Kinh tế

Cấp thiết hoàn thiện pháp lý cho phát triển tín dụng xanh

03/04/2024, 14:10

Theo Ngân hàng Nhà nước trong 7 năm, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của ngành Ngân hàng có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.

Dư nợ tín dụng xanh còn khiêm tốn

Trong khuôn khổ hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách" diễn ra sáng 3/4, tại Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết dù được đánh giá cao về tiềm năng, song thực trạng phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở nước ta đang gặp nhiều trở ngại.

Theo bà Tùng, trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ tín dụng xanh của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Cấp thiết hoàn thiện pháp lý cho phát triển tín dụng xanh- Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, một trở ngại lớn là hiện chưa có Danh mục phân loại xanh làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.

Theo bà Tùng, nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đến 31/12/2023, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, kết quả tín dụng xanh trên danh mục 12 ngành xanh là 620.000 tỷ đồng. Danh mục xanh ban hành năm 2017, gồm các lĩnh vực nông nghiệp xanh, lâm nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Những lĩnh vực xanh gần như bao quát và trùng lặp vào 10 ngành ưu tiên phát triển theo kế hoạch hành động quốc gia, dựa trên Quyết định 1658 của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, có một số ngành, lĩnh vực mới giúp tăng tốc tăng trưởng xanh như hydrogen, song chưa có trong danh mục 12 ngành kể trên.

"Do đó, tôi nghĩ rất cần có một danh mục xanh đảm bảo tuân thủ và phù hợp phân ngành kinh tế Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế để thống kê đầy đủ các danh mục xanh này", Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Cần xây dựng danh mục phân loại xanh

Danh mục phân loại xanh là danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường.

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, một cơ quan Nhà nước có thể đứng ra xác nhận xanh nhưng lại làm tăng thủ tục hành chính. Có quan điểm để đơn vị kiểm toán đứng ra xác nhận; tuy nhiên, phương án này cũng vấp phải nhiều ý kiến chưa đồng thuận, đặc biệt trong trường hợp sử dụng nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước thì việc giao đơn vị kiểm toán cấp phép chưa đạt độ tin tưởng.

Vì vậy, phương án Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang đề xuất là để trực tiếp các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh sẽ căn cứ vào bộ chỉ số, Danh mục phân loại xanh của Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng để xác định dự án có đạt yêu cầu về xanh hay không, ông Thọ cho biết.

Theo ông Thọ, hiện nay, ước tính cần huy động khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 để thực hiện chuyển đổi xanh. Chúng ta đã có tuyên bố chung với các nước trên thế giới về chuyển đổi xanh, các nước cam kết tài trợ 15,5 tỷ USD cho Việt Nam hỗ trợ chuyển đổi. Việt Nam đã có công bố kế hoạch huy động nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh.

Bà Nguyễn Thiên Hương, phụ trách chương trình ngân hàng bền vững, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, mô hình đánh giá độc lập được phần lớn các quốc gia đề xuất và khuyến nghị. Có tới 86% trái phiếu xanh phát hành vào năm 2019 được đánh giá độc lập.

Tại Việt Nam, có thể giao cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý) xác nhận các khía cạnh về môi trường, quản lý môi trường và xã hội và xác nhận dự án xanh. Tuy nhiên, để các tổ chức này cung cấp các đánh giá độc lập thì cần bổ sung các yếu tố năng lực liên quan đến tài chính, chuyên môn, bà Hương lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.