Vận tải

Cấp thiết tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải

Vụ tai nạn liên quan xe khách Thành Bưởi khiến 5 người tử vong vừa qua gióng lên hồi chuông báo động, đặt ra yêu cầu siết chặt việc quản lý.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, phải cấp thiết tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải.

Cấp thiết tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải  - Ảnh 1.

Ông Khuất Việt Hùng.

Còn mơ hồ về số liệu

Vụ tai nạn do xe Thành Bưởi gây ra bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh doanh vận tải. Ông có cho rằng các quy định hiện nay vẫn chưa bao quát hết được vấn đề?

Các quy định để quản lý điều kiện kinh doanh tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12 của Bộ GTVT đã đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo quản lý tốt hoạt động vận tải bằng xe ô tô hiệu quả.

Ngành vận tải cõng trên lưng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước với hàng triệu chuyến đi và hàng triệu sinh mạng. Giờ là lúc cần đánh giá lại quá trình sau ba năm thực hiện Nghị định 10 để có điều chỉnh phù hợp.

Ông Khuất Việt Hùng

Cùng đó, Nghị định 100/2019 cũng quy định cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính, có chế tài rút giấy phép kinh doanh vận tải đối với doanh nghiệp vi phạm gây tai nạn từ mức nghiêm trọng trở lên.

Quy định đã đầy đủ nhưng vì sao vi phạm trong kinh doanh vận tải vẫn xảy ra, thưa ông?

Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng của nhà xe Thành Bưởi hay của các nhà xe khác thời gian qua khiến dư luận bức xúc chỉ là phần nổi. Phần chìm của tảng băng chính là việc thực thi các quy định pháp luật trong quản lý vận tải còn nhiều vấn đề cần bàn.

Nhìn lại những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, có thể thấy chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp bị xử lý theo chế tài tại Nghị định 100 là tước giấy phép kinh doanh.

Bộ luật Hình sự cũng có chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, từ phạt tiền cho đến phạt tù cao nhất lên đến 15 năm. Nhưng tới nay, chưa có con số thống kê cụ thể nào.

Sau ba năm thực hiện Nghị định 10, vẫn chưa có số liệu tổng hợp kết quả khảo sát doanh nghiệp thực hiện các điều kiện như quy trình đảm bảo ATGT, theo dõi phương tiện, lái xe qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát…

Theo ông, những số liệu như vậy có ý nghĩa thế nào, dùng để làm gì?

Số liệu chính xác sẽ phản ánh đúng tình trạng của hoạt động kinh doanh vận tải. Khi không có thông tin cụ thể, chính xác sẽ khó đánh giá, dự báo được tình hình và đề ra các giải pháp kịp thời.

Ngoại trừ số liệu vi phạm tốc độ ghi nhận qua thiết bị giám sát hành trình, số liệu về kết quả thực hiện các phương án bảo đảm ATGT, kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải còn rất thiếu.

Ông có cho rằng đó là nguyên nhân của tình trạng buông lỏng quản lý Nhà nước về lĩnh vực vận tải đang diễn ra khá phổ biến tại các địa phương?

Như tôi đã nói, từ khi Nghị định 10 được ban hành, chúng ta chưa có số liệu đã có bao nhiêu cuộc kiểm tra của các địa phương với doanh nghiệp vận tải trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cũng chưa có số liệu xử lý vi phạm của doanh nghiệp, lái xe theo Nghị định 10 và Nghị định 100. Chúng ta nói mãi về xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định, nhưng số liệu kiểm tra điều kiện hoạt động của loại hình này cũng chưa được báo cáo.

Công nghệ chờ… gió đông

Đã có nhiều quy định ứng dụng công nghệ để quản lý kinh doanh vận tải. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc này?

Cấp thiết tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải  - Ảnh 3.

Một bãi xe của nhà xe Thành Bưởi trên đường Liên Phường (phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) hoạt động đón trả khách trái quy định, từng bị kiểm tra nhưng sau đó vẫn tồn tại

Doanh nghiệp vận tải đã chấp hành tốt các quy định ứng dụng công nghệ như lắp thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát. Tuy vậy, hiệu quả họ sử dụng đến đâu lại chưa có kiểm tra, giám sát.

Hiện, có hơn 200 nghìn xe kinh doanh vận tải đã lắp camera giám sát để theo dõi hoạt động của phương tiện, điều chỉnh hành vi của lái xe. Tuy đã có kết quả bước đầu nhưng chúng ta chưa biết được có bao nhiêu đơn vị vận tải sử dụng thiết bị này để phục vụ cho phương án đảm bảo ATGT.

Dữ liệu từ camera phục vụ quản lý, chia sẻ cho lực lượng chức năng xử lý vi phạm chưa thực sự mang lại hiệu quả. Hiện, vẫn chưa hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống tiếp nhận và phần mềm xử lý dữ liệu camera, chưa có phần mềm quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải hợp đồng.

Còn nữa, chúng ta cũng chưa thực hiện tích hợp dữ liệu camera với dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để thực hiện quản lý.

Đối với các cơ quan quản lý, mặc dù quy định phải có phần mềm quản lý nhưng trên thực tế cũng chưa làm được. Ví dụ, hệ thống giám sát hành trình đến nay mới chỉ giám sát được tốc độ sau khi xe ô tô đã hoàn thành chuyến đi, dữ liệu của những tiêu chí khác vẫn chưa hoàn thiện.

Khó nhất là những quy định và hướng dẫn về kinh phí đầu tư và duy trì các hệ thống công nghệ thông tin từ ngân sách Nhà nước còn nhiều điểm bất cập. Cục Đường bộ VN đã lúng túng trong nhiều năm về nguồn kinh phí để duy trì hệ thống dữ liệu giám sát hành trình.

Vậy theo ông, vấn đề này cần được giải quyết thế nào?

Chúng ta có điều kiện thuận lợi chưa nước nào làm được là doanh nghiệp tự bỏ tiền ứng dụng công nghệ, lắp đặt thiết bị để cơ quan quản lý giám sát hoạt động của mình. Thiết bị, thông tin, dữ liệu đã sẵn sàng. Vấn đề còn lại là chờ hành động của cơ quan quản lý Nhà nước.

Gia Cát Lượng từng nói "Vạn sự câu bị, chỉ khiếm Đông phong", mọi chuyện dù đủ đầy nhưng vẫn có thể bế tắc vì thiếu yếu tố quyết định.

Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã ký phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030".

Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Đường bộ VN tổ chức thực hiện hiệu quả đề án để tạo ra một môi trường hạ tầng an toàn. Đồng thời, phần mềm quản lý dữ liệu cần được nâng cấp, tích hợp dữ liệu camera, dữ liệu giám sát hành trình để hình thành hệ thống quản lý kinh doanh vận tải thống nhất. Ngoài ra, các văn bản quy định pháp luật sẽ được sửa đổi để dữ liệu được khai thác hiệu quả, phục vụ công tác quản lý.

Khi các nội dung của đề án được triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng theo tinh thần chỉ đạo và yêu cầu của Bộ trưởng sẽ có được công cụ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước lĩnh vực đường bộ.

Thực hiện hiệu quả tổng kiểm tra vận tải

Theo ông, điều cần làm ngay lúc này là gì?

Điều quan trọng là quy định đã được ban hành thì phải được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong lúc chờ sửa nghị định, việc cấp bách là cần thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm vi phạm theo các chế tài hiện đang có.

Trong Công điện khắc phục hậu quả vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do phương tiện của nhà xe Thành Bưởi gây ra, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương tổng kiểm tra kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tôi tin rằng, nếu thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng cũng sẽ là cơ sở quan trọng để sửa đổi, bổ sung Nghị định 10 cũng như hoàn thiện hơn các quy định về ATGT đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong Luật Trật tự ATGT đường bộ đang trình Quốc hội xem xét.

Để các quy định đi vào thực tiễn, theo ông cần lưu ý những gì?

Trước khi sửa Nghị định 86, Bộ GTVT đã thành lập 7 đoàn công tác tổng kiểm tra, đánh giá hoạt động vận tải trên cả nước, từ đó đánh giá được những hiệu quả của chính sách cũng như các bất cập để đưa vào Nghị định 86. Hiện, đang trong quá trình sửa đổi các nội dung của Nghị định 10, chúng ta nên lưu ý thực hiện theo cách này.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.