều nghèo, ai cũng mua đất từ đầu những năm 2000 và xây dựng nhà cửa, sinh sống ổn định ngay sau đó. Vì vậy Nhà nước áp giá bồi thường phù hợp để bà con ổn định lại cuộc sống", ông Quyết nói.

Còn ông Nguyễn Cao Nam (Phước Tân) đề nghị thông tin sớm về vị trí tái định cư, mức phí phải đóng của hộ chính, hộ phụ cũng như chi phí hỗ trợ từ Nhà nước để dân di dời. "Các nhà mặt tiền thường cho thuê và có thu nhập ổn định nhưng nếu bàn giao mặt bằng sẽ khó khăn về thu nhập và cần chuyển đổi công việc. Vì vậy cần Nhà nước có phương án hỗ trợ để ổn định an sinh xã hội", ông Nam đề xuất.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Người dân quan tâm tái định cư và giá bồi thường - Ảnh 3.

Đa số người dân đồng thuận với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và mong dự án sớm được triển khai.

Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai gồm dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2. Cả hai dự án thành phần này có tổng diện tích thu hồi đất là 289,22ha với khoảng 3.463 hộ bị ảnh hưởng.

Tính đến giữa tháng 10, dự án thành phần 1 đã kiểm đếm được 80,32ha đất còn dự án thành phần 2 kiểm đếm được 79,62ha diện tích đất thu hồi.

Sau khi khởi công, các nhà thầu đã chuẩn bị nhân lực, máy móc để triển khai nhưng chưa có mặt bằng. Hiện nay, mới chỉ giải phóng được 9%.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Người dân quan tâm tái định cư và giá bồi thường - Ảnh 4.

Người dân chủ yếu ý kiến về giá đất, tái định cư, đào tạo hỗ trợ việc làm và an sinh xã hội...

Xử lý thế nào với nhà xây trên đất nông nghiệp

Trả lời thắc mắc của người dân về giá đền bù, đại diện Ban Quản lý dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện giá đất cụ thể chưa có. Đơn vị chức năng đang xem xét, thẩm định trước khi phê duyệt. 

Giá đất sẽ được áp dụng theo luật, so sánh với các dự án tương đương để đưa ra mức phù hợp nhất, có lợi nhất cho người dân.  Dự kiến, đến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 khi giá đất được phê duyệt, đơn vị chức năng sẽ niêm yết công khai để thông tin tới người dân.

Lãnh đạo thành phố Biên Hòa cho biết, tỉnh Đồng Nai triển khai bốn khu tái định cư tại Biên Hòa và huyện Long Thành. Tới nay việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn nhiều vướng mắc (chủ yếu là giải phóng mặt bằng) nên bị chậm. Theo lãnh đạo Biên Hòa, trường hợp nếu tái định cư chậm, địa phương sẽ xin kéo dài thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân để đảm bảo nơi ở ổn định cho bà con.

Nan giải nhất là tình trạng hàng trăm căn nhà xây trên đất nông nghiệp tại phường Phước Tân. Những hộ dân này đã mua đất, cất nhà từ những năm 2000 và sinh sống ổn định đến nay nhưng không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà trên giấy tờ vẫn là đất nông nghiệp. Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, theo pháp luật đất đai hiện hành, không có quy định về việc bố trí tái định cư đối với diện tích lớn cho những trường hợp này.

Do đó địa phương sẽ xem xét bố trí tái định cư, bố trí chỗ ở được quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 4 và Điều 5 Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh Đồng Nai.

"Diện tích đất tái định cư khi được bố trí như thế nào sẽ căn cứ theo xác định của các địa phương và do UBND huyện Long Thành, UBND thành phố Biên Hòa quyết định đối với từng trường hợp cụ thể", lãnh đạo Sở Tài chính cho hay.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Người dân quan tâm tái định cư và giá bồi thường - Ảnh 5.

Hiện tại, trên địa bàn Đồng Nai mới chỉ có một khu tái định cư Long Đức (Long Thành) được khởi động nhưng tiến độ chậm, các hạng mục còn ngổn ngang.

Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ quan cần nhanh chóng kiểm đếm, xác định giá đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ trình phê duyệt. Tăng cường nhân lực cho huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa phục vụ công tác kiểm đếm.

Về công tác tái định cư, hiện nay việc thi công các khu tái định cư còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng.

Trước mắt phải quan tâm đến chính sách tạm cư cho các hộ dân trong khi chờ bố trí tái định cư. Liên hệ với các cơ quan Trung ương về kiến nghị bố trí các hộ dân bị giải tỏa của dự án vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương phải nhanh chóng bố trí các hộ dân vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Các địa phương cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư đã được phê duyệt, xây dựng các công trình công cộng, trường học, công viên cây xanh, điện, nước, đường giao thông kết nối, hệ thống thoát nước, mạng thông tin di động… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

"Người dân kiến nghị, khiếu nại ra sao cần hướng dẫn, giải thích, tháo gỡ ngay. Kiểm soát ngăn ngừa các vi phạm, tránh trục lợi, sai sót, tiêu cực trong bồi thường giải phóng mặt bằng", ông Lĩnh nói.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7km đi qua hai tỉnh Đồng Nai (dài 34,2km) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (dài 19,5km).

Ở giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có 4 - 6 làn xe (tùy theo đoạn tuyến) với tổng vốn đầu tư 17.829 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư và dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư.

Cả ba dự án thành phần đều đồng loạt khởi công vào ngày 18/6 vừa qua.

Bàn giao gần 96% mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng TàuBàn giao gần 96% mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bàn giao 96% mặt bằng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhà thầu đã huy động thiết bị để thi công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.