Đường bộ

Cao tốc, đường vành đai ngóng mặt bằng, tái định cư

10/04/2024, 06:12

Tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 3 TP.HCM được yêu cầu tăng tốc từng ngày. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng đoạn qua Đồng Nai nên việc thi công bị ảnh hưởng.

Người dân chờ tái định cư

Đồng Nai là địa phương đang triển khai nhiều dự án giao thông lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, cầu Phước An… Ngoại trừ sân bay Long Thành, các dự án còn lại đang bị ảnh hưởng tiến độ do vướng mặt bằng.

Cao tốc, đường vành đai ngóng mặt bằng, tái định cư
- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm đếm, đo đạc tại những căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp của dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong khi phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bảo đảm tiến độ rất tốt, nhiều đoạn đã thảm nhựa thì ở phía Đồng Nai rất ngổn ngang. Các vị trí thi công rời rạc, chưa liền mạch. Do mặt bằng chưa nhiều nên các nhà thầu mới huy động nhân lực, máy móc tranh thủ đúc trụ, dầm, làm cầu vượt ngang…

Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, giai đoạn một được đầu tư với tổng chiều dài hơn 76km, kinh phí gần 75.400 tỷ đồng. Tuyến chia 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Giai đoạn này, Vành đai 3 được làm trước 4 làn, hai bên xây đường song hành (không liên tục). Theo kế hoạch, toàn tuyến sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và khai thác một năm sau đó.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khởi công tháng 6/2023, dài gần 54km, quy mô 4-6 làn xe, tùy đoạn tuyến, với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn một dài 16km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; Đoạn hai dài 18,2km do Ban quản lý dự án 85 phụ trách và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng đoạn 3 dài 19,5km.

Bà Nguyễn Thị An, người dân huyện Long Thành cho biết, gia đình bà là những hộ đầu tiên giao đất làm dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, với mong muốn sớm có cao tốc để đi lại thuận lợi. Dù vậy, đã nhiều tháng trôi qua, mỗi lần đi ngang khu vực làm dự án, bà cảm thấy rất sốt ruột vì vẫn chỉ là những mảng cây xanh um tùm.

"Tôi đọc báo thấy dưới Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đường đẹp rồi, xe cũng chạy được rồi. Còn phía Đồng Nai vẫn chưa thấy gì", bà An nói.

Ông Nguyễn Thành (60 tuổi, ngụ phường Phước Tân, TP Biên Hòa) cho biết, cán bộ đã đến đo đạc, kiểm đếm diện tích đất, nhà, tài sản… nhưng điều người dân quan tâm là chính sách bồi thường và tái định cư. Đa phần bà con mong muốn giá bồi thường hợp lý, nơi ở mới tốt hơn hiện nay.

"Vừa qua, lãnh đạo thành phố và tỉnh đã về đối thoại, nhưng ở Biên Hòa khu tái định cư cho dự án cao tốc chưa được xây dựng. Chúng tôi sợ đưa về Long Thành thì xa quá", ông Thành chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng, một hộ dân thuộc diện di dời cho hay: "Chúng tôi cũng muốn đi sớm, ổn định sớm nhưng do các thủ tục chậm nên bà con mới chậm giao đất. Giờ ngồi chờ chưa biết đi, ở thế nào".

"Tối hậu thư" giao mặt bằng làm cao tốc

Để làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi hơn 289ha với 3.436 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn 2.400 hộ thuộc diện phải bố trí tái định cư.

UBND tỉnh đã quy hoạch bốn khu tái định cư. Trong đó có hai khu Long Đức, Long Phước ở huyện Long Thành và hai khu Tam Phước, Phước Tân ở TP Biên Hòa. Đến nay, hai khu Long Đức và Long Phước đang xây dựng, còn hai khu Tam Phước, Phước Tân chỉ mới phê duyệt quy hoạch 1/500.

Với dự án thành phần 2, tỉnh Đồng Nai mới bàn giao được 27,54% mặt bằng để thi công, hoàn tất kiểm đếm đối với 1.388 trường hợp, chưa kiểm đếm 162 trường hợp. Các đơn vị chức năng của huyện Long Thành đang sao lục hồ sơ, lịch sử biến động đất để làm cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ bồi thường.

Riêng 80 thửa đất huyện chưa ban hành thông báo thu hồi đất do chưa có thông tin chủ sử dụng đất. Huyện đã chỉ đạo trung tâm phát triển quỹ đất lập danh sách chuyển các xã, thị trấn để sớm quy chủ.

Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn giám sát Quốc hội về cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương đang nghiên cứu cơ chế, chính sách để hỗ trợ tái định cư hoặc cho người dân mua nhà ở xã hội nhằm đảm bảo nơi an cư. Tỉnh sẽ giao công tác giải phóng mặt bằng cho hai đơn vị, thay vì một như trước; Bổ sung nhân sự cho huyện Long Thành, các xã, phường, thị trấn nơi có dự án đi qua để đẩy nhanh giải quyết hồ sơ, thủ tục mặt bằng.

Ông Võ Tấn Đức cũng ra "tối hậu thư" cho các đơn vị liên quan phải giải phóng mặt bằng trước 30/6 để bàn giao cho các đơn vị thi công.

Dứt điểm bàn giao mặt bằng Vành đai 3 trong tháng 4

Cũng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án thành phần 1 và thành phần 4 đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai cũng vướng mặt bằng, trong khi tiến độ tại các địa phương khác như: TP.HCM, Bình Dương đang khá tốt. Để triển khai hai dự án thành phần này, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai phải thu hồi khoảng 115ha đất của gần 1.300 hộ, trong đó có hàng trăm hộ cần bố trí tái định cư.

Cao tốc, đường vành đai ngóng mặt bằng, tái định cư
- Ảnh 2.

Dự án thành phần 1A đường Vành đai 3 đoạn đường dẫn lên cầu Nhơn Trạch mặt bằng vẫn còn thiếu ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Đối với dự án thành phần 1A đoạn qua hai xã Long Tân và xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), đến nay Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tổng diện tích đạt khoảng 90%.

Tiến độ này chậm 9 tháng so với kế hoạch. Mặt bằng được giao cũng "xôi đỗ", ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nguyên nhân là do vẫn còn vướng 59 hộ dân (khoảng 5ha đất) chưa đồng thuận với các chính sách về đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Theo lãnh đạo huyện Nhơn Trạch, dự kiến các cơ quan chức năng huyện sẽ cưỡng chế đối với các trường hợp này trong tháng 4.

Về công tác bàn giao mặt bằng dự án thành phần 4, đến nay địa phương đã tạm bàn giao cho chủ đầu tư tổng diện tích 24,3/65ha (đạt 37,3%), còn lại 40,7ha (62,7%). Hiện, huyện Nhơn Trạch mới hoàn thành kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 1 nên việc thi công gần như giậm chân tại chỗ.

Đối với dự án này, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cũng phát đi văn bản yêu cầu huyện Nhơn Trạch phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 100% diện tích trước ngày 30/6.

Tín hiệu tích cực từ đường kết nối sân bay

Theo UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), hiện nay địa phương đang tăng tốc giải phóng mặt bằng đường giao thông kết nối sân bay Long Thành.

Trong đó, tuyến T1 đã hoàn tất bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công, các nhà thầu nối thông tuyến đường công vụ và đang đẩy nhanh tiến độ thi công trên toàn tuyến.

Còn tuyến T2, mặt bằng bàn giao đạt khoảng 90%. Với phần diện tích đất của tuyến T2 còn lại khoảng 6ha, dự kiến trong tháng 4 địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân bàn giao.

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, địa phương liên tục gõ cửa, vận động người dân. Cùng với giải phóng mặt bằng, địa phương sẽ tổ chức bốc thăm đất tái định cư, chi trả tiền tạm cư để bà con ổn định cuộc sống.

Để triển khai hai tuyến giao thông kết nối vào sân bay Long Thành, liên danh nhà thầu đã huy động 630 người, 196 máy móc trang thiết bị phục vụ thi công.

Ghi nhận của PV, tuyến T1 đã thành hình, được cấp phối đá dăm, nối dài từ quốc lộ 51 đến cổng số 1 của sân bay Long Thành. Xe cộ, máy móc đã có thể di chuyển ra vào bằng đường công vụ trên tuyến T1. Ở nút giao giữa đường T1 và T2 nhiều trụ bê tông của hệ thống cầu đã được xây dựng.

Đường T1, T2 là hạng mục quan trọng, giúp kết nối với sân bay Long Thành với quốc lộ 51, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Hạng mục này được khởi công từ tháng 7/2023 với thời gian xây dựng kéo dài hơn 2 năm, tương đương 885 ngày với mức đầu tư hơn 2.630 tỷ đồng.

Theo thiết kế, tuyến T1 dài 4,3km, kéo dài từ phía Tây sân bay Long Thành đến quốc lộ 51, vận tốc thiết kế 80km/h. Trong thời gian thi công sân bay, tuyến T1 có công năng vận chuyển máy móc, trang thiết bị chính phục vụ công tác thi công.

Tuyến T2 có chiều dài 3,5km nối từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sau đó chạy song song với quốc lộ 51 và nhập vào tuyến T1 để kết nối tới sân bay Long Thành.

Vừa thi công vừa ngóng mặt bằng

Ông Đinh Lê Thông, Giám đốc Ban điều hành dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (thuộc Ban quản lý dự án 85, Bộ GTVT) cho biết, công tác bàn giao mặt bằng chậm gây khó khăn rất lớn cho các đơn vị thi công. Một số vị trí nhà thầu chưa thể triển khai thi công do vướng hệ thống đường ống cấp nước, đường điện từ 22kV đến 220kV, đường dây thông tin… Trong khi nhà thầu đã huy động máy móc, nhân lực phục vụ thi công, nhưng vừa làm vừa chờ mặt bằng.

"Chúng tôi đề nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ xác nhận nguồn gốc đất, phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền cho người dân, hoàn thành và bàn giao mặt bằng trước 30/6. Đồng thời, đẩy nhanh triển khai hạ tầng khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo tiến độ thi công", ông Thông nói.

Riêng dự án thành phần 1 mặt bằng bàn giao quá ít, vẫn còn nhiều vướng mắc. Ngoài ra qua xác nhận nguồn gốc sử dụng đất đối với 426 thửa đất, cơ quan chức năng xác định có 144 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp trước ngày 1/7/2014, 78 căn nhà xây dựng sau ngày 1/7/2014. Theo Luật Đất đai, các trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp sau thời điểm ngày 1/7/2014 sẽ không được giải quyết bố trí tái định cư khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.