Bạn cần biết

Cha mẹ là rào chắn an toàn cho trẻ

05/11/2017, 13:18

Thực tế đã có rất nhiều tai nạn thương tâm do đuối nước xuất phát từ sự thiếu quan tâm của phụ huynh.

8

Ông Nguyễn Văn Thạch (bên trái) trao tặng phao cứu sinh cho học sinh tỉnh Sơn La tại Ngày hội ATGT đầu tháng 10 vừa qua

Trao đổi với Báo Giao thông về công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, vai trò của các bậc cha mẹ là rất quan trọng. Thực tế đã có rất nhiều tai nạn thương tâm do đuối nước xuất phát từ sự thiếu quan tâm của phụ huynh.

Tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực

Ông đánh giá thế nào về thực trạng đuối nước ở trẻ em hiện nay?

Theo tôi, tình trạng trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay khá phức tạp. Việt Nam hiện là nước có tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực, cao gấp 10 lần các nước phát triển, tỉ lệ tử vong đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích, tỉ lệ trẻ độ tuổi 6-14 biết bơi mới chỉ dừng lại ở con số 30% (năm 2015).

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ,TB&XH, năm 2016 có 1.900 trẻ em tử vong do đuối nước; 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã lên đến gần 800 em (46/63 tỉnh). Đó là những nỗi đau và sự mất mát lớn cho gia đình các nạn nhân và gióng lên hồi chuông cảnh báo về đảm bảo ATGT đường thủy cho trẻ em đối với toàn xã hội.

Theo ông, những vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em xuất phát từ nguyên nhân nào?

Đuối nước ở trẻ em xuất phát từ những nguyên nhân rất đơn giản như: Bể nước, ao, giếng khơi không có rào chắn, nắp đậy; các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có cảnh báo nguy hiểm dẫn đến khi trẻ mải chơi bất giác bị rơi xuống, bản thân lại không biết bơi hoặc thiếu kĩ năng xử lý. Trường hợp sống trong môi trường thiếu an toàn, thương vong là khó tránh khỏi. Theo số liệu mới nhất, 77,6% trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra tại cộng đồng (ao, hồ, sông, suối, biển), 22,4% tại gia đình, 1% tại trường học.

Một lý do nữa đó là sau giờ tan học, nhất là vào lúc thời tiết oi nóng, một số em học sinh thường tụ tập rủ nhau đi tắm sông. Khi bơi ra dòng nước chưa rõ nông sâu, không lường được hết những nguy cơ rình rập, khi sự cố đến như: Gặp xoáy nước ngầm, bị chuột rút, các em dễ rơi vào trạng thái hốt hoảng, người nọ chới với cứu người kia theo bản năng dẫn đến hậu quả số người bị nước cuốn sẽ là hơn một người. Cũng đã có không ít đứa trẻ tử vong vì đuối nước do bất cẩn rơi phải các hố sâu trong khu vực công trường không lấp bỏ sau khi kết thúc xây dựng.

Trách nhiệm đầu tiên là của cha mẹ

Nói như vậy có nghĩa nguyên nhân lớn gây đuối nước ở trẻ em là do sự bất cẩn, thiếu quan tâm của cha mẹ, thưa ông?

Thực tế, ở nước ta còn rất nhiều bậc cha mẹ thiếu quan tâm đến sự an toàn sông nước của trẻ nhỏ, trường hợp này phổ biến ở khu vực nông thôn hơn là các thành phố lớn. Số liệu thống kê cho thấy, trên 50% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm.

Sự xao nhãng đó có thể xuất phát từ cuộc sống khó khăn, bố mẹ mải lo “cơm, áo, gạo, tiền” nên không có thời gian để ý đến hoạt động của các con hoặc cũng có thể do chính bậc cha mẹ chưa lường hết được hiểm nguy con mình có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, thiếu sự nhắc nhở để các em có một hệ thống kĩ năng đề phòng cần thiết.

Theo ông, để giảm thiểu nguy cơ tử vong do đuối nước ở trẻ em, chúng ta cần có những biện pháp gì?

Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ em, trước hết, gia đình đặc biệt là các bậc cha mẹ phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát các hoạt động vui chơi của trẻ; rào chắn cẩn thận, đảm bảo an toàn xung quanh khu vực ao, hồ gần nơi ở, cho trẻ tham gia các lớp học bơi và kĩ năng ứng phó tình huống trong môi trường nước (khi có điều kiện).

Thời gian qua, Vụ ATGT đã phối hợp với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, Ban ATGT các địa phương như: Huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), huyện Gò Quao (Kiên Giang), Hà Tĩnh, Hà Nội tổ chức chuỗi Ngày hội ATGT. Chương trình đã tuyên truyền đến các em học sinh từ kiến thức ATGT cơ bản đến kĩ năng phòng chống đuối nước. Trong đó, các chuyên gia và bác sĩ đã giới thiệu và hướng dẫn chi tiết cho các em kĩ năng thoát hiểm khi bị sự cố dưới nước, cách nhận biết khu vực dòng nước nguy hiểm, cách xử lý khi gặp người bị đuối nước, cách sơ cứu đối với người đuối nước, cách sử dụng áo phao,… đảm bảo cho các em học sinh có được bản lĩnh và hành trang vững vàng khi bản thân hoặc bạn bè không may gặp sự cố.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.