Hạ tầng

Chậm cấp phép mỏ vật liệu làm cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

15/08/2023, 16:59

Nhu cầu nguồn vật liệu thi công cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn lên đến hàng chục triệu m3, song đến nay tỷ lệ mỏ được cấp phép còn khá khiêm tốn.

Số lượng mỏ đất đưa vào khai thác chỉ đếm trên đầu ngón tay

Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên công trường thi công gói thầu XL01, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho thấy nhà thầu đã bố trí hàng trăm thiết bị cơ giới và nhân lực với nhiều mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ, gia tăng sản lượng.

img

Sau gần 8 tháng kể từ khi cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn khởi công, đến nay số lượng mỏ đất được cấp phép khai thác phục vụ thi công dự án rất khiêm tốn.

Tại gói thầu XL01, tổng số mỏ đất được đưa vào quy hoạch là 13 mỏ, nhưng đến nay mới có 3 mỏ được cấp phép khai thác. Trong khi 8 mỏ còn lại đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục hồ sơ.

Đại diện nhà thầu Đồng Khánh cho biết, sở dĩ tiến độ thi công được đẩy mạnh là nhờ hai mỏ đất Núi Thị 1 và Núi Thị 2 (thôn Phước Luông, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức) đã được cấp phép và đơn vị khai thác phục vụ thi công dự án từ tháng 6.

Được biết, hai mỏ đất này có diện tích gần 20ha, trữ lượng khai thác khoảng 1,6 triệu m3, công suất khai thác hơn 700.000m3/năm. Tại đây nhà thầu Đồng Khánh bố trí 4 máy xúc cở lớn và hơn 20 đầu xe tải đang hoạt động hết sông suất để đảo, vận chuyển đất đi.

Tại mỏ đất Mễ Sơn, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, có trữ lượng hơn 1,1 triệu m3. Sau hơn 2 tháng kể từ khi được cấp phép khai thác, nhà thầu Đèo Cả đã bố trí hàng chục thiết bị cơ giới để đào, vận chuyển đất đến công trường.

Thế nhưng, ở một số đoạn, điểm khác công tác thi công cầm chừng, nhất là đoạn đầu tuyến. Nguyên nhân là do mỏ đất Truông Ổi khối lượng hơn 1 triệu m3, mới qua bước quyết định phê duyệt trữ lượng, nhà thầu đang tiến hành các thủ tục phê duyệt tiền cấp quyền trước khi ra mỏ.

Ngoài ra, các mỏ đất khác trong tổng số 8 mỏ đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ như: Vạn Xuân, Hố Hóc Ngày, Sườn Đồi và Hố Lỡ cũng đang tình trạng tương tự.

img

Nhà thầu Đồng Khánh khai thác mỏ đất Núi Thị 1, đây là mọt trong số 3 mỏ đất đã được cấp phép ra mỏ vào tháng 6/2023.

Tại gói thầu XL02, theo quy hoạch đoạn tuyến trên có 5 mỏ đất gồm: Bren, Núi Bé, Dốc Cộ, Đồi Dốc Cao và Trung Tram với trữ lượng khoảng 3 triệu m3, nhưng đến giờ vẫn chưa ra mỏ để khai thác thi công dự án.

Theo báo cáo của Ban QLDA2, các mỏ này mới ở bước chấp thuận chủ trương cho phép lập hồ sơ khai thác.

“Nhanh nhất cuối tháng 8, mỏ đất Bren mới được cấp phép để ra mỏ”, đại diện Ban QLDA 2 nói và cho biết cũng trong tháng 8 này nếu hồ sơ suôn sẻ thì mỏ đất Truông Ổi cũng bắt đầu được đưa vào khai thác.

Đối với gói thầu XL03, nhu cầu sử dụng đất đắp khoảng 3,7 triệu m3, nhưng đến nay trong 3 mỏ đất được đưa vào quy hoạch (có trữ lượng khoảng 4,8 triệum3), hiện mới có mỏ TDHN19 được cấp phép khai thác. Mỏ TDHN25 đang khoan đánh giá trữ lượng, lập hồ sơ đăng ký khai thác. Riêng mỏ TDHN26, đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ.

Theo Ban QLDA2, tổng nhu cầu đất đắp cho toàn tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn vào khoảng 12 triệu m3. Trong đó, gói thầu XL01 khoảng 5,7 triệu m3, gói thầu XL02 khoảng 2,5 triệu m3 và gói thầu XL03 khoảng 3,7 triệu m3. Song, đến thời điểm này số mỏ được cấp phép chỉ đếm trên đầu ngón tay so với tổng số mỏ được đưa vào quy hoạch.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, việc chậm trễ trong cấp phép mỏ đất đắp, nhất là giai đoạn đầu của dự án và công tác bồi thường, GPMB chậm đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung, dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Sớm đưa các mỏ đất vào khai thác, bổ sung nhóm mỏ mới

Bên cạnh nguồn vật liệu đất đắp đang khan hiếm do các mỏ nằm trong quy hoạch chưa được cấp phép khai thác thì các nhóm mỏ vật liệu khác như cát, sỏi cũng đang trong tình cảnh tương tự khi chưa thể ra mỏ.

img

Nhu cầu đất đắp toàn tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn khoảng 12 triệu m3.

Đến nay, chủ đầu tư và các nhà thầu đã đề xuất tỉnh Quảng Ngãi bổ sung vào quy hoạch khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các mỏ Nghĩa Thuận-Nghĩa Kỳ, Xuân Đình, mỏ cát Thuận Hòa, mỏ cát thương mại Liệt Sơn - Hồ Liệt Sơn... để phục vụ thi công gói thầu XL01 và XL02.

Tại gói thầu XL03, hiện tại có 8 mỏ cát đưa vào quy hoạch, có 6 mỏ đã cấp phép khai thác, song trữ lượng chỉ hơn 360.000m3. Riêng hai mỏ còn lại cũng chỉ nhỉnh hơn 300.000m3 và đang trong giai đoạn chờ hồ sơ.

Đại diện nhà thầu thi công dự án cho biết, đang làm việc với TX Hoài Nhơn để bổ sung mỏ cát QH31 thuộc xã An Hảo Tây, huyện An Lão, Bình Định với trữ lượng dự kiến khoảng 100.000 m3.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc cấp phép ra mỏ vật liệu đang được địa phương hỗ trợ tối đa. Tuy vậy, điều quan trọng là nhà thầu phải chủ động hoàn thiện hồ sơ trước khi trình và khẩn trương thực hiện các bước thủ tục theo quy định. Có như vậy, mới đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án.

Ghi nhận tại mỏ đất Truông Ổi cho thấy, sau hơn một tháng kể từ khi Thứ trưởng Lê Đình Thọ thị sạt và chỉ đạo về nguồn vật liệu đất đắp, đến nay mỏ đất này vẫn… trên giấy. Trong khi đó, để thi công gói thầu XL01 đoạn đầu tuyến, nhà thầu điều phối nội bộ và vận chuyển đất từ mỏ đất Mễ Sơn cự ly di chuyển khoảng 20km quá xa công trường thi công dẫn đến sản lượng đạt được thấp. Do nguồn đất đắp hạn chế nên công trường dự án một số đoạn, điểm nhà thầu thi công cầm chừng.

Ngoài số mỏ đất có trong quy hoạch đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, nộp tiền cấp quyền thì các nhà thầu đã kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi bổ sung thêm 3 mỏ đất Núi Thị tại vị trí 4; Núi Cấm Ông Thi; Núi Đá Kè, với tổng trữ lượng 1,22 triệu m3 đưa vào quy hoạch khai thác phục vụ thi công.

Tuy vậy, để được bổ sung vào quy hoạch, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo UBND tỉnh này đánh giá lại toàn diện về mỏ vật liệu để làm cơ sở bổ sung vào quy hoạch nhằm sớm cấp quyền khai thác đối với nhóm mỏ này.

img

Nguồn đất đắp khan hiếm do số mỏ có trong quy hoạch chưa được cấp phép khai thác đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến đô chung của toàn dự án.

Lãnh đạo Ban QLDA2 kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh các thủ tục cấp phép khai thác đối các mỏ đất, cát đã được cấp phép thăm dò; đối với các mỏ đã có trong quy hoạch, nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ VLXD thông thường phục vụ dự án sớm hoàn thành các thủ tục để giao cho nhà thầu khai thác.

Cũng theo lãnh đạo Ban QLDA2, trước mắt trong thời gian chờ cấp phép các mỏ vật liệu, đề xuất Bộ GTVT chấp thuận phương án mua thương mại sau khi có kế hoạch chi tiết và xác nhận khối lượng theo thực tế.

“UBND các tỉnh quan tâm hỗ trợ nhà thầu trong việc giải quyết các vướng mắc đường tiếp cận vào khai thác mỏ để công tác thi công dự án thuận lợi hơn”, lãnh đạo Ban QLDA2 kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.