Hạ tầng

Chậm giao mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

30/06/2023, 06:00

Năm 2023, số vốn bố trí cho GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khoảng 14.865 tỷ đồng nhưng đến nay giá trị giải ngân mới được 5.154 tỷ, đạt 30%.

Nghị quyết 18 của Chính phủ yêu cầu công tác GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) phải hoàn thành trong quý II/2023. Song, tiến độ thực hiện tại một số địa phương vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Nơi gần chạm đích, nơi khó đúng hẹn

img

Tính đến cuối tháng 6/2023, trong tổng số 721km chiều dài toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các địa phương đã bàn giao mặt bằng khoảng gần 608km (đạt hơn 84%) (Trong ảnh: Thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn). Ảnh: Lê Đức

Ngày 28/6, tin vui đến với dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn TX Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định khi diện tích GPMB phục vụ thi công dự án qua địa phương này đã được bàn giao gần như 100% kế hoạch, giúp nhà thầu bớt được nỗi lo vừa làm, vừa ngóng mặt bằng.

Ông Phạm Văn Chung, Phó chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam qua thị xã có chiều dài hơn 29km, chiếm gần 25% tổng chiều dài tuyến toàn tỉnh. Có hơn 4.600 hộ dân nằm trong diện phải GPMB với hơn 293ha bị ảnh hưởng.

Đến ngày 27/6, TX Hoài Nhơn đã chi trả cho 3.990 hộ với số tiền hơn 745 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến chính đủ điều kiện bàn giao là 29,04/29,27km. Những hộ còn lại cơ bản đã đồng thuận, chờ chi trả.

Tại khu vực thi công dự án thành phần qua khu vực ĐBSCL, mặt bằng những đoạn tuyến cuối cùng cũng đang được các địa phương cấp tập thực hiện.

Có cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đi qua với chiều dài 0,6km tuyến chính và 9,2km chiều dài tuyến nối, ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó giám đốc Ban QLDA và Phát triển quỹ đất quận Cái Răng, Cần Thơ cho biết, tính đến hết ngày 26/6, mặt bằng toàn tuyến qua địa bàn đã được bàn giao cho chủ đầu tư; bố trí cho 170 trường hợp đủ điều kiện ở khu tái định cư Tân Phú.

Tại Cà Mau, theo ông Nguyễn Chí Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, trong tổng diện tích cần giải phóng phục vụ thi công dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau (140ha, chiều dài gần 22km), địa phương đã giải phóng được mặt bằng sạch gần 137ha, đạt 97%.

Đối với tỉnh Hậu Giang, Sở TN&MT tỉnh này cho biết, 99% diện tích mặt bằng đã được bàn giao cho chủ đầu tư, chỉ còn 64 hộ dân chưa bàn giao.

Tại Hà Tĩnh, có 102km cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua thuộc 3 dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng. Tới nay, địa phương đã kiểm đếm 100%, phê duyệt phương án bồi thường hơn 93% và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư gần 91%. Tiến độ giải ngân nguồn vốn GPMB là hơn 1.289 tỷ đồng (đạt 50%).

Hà Tĩnh đã quy hoạch 28 khu tái định cư, trong đó 25 khu đã khởi công xây dựng.

Trái ngược với kết quả khả quan ở các tỉnh, thành nêu trên, nhiều địa phương có cao tốc đi qua đang đối diện nguy cơ chậm tiến độ.

Điển hình tại tỉnh Quảng Bình, địa phương có dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh đi qua, theo thống kê đến cuối tháng 6/2023, tổng diện tích mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư mới đạt hơn 97/126km, gần 77%.

Tại tỉnh Bình Định, đến hết ngày 27/6, tỉnh mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh khoảng 85% diện tích.

Tương tự, tại Khánh Hòa, địa phương có tuyến cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang đi qua, đến ngày 27/6, các huyện, thị xã mới bàn giao mặt bằng được hơn 69km, đạt 82,51%.

Khó khăn trong xây dựng khu tái định cư

img

Mặt bằng triển khai khu tái định cư, phục vụ di dời GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: Hà Vũ

Trao đổi với PV, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thừa nhận, so với kế hoạch yêu cầu, tiến độ bồi thường GPMB của tỉnh đang còn chậm.

Theo ông Lâm, hạng mục mất thời gian nhất hiện nay trong công tác GPMB là xây dựng các khu tái định cư do phải thực hiện nhiều thủ tục không thể lược bớt.

“Với quy trình thủ tục kéo dài, thời hạn để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án và hệ thống hạ tầng các khu tái định cư chưa thể xác định mốc thời gian cụ thể”, ông Lâm chia sẻ.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), năm 2023, số vốn bố trí cho công tác GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khoảng 14.865 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, giá trị giải ngân mới được 5.154 tỷ đồng, khoảng 30% giá trị. Dư địa để giải ngân phần GPMB còn rất lớn đòi hỏi các chủ đầu tư, nhà thầu cần tiếp tục phối hợp với địa phương tháo gỡ các khó khăn để tạo sự đồng thuận với người dân, giúp dự án sớm có 100% mặt bằng sạch thi công.


Được biết, tỉnh đã có kế hoạch bố trí 580 hộ dân vào 26 khu tái định cư tại 19 xã với diện tích hơn 69ha nhưng mới triển khai thi công được 3 khu tái định cư.

Đại diện UBND tỉnh Bình Định cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến GPMB đến hết ngày 30/6 không đạt 100% kế hoạch là do chậm xây dựng các khu tái định cư.

“Trong 39 khu tái định cư phục vụ cao tốc qua địa bàn, nhiều khu tiến độ triển khai còn thấp, chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch.

Một số khu đã được tỉnh đã chấp thuận mỏ đất đắp, song không được áp dụng cơ chế đặc thù để rút ngắn quy trình nên làm chậm tiến độ xây dựng”, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định thông tin.

Với cao tốc qua Khánh Hòa, diện tích cần GPMB là hơn 600ha với hơn 2.700 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 200 hộ dân thuộc diện tái định cư. Trong 6 khu dọc tuyến đang xây dựng, mới có huyện Khánh Vĩnh hoàn thành chỉ tiêu.

Nhà thầu chật vật với mặt bằng “xôi đỗ”

Những ngày cuối tháng 6/2023, có mặt tại gói thầu XL11 thuộc dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, PV Báo Giao thông ghi nhận, nhiều mũi thi công vẫn vướng nhiều điểm do mặt bằng “xôi đỗ”.

Một cán bộ kỹ thuật thuộc Tổng công ty 319 cho biết, trong phạm vi phụ trách thi công, địa phương đã giao được 8,8/12,97km nhưng thực tế mới triển khai thi công liền mạch được khoảng 1km.

Tại vị trí Km 311+300 - Km 311+900 thuộc gói thầu XL1 dự án đoạn Vân Phong - Nha Trang, kỹ sư Ninh Thế Thương, Chỉ huy trưởng Ban điều hành số 1 thuộc Công ty CP Lizen cho biết, mặt bằng bàn giao chưa liên tục do một số hộ chưa di dời đến nơi tái định cư. Vì vậy, nhà thầu mới triển khai được 10/19km.

Triển khai thi công dự án đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, 7 mũi thi công đang được Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tổ chức thực hiện điều phối đất đắp trên đoạn qua huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Nỗ lực là rất lớn nhưng ông Hồ Sỹ Biên, Phó giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 5 không khỏi lo lắng khi việc thi công đang phải “nhảy cóc”. Trên phạm vi mặt bằng được bàn giao, nhà thầu mới chỉ thi công liên tục được 6/19km.

Ở gói thầu XL2 dự án đoạn Vũng Áng - Bùng, theo kỹ sư Nguyễn Văn Hạnh, vị trí thi công cầu Gianh cũng đang tồn tại hai thái cực đối lập.

Nếu ở khu vực bờ Bắc có công địa thuận lợi, đơn vị thi công đã hoàn thành được 219/714 cọc khoan nhồi, đang làm 14/51 mố trụ nhịp super T, đúc hẫng thì tại bờ Nam, máy móc vẫn “án binh bất động” do vướng đất của các hộ dân.

Các địa phương bàn giao 84% mặt bằng

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023, trong tổng số 721km chiều dài toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các địa phương đã bàn giao mặt bằng khoảng gần 608km (đạt hơn 84%).

Tuy nhiên, theo báo cáo của các Ban QLDA, diện tích mặt bằng có thể thi công được chỉ đạt hơn 523km (đạt 72,5%).

“Để dự án sớm có đầy đủ mặt bằng sạch thi công, Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với các tỉnh, ban hành công điện đôn đốc tiến độ, đề nghị các địa phương triển khai chậm tập trung tháo gỡ khó khăn, ưu tiên các các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận, các công trình cầu lớn, hầm, các vị trí xử lý nền đất yếu, các vị trí có khối lượng đào lớn cần điều phối sang đắp…”, ông Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.