Thị trường

Chiếm thị phần lớn nhất tại Trung Quốc, xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo đạt kỷ lục

02/12/2023, 13:15

Thị phần chiếm gần 40% trong nhóm các nước xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc.

Thị phần chiếm gần 40%

Đó là số liệu Cục Xuất nhật khẩu (Bộ Công thương) cập nhật từ cơ quan Hải quan Trung Quốc. 10 tháng năm 2023, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đạt 2,25 triệu tấn, tương ứng gần 1,2 tỷ USD, giảm 59% về lượng và giảm 48% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc giảm mua gạo từ hầu hết thị trường chính, ngoại trừ Việt Nam. Tính đến hết tháng 10, Trung Quốc đã nhập khẩu 896.307 tấn gạo từ Việt Nam, tương đương 520 triệu USD, tăng 23% về lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc với thị phần chiếm gần 40%, tăng đáng kể so với mức 13,5% của cùng kỳ.

Chiếm thị phần lớn nhất tại Trung Quốc, xuất khẩu gạo Việt dự báo kỷ lục - Ảnh 1.

Thu mua lúa gạo trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: Công Mạo.

Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết kết quả có được là nhờ Việt Nam có khả năng cung ứng tốt các dòng gạo được ưa chuộng tại Trung Quốc (như các dòng gạo thơm phẩm cấp cao, gạo ST, gạo nếp…) và đã thiết lập quan hệ bạn hàng truyền thống lâu năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn nhận thức Trung Quốc là một thị trường quan trọng của Việt Nam, từ đó không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và quy cách sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định và phục vụ tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Để củng cố và phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước nói chung và thương mại gạo Việt Nam - Trung Quốc nói riêng, đặc biệt đối với khu vực thị trường phía Bắc Trung Quốc, ông Toản đề xuất tăng cường hỗ trợ giao thương, thiết lập các kênh trao đổi thông tin, phối hợp kịp thời trong giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp hai nước, tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc trong thời gian tới.

Đồng thời, xem xét ký kết các biên bản ghi nhớ về thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại giữa hai nước; và hỗ trợ đưa sản phẩm gạo Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ truyền thống, các kênh thương mại điện tử của Trung Quốc trong thời gian tới.

Việc này sẽ góp phần duy trì thị phần, gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc, hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 583 năm 2023.

Sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo

Không chỉ tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc, năm 2023 được đánh giá là năm gạo Việt đón tin vui cả về lượng và trị giá.

Hiện giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam cũng tăng 5 USD lên mức 663 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 30/11.

Đáng chú ý, dù thời gian gần đây giá gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan liên tục tăng mạnh nhưng gạo Việt Nam vẫn giữ vững ngôi đầu thế giới khi bỏ xa đối thủ 20 USD/tấn (dữ liệu mới nhất từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết giá gạo 5% tấm của nước này đang ở mức 640 USD/tấn).

Bộ Công thương dự báo, trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,65 triệu tấn gạo, thu về 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

Cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,5 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay (thường mỗi năm xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn)

Bộ Công thương cũng nhận định, Việt Nam đang có nhiều cơ hội trước những biến động của thị trường gạo thế giới. Đây cũng là lúc Việt Nam sẽ đón nhận những khách hàng quốc tế mua những lô hàng lớn và ổn định lâu dài.

Tuy vậy, các doanh nghiệp cần nắm rõ biến động tại các thị trường nhập khẩu để có định hướng thu mua các đơn hàng. Ngoài ra, lựa chọn thời điểm phù hợp để ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.