Đường bộ

Chạy nước rút khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào tháng 12/2023

09/10/2023, 13:22

Các thủ tục đầu tư đang được cơ quan chức năng hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào cuối tháng 12/2023.

Thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào năm 2025

Sáng nay (9/10), Ban Chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã tổ chức họp triển khai các thủ tục, tiến tới khởi công dự án trong năm 2023.

Chạy nước rút khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào tháng 12/2023 - Ảnh 1.

Ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng phát biểu tại buổi làm việc sáng nay (9/10).

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, Trưởng ban chỉ đạo dự án nhấn mạnh, sau hơn 5 năm thực hiện các thủ tục đầu tư, đặc biệt là công tác GPMB, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có đủ điều kiện thuận lợi để khởi công.

"Tập đoàn Đèo Cả cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương thực hiện các thủ tục, phấn đấu khởi công dự án vào ngày 22/12 tới đây. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2025, chúng ta có thể thông xe kỹ thuật toàn tuyến.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu, toàn bộ nguồn lực của Cao Bằng sẽ được cân đối dành cho dự án cao tốc quan trọng này. Ngay trong tháng 11/2023, toàn bộ 18 mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án sẽ được bàn giao cho nhà đầu tư", ông Minh nói.

Nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, bảo đảm tính khả thi về phương án tài chính dự án, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cũng đề nghị các cơ quan địa phương, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ, phương án để ngay sau khởi công dự án giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo dự án sẽ báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư giai đoạn 2.

Hỗ trợ tối đa quá trình thực hiện dự án, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh sẽ xuống thương thảo trực tiếp với người dân để giải quyết các nút thắt mặt bằng.
img Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh

Địa phương cam kết bố trí đủ vốn 

Trước đó, thông tin tiến độ triển khai dự án, ông Lưu Công Hữu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng cho biết, phục vụ thi công dự án, UBND tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nhiều thủ tục đảm bảo nguồn vật liệu như: Phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh (có khoảng 18 mỏ các loại, trong đó có 6 mỏ đất); Phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường.

Theo lộ trình đề ra, công tác lựa chọn nhà đầu tư sẽ thực hiện trong tháng 11/2023.

Công tác GPMB thực hiện từ quý 3/2023 đến quý 3/2024.

Dự án sẽ được khởi công dự án trong tháng 12/2023 và thực hiện từ quý 1/2024 đến quý 3/2026.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện các thủ tục, dự kiến hoàn thành công tác đấu giá trong tháng 11/2023.

Cho đến nay, công tác bàn giao hồ sơ GPMB đối với địa phận tỉnh Cao Bằng đạt hơn 34km/hơn 41km.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, sau khi có văn bản đề nghị của UBND tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện GPMB.

Về công tác bố trí vốn cho dự án, theo phương án được duyệt, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn ngân sách Nhà nước tham gia 6.580 tỷ đồng (ngân sách địa phương: 4.080 tỷ đồng; ngân sách TƯ 2.500 tỷ đồng), chiếm gần 46% tổng mức đầu tư; Vốn đầu tư và các nguồn vốn khác hơn 7.750 tỷ đồng

"UBND tỉnh Cao Bằng đã có quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho dự án là gần 1.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhân sách TƯ là 500 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương hơn 780 tỷ đồng", ông Hữu thông tin.

"Các thủ tục phục vụ khởi công dự án đã và đang được rốt ráo hoàn thiện", ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định tại cuộc họp.

Theo ông Ánh, điểm nghẽn trong phát triển KT-XH của Cao Bằng hiện nay là thiếu kết nối với các trung tâm kinh tế và cửa khẩu giao thương với Trung Quốc.

"Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giải quyết được vấn đề đó và sẽ là tuyến cao tốc quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nhất là tới đây, cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Long Bang (Trung Quốc) dự kiến sẽ được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế", ông Ánh nói và cho biết, thể hiện quyết tâm làm cao tốc, tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 22 dự án giao thông với giá trị đầu tư trên 100 tỷ đồng/dự án để dồn lực, nâng giá trị vốn ngân sách địa phương tham gia dự án lên hơn 4.000 tỷ đồng.

"Chúng tôi cam kết bố trí đủ nguồn vốn ngân sách theo phương án được duyệt và sẽ bố trí tăng thêm nếu pháp luật cho phép để đảm bảo tính khả thi của dự án, rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn.

Riêng nguồn ngân sách địa phương bố trí cho dự án, hụt ở đâu sẽ có giải pháp bù ở đó, đảm bảo đúng giá trị cam kết.

Tỉnh Cao Bằng cũng sẽ phối hợp với nhà đầu tư làm việc với tổ chức tín dụng; Có phương án đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình triển khai dự án", ông Ánh nhấn mạnh.

Chạy nước rút khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào tháng 12/2023 - Ảnh 4.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, Phó trưởng ban chỉ đạo dự án nêu ý kiến tại cuộc họp.

Thống nhất kế hoạch, lập đồng hồ đếm ngược

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Phó trưởng ban chỉ đạo dự án, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là một trong những dự án có tình huống/cách thức triển khai đặc biệt.

Nếu trước đây, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT thì sau đó vài trò này được chuyển giao cho tỉnh Cao Bằng.

Từ lộ trình đầu tư sau năm 2030 theo quy hoạch chuyên ngành, thời gian thực hiện dự án được đẩy lên trước năm 2030.

Với sự nỗ lực của cấp có thẩm quyền địa phương, được ngân sách TƯ ghi vốn 2.500 tỷ đồng, tạo cơ sở triển khai dự án. Sơ bộ tổng mức giảm từ 47.000 tỷ xuống hơn 22.000 tỷ đồng sau khi được tối ưu thiết kế. Đồng Đăng - Trà Lĩnh cũng là dự án đầu tiên thi tuyển kiến trúc hình thành tuyến đường có cảnh quan đẹp.

Đề cập đến mô hình huy động nguồn lực 3P áp dụng tại dự án, với vai trò là nhà đầu tư, ông Hoàng cho rằng, muốn phân đường thực địa phải thông đường trách nhiệm.

"Trước ngày 30/10, trách nhiệm của các bên liên quan cần được xác lập rõ để nhà đầu tư có cơ sở thực hiện dự án.

Trong đó, tỉnh Cao Bằng thống nhất kế hoạch triển khai dự án để nhà đầu tư, nhà thầu lên kế hoạch triển khai chi tiết, lập đồng hồ đếm ngược thời gian.

Điểm quyết định đến tiến độ dự án là các hạng mục: Hầm, cầu, nút giao... địa phương cần vận động người dân bàn giao mặt bằng trước.

Phía ngân hàng cũng cần có câu trả lời rõ hạn mức cho vay tại dự án để chúng tôi tính toán được cụ thể nguồn lực và lộ trình triển khai phù hợp với thực hiện", ông Hoàng nêu ý kiến.

Trao đổi thêm tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị, đáp ứng dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh được triển khai theo đúng lộ trình, trong trường hợp tiến độ dự án vượt tiến độ bố trí vốn ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh xem xét bảo lãnh cho nhà đầu tư, nhà thầu vay vốn ngắn hạn triển khai trước. Khi có khối lượng sẽ thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước sau.

Về nguồn lực triển khai, dòng vốn tín dụng được tính toán đang chiếm giá trị phần lớn. Hiện nay, vốn ngân sách đã được tỉnh bố trí, vốn chủ sở hữu Đèo Cả đã xác lập vốn góp, huy động đủ nguồn vốn theo đúng cam kết.

"Quan trọng nhất hiện tại là ngân hàng VPBank trên cơ sở ký kết hợp tác với địa phương, đầu tư cần xác lập điều kiện cụ thể như: Hoàn trả vốn vay, lãi suất áp dụng, hạn mức tín dụng tối đa có thể cho vay... đánh giá khả năng đáp ứng của vốn tín dụng.

Trường hợp nguồn vốn tín dụng không thể đáp ứng theo kế hoạch, tỉnh Cao Bằng, nhà đầu tư, ngân hàng cần phối hợp báo cáo Thủ tướng tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bù đắp nguồn thiếu hụt trong trường hợp cần thiết", ông Vĩnh đề xuất.

Theo phương án được duyệt, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài hơn 93km.

Điểm đầu dự án (Km 0+00) tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Điểm cuối dự án giai đoạn 1 tại Km 93+350 điểm giao với QL3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Giai đoạn hoàn chỉnh, điểm cuối dự án tại Km 121+060 ranh giới quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 14m. Điểm vượt xe được bố trí không liên tục.

Các đoạn khó khăn được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 13,5m, bề rộng mặt đường 7m.

Giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh), tuyến cao tốc được đầu tư tiếp khoảng gần 28km (từ Km 93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km 121+060) với bề rộng nền đường 17m và hoàn thiện quy mô cắt ngang với các đoạn tuyến có bề rộng nền đường 13,5m đã thực hiện trong giai đoạn 1.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.