Xã hội

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Năm 2023, chưa phát hiện người bị kết án oan

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, năm 2023, toà đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, qua đó xử lý nghiêm hơn 40 trường hợp vi phạm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ

Sáng 21/11, báo cáo về công tác của các tòa án tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2023, số lượng, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đề ra.

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Năm 2023, phát hiện hơn 40 cán bộ toà án vi phạm  - Ảnh 1.

Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình báo cáo tại quốc hội

Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ.

Cụ thể, các toà án đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như: vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao…

Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.

Về công tác cán bộ, thời gian qua, Toà án nhân dân Tối cao đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ.

Thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuyên môn của các tòa án nhân dân cấp cao và tòa án nhân dân hai cấp tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức 9 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ.

Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khiển trách 32 trường hợp, cảnh cáo 8 trường hợp, buộc thôi việc bốn trường hợp, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hai trường hợp.

Để khắc phục tình trạng này, Toà án nhân dân Tối cao sẽ tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức, kiện toàn đội ngũ công chức của các Tòa án, tăng cường thanh tra, kiểm tra…

Tài sản tham nhũng, kinh tế ở nhiều địa phương gây khó thi hành án

Cũng trong sáng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về công tác thi hành án năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết trong năm 2023, kết quả thi hành án dân sự đạt tỉ lệ 83,24% số vụ việc thi hành.

Trong đó, số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự có chiều hướng tăng.

Năm 2023, phát hiện hơn 40 cán bộ toà án vi phạm  - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại Quốc hội

Chỉ ra nguyên nhân, ông Long cho biết, một số quy định về thi hành án trở nên bất cập, quan điểm áp dụng pháp luật trong một số trường hợp còn khác nhau.

Bên cạnh đó, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải xử lý ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp. Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với các năm trước trong khi nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Đối với công tác thi hành án hành chính, đến nay đã thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với năm 2022).

Về thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án đã tổ chức giam giữ, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng theo quy định pháp luật, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.

Thực hiện đúng quy trình trong công tác tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động trốn, chống phá, phạm tội mới..., hạn chế thấp nhất các trường hợp phạm nhân chết không do bệnh lý. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.