Hạ tầng

Cao tốc hai làn xe, tại sao không?

24/03/2014, 09:38

Trước nhu cầu xây dựng các tuyến đường tiêu chuẩn chất lượng cao để đáp ứng đòi hỏi nhu cầu lưu thông ngày càng tăng, nhưng vẫn bảo đảm an toàn và phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay...

Sẽ nghiên cứu phát triển các tuyến đường hai làn có chất lượng tương đương cao tốc
Sẽ nghiên cứu phát triển các tuyến đường hai làn có chất lượng tương đương
cao tốc


Ý tưởng mới


Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT): “Chúng ta có thể hình dung các tuyến đường này có thiết kế, tiêu chuẩn chất lượng nền, mặt đường tương đương đường cao tốc, chỉ có điều thay vì xây dựng ngay 4 làn xe  như quy mô đường cao tốc thì sẽ xây dựng hai làn trước. Các tuyến đường này cũng không có giao cắt đồng mức, tách hoàn toàn xe máy và thô sơ, đảm bảo tốc độ khai thác từ 60 - 80km/h. Để bảo đảm cho việc vượt xe, cứ khoảng 6 - 10 km sẽ bố trí làn mở rộng tương tự với phần đường dừng xe khẩn cấp của cao tốc. Về tốc độ, có những đoạn có thể quy định tốc độ thấp hơn hoặc cao hơn tùy thiết kế nhưng sẽ bảo đảm tốc độ hành trình toàn tuyến khoảng 80km/h. Để bảo đảm an toàn, có thể nghiên cứu vẫn có dải phân cách giữa nhưng sẽ thu hẹp lại để tiết kiệm diện tích và cũng sẽ có hàng rào như đường cao tốc. Đặc biệt, phần diện tích chưa làm đường còn lại được dự phòng để khi cần thiết có thể mở rộng lên 4 làn thành đường cao tốc theo đúng tiêu chuẩn”.
 

"Vụ KHCN đang xúc tiến việc xin ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Bộ GTVT để có nghiên cứu một cách cẩn trọng. Vụ cũng đang tích cực sưu tầm các bộ tiêu chuẩn của các nước khác để nghiên cứu xây dựng loại đường này và sớm có đánh giá, đề xuất trình Bộ GTVT xem xét, quyết định”.

 

Ông Nguyễn Mạnh Thắng 

Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT)

Thực tế cho thấy tại một số nước, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường tương tự cũng đã được tiến hành. Chẳng hạn như tại Nhật Bản, nhiều tuyến đường hai làn xe được thiết kế như đường cao tốc với đầy đủ các tiêu chí như: Tốc độ khai thác từ 80 - 100km/h, có các vị trí tránh xe, cấm hoàn toàn xe thô sơ và không có giao cắt đồng mức… đã được thực hiện. Ngay như tại nước Mỹ, hình ảnh nhiều tuyến đường tương tự chạy qua các thảo nguyên cũng đã được xây dựng.

Theo các chuyên gia giao thông, thực tế bối cảnh và điều kiện nền kinh tế của nước ta hiện nay, việc huy động và sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn, trong khi chi phí xây dựng các tuyến cao tốc lại rất lớn. Dù yêu cầu đầu tư các tuyến cao tốc là đòi hỏi cấp thiết, nhưng hiện tại mật độ phương tiện chưa quá lớn, nếu xây dựng cao tốc theo đúng tiêu chuẩn sẽ không khai thác được hết năng lực. Hơn nữa, nếu thực hiện việc xây dựng các tuyến đường tốc độ cao nhưng chỉ với hai làn xe sẽ hấp dẫn được các nhà đầu tư và có khả năng thu hút được một nguồn vốn khổng lồ từ xã hội hóa. Chính vì thế ý tưởng xây dựng các tuyến đường cao tốc hai làn xe được xem là giải pháp “lựa cơm gắp mắm” có tính khả thi cao.


Ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC) cũng cho biết: “Việc phát triển đường cao tốc là chiến lược quốc gia của mỗi nước; là “bệ phóng” phát triển KT-XH. Tuy nhiên, đối với điều kiện thực tiễn của Việt Nam do nguồn lực còn hạn chế nên việc xây dựng các tuyến đường tương đương cao tốc nhưng chỉ có hai làn xe là phù hợp và  cấp thiết”.

Vận hành, khai thác ra sao?


Ông Thắng cho biết: “Việc thiết kế, xây dựng cao tốc hai làn xe không phức tạp. Điều quan trọng nhất cần là vấn đề quản lý, vận hành và khai thác như thế nào phù hợp”.


Nói về vấn đề này, GS. Dương Học Hải - nguyên giảng viên cầu đường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng xây dựng loại đường cao tốc hai làn xe. Tuy nhiên, cần ban hành quy trình quản lý, vận hành và khai thác riêng cho phù hợp, vì đây là đường được thiết kế tốc độ cao, nhưng hẹp và không có các làn phụ trợ. Bên cạnh đó, do đây là một loại đường mới nên cần phải nghiên cứu kỹ các yếu tố về làn vượt xe, mức độ an toàn để khi vận hành bảo đảm an toàn cho tất cả các loại phương tiện lưu thông tốc độ cao mà ít làn đường”.  


Một câu hỏi đặt ra hiện nay là, gọi tên là loại đường gì để có các giải pháp quản lý cũng như xây dựng các chế tài trong quá trình khai thác?  Theo đề xuất của ông Mai Tuấn Anh nên gọi là đường “tiền cao tốc”. 


“Theo tôi, cách gọi như vậy sẽ thu hút được các nguồn lực trong nước, đặc biệt phù hợp với khả năng và điều kiện giao thông trong tương lai gần của nước ta”- ông Tuấn Anh nói.


Tiến Mạnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.