Sáng 2/4, tại TP.HCM, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Học viên Mê Công (MI) tổ chức “Hội nghị tập huấn đào tạo thu hoạch sớm Hiệp định Tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng” (Hiệp định GMS-CBTA).
Tham dự Hội nghị tập huấn có đại diện Ngân hàng ADB và hơn 40 đại biểu là đại diện một số Sở GTVT và các doanh nghiệp vận tải đã được cấp phép vận tải GMS trên cả nước. Các đại biểu được thông tin về chương trình thu hoạch sớm Hiệp định GMS-CBTA và tình hình triển khai của các nước, các quy định phải tuân thủ trong khuôn khổ chương trình, các quy định về cấp phép vận tải GMS và các quy định về kiểm soát phương tiện tại cửa khẩu.
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp vận tải bày tỏ băn khoăn về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách, tải trọng cầu, đường có đồng bộ toàn tuyến để phương tiện lưu thông thuận lợi trên các tuyến đường đã quy định khi tham gia Hiệp định.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết: Bản ghi nhớ thu hoạch sớm Hiệp định GMS-CBTA được các nước GMS ký kết vào tháng 3/2018 và có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành việc ký kết. Tại cuộc họp, Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 7 thực hiện Hiệp định GMS-CBTA tổ chức ngày 12-13/3/2019 tại Siem Reap, Campuchia, các nước đã thống nhất kéo dài thời hạn triển khai Bản ghi nhớ thêm 2 năm, đến ngày 31/5/2021. Việc gia hạn bản ghi nhớ sẽ chính thức có hiệu lực sau khi các nước thông báo về việc hoàn tất các thủ tục nội bộ. Hiện tại, ở Việt Nam đã cấp phép cho 4 công ty với 25 phương tiện hoạt động theo bản ghi nhớ này.
“Sau Hội nghị này, việc nghiên cứu tuyến tuyến hành lang đường bộ theo hiệp định sớm được triển khai hiệu quả. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu các căn cứ pháp lý, cơ chế của các nước bạn để hoạt động trên lãnh thổ các nước được thuận lợi.
Ông David Martin đại diện Ngân hàng ADB đã giải đáp nhiều thắc mắc và cung cấp đầy đủ thông tin về triển khai Bản ghi nhớ “thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA. Qua đó, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng thực thi hoạt động vận tải GMS của cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp vận tải trên cả nước.
“Hiện, các nước thành viên đang rất quan tâm đến việc sớm thống nhất các tiêu chí. Thông tin chi tiết về Hiệp định các doanh nghiệp có thể tham khảo trên trang Web của ADB. Dự kiến, trong tháng 6/2019, lãnh đạo Bộ Giao thông các nước thành viên sẽ tiếp tục họp để tháo gỡ các vướng mắc, để sớm thông qua các quy tắc chung”, ông Martin cho hay.
Hiệp định GMS-CBTA tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng (CBTA) gồm 6 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar ra đời năm 1999. Mục đích của Hiệp định là tạo ra một hệ thống vận tải xuyên biên giới của tiểu vùng (trên cơ sở có đi có lại) để việc vận chuyển người và hàng hóa giữa các nước thành viên diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và với chi phí thấp hơn. Mỗi quốc gia thành viên có thể cấp tối đa 500 giấy phép vận tải đường bộ GMS đi lại nhiều lần và Sổ theo dõi tạm nhập (TAD) cho các doanh nghiệp vận tải của nước mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận