Đường bộ

Cầu gần 40 tỷ đồng, thi công 2 năm mới được... một trụ bê tông

13/12/2021, 15:07

Cầu Cái Cùng thi công từ tháng 12/2019, nhưng đến nay đã gần 2 năm, công trình chỉ đạt khoảng 23% giá trị hợp đồng.

Dự án xây dựng cầu Cái Cùng nằm trên tuyến đường Giồng Nhãn - Gò Cát (bắc qua sông Cái Cùng, nối liền xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình với xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu) nhằm mở ra hướng phát triển mới cho người dân vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương Hòa Bình và Đông Hải.

Tuy nhiên, đến nay công trình thi công quá chậm, thậm chí đã ngưng thi công khoảng 8 tháng, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của người dân.

img

Cầu Cái Cùng xây dựng từ tháng 12/2019, nhưng đến nay mới chỉ ước đạt khoảng 23% giá trị hợp đồng. Ảnh: Gia Minh

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên tuyến đường Giồng Nhãn - Gò Cát (hướng từ Bạc Liêu vào trung tâm xã Vĩnh Thịnh) vừa qua bãi xe Phương Anh rẽ phải theo con đường tạm được rải đá xô bồ, đi khoảng hơn 100m là đến dự án cầu Cái Cùng, hai bên đường cỏ mọc um tùm.

Đơn vị thi công đã xây dựng được một trụ bê tông (bên bờ ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh). Tại công trường, nhiều thanh sắt hộp lớn dùng để đổ bê tông, xe ủi, xe cuốc, máy trộn bê tông… bỏ phế lâu ngày đã bị rỉ sét, nhiều trụ bê tông chất ngổn ngang, trông rất “bầy hầy”.

Một người dân ở gần dự án cho biết: “Trước đợt dịch Covid-19 xảy ra (trước tháng 4/2021) công trình vẫn hoạt động, nhưng khi dịch bệnh xảy ra đến nay không thấy đơn vị thi công đến làm nữa, nhiều vật tư bị bỏ phế, người dân rất bức xúc. Cây cầu là niềm mong mỏi của người dân chúng tôi ở đây bấy lâu nay”.

Tại những cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, nhiều ý kiến đã kiến nghị đến UBND tỉnh Bạc Liêu đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Dự án xây dựng cầu Cái Cùng do Ban đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư, Công ty TNHH T.G. (có địa chỉ ở TP.HCM) làm nhà thầu thi công. Tổng mức đầu tư dự án gần 40 tỷ đồng.

Trước kiến nghị trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, cầu Cái Cùng được triển khai thi công vào tháng 12/2019, đến nay khối lượng ước đạt 23% giá trị hợp đồng.

Nguyên nhân được xác định là do vướng giải phóng mặt bằng và khó khăn về tài chính, nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 2/2021.

“Hiện nay, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để báo cáo UBND tỉnh cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công và lựa chọn đơn vị có đủ năng lực thực hiện phân khối lượng còn lại”, một lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin.

Đồng thời, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục nêu trên để sớm thi công hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Ông Võ Văn Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện tại chủ đầu tư đang tiến hành hoàn tất các thủ tục có liên quan để xử lý nhà thầu thi công dự án chậm trễ gây bức xúc trong nhân dân.

“Đồng thời, chuẩn bị hợp đồng với nhà thầu thi công mới, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành công trình, dự kiến trong quý 1/2022 sẽ bắt đầu triển khai thi công dự án trở lại”, ông Thái cho hay.

>>> Hình ảnh cận cảnh công trình dở dang sau 2 năm:

img

Đường dẫn vào dự án xây dựng cầu Cái Cùng cỏ mọc um tùm.

img

Phía bờ thuộc xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải trơ những trụ thép dùng để đổ bê tông đã rỉ sét.

img

Những khối thép hộp đổ bê tông bị bỏ phế lâu ngày đã bị rỉ sét.

img

Nguyên nhân công trình chậm chạp được ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu xác định là do vướng giải phóng mặt bằng và khó khăn về tài chính, nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 2/2021.

img

Hiện nay, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để báo cáo UBND tỉnh cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công và lựa chọn đơn vị có đủ năng lực thực hiện phần khối lượng còn lại.

img

Dự án xây dựng cầu Cái Cùng nhìn từ giữa sông Cái Cùng trơ ra những trụ thép, một trụ bê tông (bên phải, phía bờ thuộc ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.