Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) và TP.HCM, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án là một dự án thu hồi đất trên địa bàn của 1 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2013.
Đường Vành đai 3 TP.HCM được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nghẽn giao thông từ TP.HCM đi Long An, Bình Dương, Đồng Nai
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các dự án thành phần.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết số 57/2022/QH15 được Quốc hội thông qua. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nghị quyết cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Theo đó, lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần: Bắt đầu từ 5/8/2022, hoàn thành 15/11/2022.
Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho từng dự án thành phần: Bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/11/2022.
Bàn giao hồ sơ và cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho địa phương: Bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/9/2022; Địa phương thực hiện công tác GPMB: Bắt đầu từ 1/10/2022, hoàn thành 30/3/2024
Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; lựa chọn nhà thầu xây lắp, Tư vấn giám sát,... và khởi công: Bắt đầu từ 30/11/2022, hoàn thành 30/6/2023.
Tổ chức thi công: Bắt đầu từ 30/6/2023, hoàn thành 30/6/2026.
Chính phủ cho phép UBND các tỉnh, thành phố: HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án, bao gồm:
Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB của các dự án thành phần theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến) để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB trên sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.
Khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB được phê duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc GPMB khu tái định cư (nếu có).
Các địa phương xác định vị trí diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của các dự án thành phần; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, GPMB các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) bảo đảm tiến độ thi công.
Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; điều chỉnh cục bộ các quy hoạch có liên quan đến Dự án.
Khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án thành phần; các thủ tục nêu trên cần đảm bảo nguyên tắc kết quả thực hiện của một số công việc được thực hiện ở bước trước là cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ có văn bản 5241/VPCP-CN ngày 16/8/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành theo đúng ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 1941/VPCP-CN ngày 30/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, chiều dài khoảng 65km. Điểm đầu: Ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối: Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Quy mô đề xuất thực hiện khổ 1.435mm, trong đó: Đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, chiều dài khoảng 37,5km. Điểm đầu: Ga Thủ Thiêm, Thủ Đức, TP.HCM; điểm cuối: Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quy mô đề xuất thực hiện: đường đôi, khổ 1.435mm, chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận