Hồ sơ tài liệu

Chiến lược hạt nhân không gian của Nga có thực sự khiến Mỹ phải e dè?

15/02/2024, 20:00

Những thông tin tình báo mới nhất về tham vọng hạt nhân không gian của Nga khiến một số giới chức Mỹ "đứng ngồi không yên", có chuyên gia lo ngại vũ khí này có thể gây nguy hiểm tới các vệ tinh kiểm soát và chỉ huy hạt nhân của Mỹ.

Tiềm ẩn nguy cơ cực lớn với vệ tinh kiểm soát và chỉ huy hạt nhân của Mỹ?

Tờ New York Times dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với Quốc hội nước này cũng như các đồng minh của Mỹ ở châu Âu về thông tin tình báo cho rằng Nga đã có những bước tiến trong kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân ngoài không gian có thể đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống mạng lưới vệ tinh khổng lồ của Mỹ.

Cụ thể, vũ khí hạt nhân ngoài không gian này của Nga có thể phá hủy các vệ tinh viễn thông dân sự, các hệ thống giám sát phục vụ mục đích điều hành và kiểm soát các chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh trong không gian.

Trong khi nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đánh giá mối nguy hại không quá lớn thì Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ Hans Kristensen lại cảnh báo, một vũ khí chống vệ tinh được đặt trong quỹ đạo xung quanh Trái Đất có thể gây nguy hiểm cực lớn với các vệ tinh kiểm soát và chỉ huy hạt nhân.

Chiến lược hạt nhân không gian của Nga có thực sự khiến Mỹ phải e dè?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Getty).

Hiện nay, Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào các loại vệ tinh này để đảm bảo kiểm soát liên tục, thường xuyên đối với kho vũ khí hạt nhân.

Cũng theo ông Kristensen, trước đây, đã có nhiều nước từng tham gia thử nghiệm hệ thống vũ khí chống vệ tinh trong quá khứ, nhưng hành động lần này của Nga được coi là một bước leo thang mới và Mỹ cũng cảnh báo sẽ phản ứng "vô cùng mạnh mẽ" đối với bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào hệ thông vệ tinh chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Mỹ.

Một cựu quan chức Mỹ còn lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng Mỹ cho đến thời điểm này vẫn chưa sở hữu được khả năng đối phó và phòng vệ an toàn cho hệ thống vệ tinh của mình trước mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân ngoài không gian của Nga.

Điều này làm dấy lên những mối lo ngại về việc Nga có thể dừng tuân thủ Hiệp ước Thượng tầng Không gian 1967 trong đó cấm triển khai mọi loại vũ khí hạt nhân ngoài không gian và khiến Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Michael Turner ngày 14/2 lên tiếng công khai yêu cầu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden giải mật những thông tin có liên quan.

"Tôi yêu cầu Tổng thống Joe Biden giải mật toàn bộ những thông tin liên quan đến mối đe dọa này để Quốc hội, chính phủ và các đông minh của chúng ta có thể công khai thảo luận về những hành động cần thiết, đối phó vói mối đe dọa này", ông Turner nhấn mạnh.

Trước đó, hồi đầu tuần này, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu bất thường nhằm thông qua việc cung cấp thông tin về chiến lược hạt nhân không gian của Nga cho toàn bộ các thành viên Quốc hội Mỹ. Trong một thông báo gửi tới các nghị sĩ Mỹ, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nhấn mạnh, thông tin tình báo này "có thể gây bất ổn đến năng lực quân sự của Mỹ ở nước ngoài".

Trong một động thái nhằm trấn an công chúng, ông Jim Himes, thành viên cấp cao Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ thừa nhận, mối đe dọa từ chiến lược hạt nhân không gian của Nga là "rất đáng chú ý" nhưng cũng "chưa đến mức có thể gây hoảng loạn".

Ông nhận định Quốc hội Mỹ cần thảo luận về việc có cần giải mật thêm các thông tin tình báo liên quan đến vấn đề này hay không.

Nghi vấn "chiêu bài" cho vấn đề Ukraine

Có thể thấy chính giới Mỹ đang thể hiện sự bất đồng về quan điểm đối với chính sách hạt nhân không gian của Nga và mỗi bên lại đặt ra những yêu cầu riêng liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, mối đe dọa từ hạt nhân không gian của Nga có thể là cái cớ không thể tốt hơn để chính giới Mỹ quay trở lại điểm xuất phát chính là vấn đề Ukraine.

Cho đến thời điểm này, giới chức Mỹ vẫn tiếp tục bất đồng về việc có nên tiếp tục triển khai các nguồn lực nhằm ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Trong khi hầu hết các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng điều này là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở châu Âu thì đa số các nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu bác gói cứu trợ trị giá 60,1 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine.

Trong khi đó, nhiều quan chức Mỹ lại cho rằng, yêu cầu giải mật thông tin tình báo liên quan đến Nga của ông Michael Turner chính là cách ông gây sức ép lên chính các nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa tại Hạ viện trong việc tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Chiến lược hạt nhân không gian của Nga có thực sự khiến Mỹ phải e dè?- Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Michael Turner (Ảnh: AP).

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với ông Turner dù ông Sullivan cũng không hài lòng về việc ông Turner "cầm đèn chạy trước ô tô" khi công khai trước yêu cầu giải mật thông tin tình báo liên quan đến Nga.

"Chúng tôi sắp có cuộc gặp với các Hạ nghị sĩ thuộc nhóm Bộ 8 (nhóm các nhà lãnh đạo thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa - ND)", ông Sullivan cho biết: "Chính vì thế tôi khá ngạc nhiên khi ông Turner lại công khai tuyên bố trước về những gì chúng tôi chuẩn bị thảo luận liên quan đến vấn đề tình báo và quân sự.

Người dân Mỹ cần hiểu rằng, chúng ta phải đối mặt với hàng loạt những thách thức trên toàn cầu như khủng bố và các nhân tố đến từ nhiều quốc gia. Chúng ta cần phải tìm cách ngăn ngừa chúng trong khi vẫn phải đảm bảo an ninh tối đa cho người dân Mỹ. Tôi tin tưởng rằng Tổng thống Biden sẽ đưa ra những quyết sách nhằm đảm bảo được an ninh cho người dân Mỹ trong tương lai".

Trong một diễn biến khác, ngày 15/2, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã hoàn toàn bác bỏ cảnh báo của Mỹ về khả năng hạt nhân mới của Nga trong không gian, gọi đây là sự bịa đặt ác ý.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông sẽ không bình luận thêm về nội dung những thông tin tình báo này cho đến khi Nhà Trắng công bố chi tiết. Nhưng ông cho rằng lời cảnh báo trên của Washington rõ ràng là một chiêu trò nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua thêm ngân sách hỗ trợ Ukraine.

Nga và Mỹ là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Cả hai sở hữu tổng cộng 90% vũ khí hạt nhân trên toàn cầu và đều có vệ tinh quân sự tiên tiến quay quanh Trái Đất.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.