Vận tải

Chính sách mới giúp doanh nghiệp vận tải cạnh tranh lành mạnh

29/03/2016, 06:36

Báo Giao thông tổ chức tọa đàm trực tuyến ở Hà Nội và TP.HCM về chính sách mới trong quản lý vận tải.

Toàn cảnh buổi giao lưu
Khách mời giao lưu và trực tiếp trả lời các câu hỏi do độc giả chuyển đến

Từ 1/7/2016, nhiều quy định mới nhằm siết chặt quản lý vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách có hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ còn 3 tháng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt để đảm bảo đáp ứng quy định mới.

Sáng nay, Báo Giao thông tổ chức toạ đàm trực tuyến ở hai đầu cầu Hà Nội và TP. HCM, các khách mời sẽ cùng thảo luận và trả lời các câu hỏi của độc giả Báo Giao thông gửi về xung quanh các chính sách mới trong quản lý vận tải. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: 

Những quy định mới áp dụng từ 1/7/2016 trong quản lý vận tải, chế tài xử phạt, trách nhiệm các bên liên quan và quyền lợi của hành khách; Những khó khăn trong thực hiện của doanh nghiệp, khó khăn trong quản lý, hướng giải quyết, tháo gỡ.

Xử lý vi phạm và xử phạt nguội qua camera và thiết bị giám sát hành trình, đặc biệt trên cao tốc.

Các doanh nghiệp, cơ quan chức năng kiến nghị, đề xuất các giải pháp siết chặt quản lý  vận tải, sửa Nghị định 86 như sửa điều kiện kinh doanh vận tải, quản lý xe hợp đồng, xe ứng dụng phương thức vận tải theo hợp đồng điện tử (Uber, Grab...)

Các khách mời tham dự tọa đàm:

1. Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT

2. Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ

3. Ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải 

4. Ông Trần Văn Trường  - Phó chánh thanh tra Bộ GTVT 

5. Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông

6. Ông  Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ

7. Ông Trần Đăng Hải - Chánh Thanh tra Sở GTVT HN

8.Ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP HCM

9. Ông Nguyễn Văn Chánh - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội vận tải TP Hồ Chí Minh

10. Ông Trần Ngọc Thọ - Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

11. Ông Phạm Văn Lợi - Giám đốc Công ty vận tải Trưởng Lợi

12. Ông Lâm Đại Vinh - Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh

13. Ông Phạm Minh Hải - Phó giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Thuận Thảo 

14.Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng 

15. Ông Nguyễn Đình Chiến - Giám đốc Công ty CP phát triển công nghệ Smart Parking

Những quy định mới và lộ trình thực hiện

Thưa Thứ trưởng, Chính phủ, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm siết chặt quản lý vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Từ 1/7 này, nhiều quy định mới tiếp tục có hiệu lực. Tuy nhiên, chỉ còn 3 tháng nữa nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt để đáp ứng quy định mới. Lãnh đạo Bộ nhận định thế nào về tình trạng này, quan điểm xử lý của Bộ ra sao?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ:

Lê Đình Thọ
Thứ trưởng Bộ GTVT
Lê Đình Thọ

Cần khẳng định rằng hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá là có điều kiện. Tháng 9/2014, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 86 (thay thế Nghị định 93/2012) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng đường bộ, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 63 về quản lý kinh doanh vận tải (KDVT), thực hiện quy hoạch luồng tuyến. Đây là cơ sở quan trọng trong quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Bộ GTVT cũng phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư về giá cước vận tải; Phối hợp Bộ VH-TT-DL ban hành quy định với xe du lịch; Phối hợp với Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ lái xe...

Bằng nhiều giải pháp quyết liệt của Bộ GTVT, hoạt động vận tải có nhiều thay đổi tích cực, nề nếp hơn. TNGT giảm cả 3 tiêu chí, số người tử vong giảm sâu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn một số tồn tại mà cơ quan quản lý cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, để làm sao lĩnh vực KDVT đường bộ phát triển, phù hợp với sự phát triển của đất nước, đáp ứng điều kiện quản lý chặt chẽ hơn, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho DN phát triển.

Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 86/2014 (NĐ86), Bộ GTVT cũng nhận thấy còn một số bất cập như: một số điều kiện đưa ra chưa được thực hiện nghiêm; TNGT giảm nhưng vẫn còn cao; Môi trường cạnh tranh đã bảo đảm nhưng chưa thực sự lành mạnh; Vẫn còn xe quá khổ quá tải, xe quá niên hạn, nhiều quy định chưa nghiêm túc thực hiện như: bến cóc, xe dù, đón khách trên cao tốc, người điều hành phương tiện, cơ quan tổ chức còn bất cập; Taxi không chỉ còn taxi truyền thống hoạt động nữa mà đã có Grap, Uber, tuy nhiên cơ chế chính sách chưa thực sự bao quát hết.

Vừa qua Bộ GTVT liên tiếp tổ chức các hội thảo tại 3 miền để lắng nghe góp ý của các chuyên gia, DN để tiếp tục sửa đổi NĐ86. Theo kế hoạch Chính phủ giao, tháng 12/2016 sẽ phải trình Chính phủ NĐ này. Hiện Bộ GTVT đang tích cực thực hiện.

NĐ86 đã được sửa đổi, bổ sung một số những nội dung như: Từ 1/7 hàng loạt quy định mới như: xe 7 - dưới 10 tấn phải lắp thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT), cấp phù hiệu; Về quy mô, đến 1/7 vận tải hàng hóa và xe buýt thì quy mô phải lớn hơn.

Tuy vậy, thời gian không còn nhiều, chỉ còn 3 tháng nữa, trong khi đây là những điều kiện bắt buộc, chúng ta phải rà soát để có những quy định rõ ràng, triển khai tốt hơn. Nếu làm tốt, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và hiệu quả sẽ tốt hơn, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả và hội nhập tốt hơn. Vì vậy cuộc tọa đàm hôm nay rất quan trọng, thúc đẩy triển khai các quy định này.

Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt để đảm bảo đáp ứng quy định  mới của Nghị định 86. Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ có thể thông tin rõ hơn tới doanh nghiệp về những lộ trình phải thực hiện của Nghị định này? 

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ:

Bà Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN.
Bà Phan Thị Thu Hiền
Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ

Trong năm 2015, Bộ GTVT đã triển khai công tác tuyên truyền NĐ86 mạnh mẽ, tuy nhiên trong quá trình triển khai, có nhiều đối tượng nằm trong NĐ86 chưa nắm được các quy định. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về lộ trình của NĐ 86 và quy định cụ thể như sau:

1. Quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tại khoản 3 Điều 6: Từ ngày 1/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.

2. Quy định đối với lái xe, người điều hành vận tải và xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải tại điểm c, khoản 4 Điều 11: Trước ngày 1/7/2016,  đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được gắn phù hiệu theo quy định.

3. Quy định về xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại điểm b, khoản 1 Điều 12: Đơn vị KDVT hành khách theo hợp đồng, khách du lịch; vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên; bến xe hàng: thực hiện từ ngày 1/72016.

4. Quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe tại điểm c, khoản 3 Điều 14 : Trước ngày 1/7/2016, đối với xe ô tô KDVT hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

5. Quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định tại khoản 4 Điều 15:

Khoản 4 quy định: Từ ngày 1/7/2016, doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 kilômét trở lên phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau:

Điểm a: Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 20 xe trở lên;

Điểm b: Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 10 xe trở lên; riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: từ 5 xe trở lên.

6.  Quy định về Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt tại khoản 4 Điều 16:

Khoản 4 quy định: Từ ngày 1/7/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau:

Điểm a quy định: Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 20 xe trở lên;

Điểm b quy định: Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các  địa phương còn lại: Từ 10 xe trở lên; riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: Từ 5 xe trở lên.

7.  Quy định về cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại điểm c khoản 2 Điều 20: Trước ngày 1/72016, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được cấp Giấy phép kinh doanh.

Vận tải hàng hóa không cần mang theo hợp đồng

Hỏi: Chúng tôi vừa nhận được câu hỏi từ một doanh nghiệp khai thác mỏ tại Quỳ Hợp Nghệ An hỏi: “Hiện đơn vị có một phương tiện 9 tấn, chạy trong quãng đường 3km, thì theo quy định hiện hành, thì phải tuân thủ những điều kiện nào của Nghị định 86?

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Theo câu hỏi của đơn vị, đơn vị có xe 9 tấn, chạy 3 km, thì theo NĐ86 phải lắp thiết bị GSHT, cấp phù hiệu từ 1/7/2016. Đơn vị không phải thực hiện quy định về số lượng tối thiểu phương tiện, vì chỉ chạy quãng đường có 3km. Đơn vị vẫn phải triển khai các quy định về quản lý, đảm bảo ATGT.

Ông Phạm Minh Hải - Phó giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Thuận Thảo: Vì sao quy định xe chạy trên 300 km, đăng ký ở T.Ư là 20 xe, ở tỉnh là 10 xe, ở huyện là 5 xe?

Ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải:

Nguyễn Xuân Thủy
Ông Nguyễn Xuân Thủy
Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải

Việc đưa ra quy mô phương tiện này để đáp ứng điều kiện kinh tế, tham gia của các doanh nghiệp, HTX vận tải, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân theo từng khu vực.

Điều kiện tham gia ở các tỉnh, TP trực thuộc TW khác với các vùng khó khăn và vùng sâu vùng xa, phù hợp với tình hình kinh tế của các địa phương và của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây là yêu cầu tối thiểu không phải tối đa. Các doanh nghiệp vẩn tải ở vùng sâu, vùng xa có thể đầu tư thêm trên cơ sở nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài việc tổ chức quy mô quản lý, các đơn vị, doanh nghiệp vận tải phải đảm bảo ATGT. Quy định có hiệu lực từ 1/7/2016.

Xe đất cảng
 

Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp là quy định trên có trái Luật, không khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: Ở Việt Nam, kinh doanh vận tải là ngành nghề có điều kiện. Các DN phải đáp ứng đủ điều kiện mới được tham gia. Hoạt động vận tải trước hết phải đảm bảo ATGT, tính mạng con người là trên hết. Để đáp ứng được yêu cầu về an toàn, về chất lượng phục vụ phải đảm bảo các điều kiện như phải có bộ phận an toàn giao thông, phải lắp camera giám sát hành trình, người điều hành vận tải phải có trình độ, kinhn nghiệm, 1 xe phải có ít nhất 2 tài xế khi chạy tuyến dài.... Với những yêu cầu này, thì doanh nghiệp phải đạt tới một mức độ nào đó mới nên tham gia lĩnh vực vận tải.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng đặt câu hỏi, hiện đã có quy định tại Thông tư 18 về việc quy hoạch và xây dựng các điểm dừng đỗ, đón trả khách, tuy nhiên đến nay nhiều địa phương không thực hiện. Trong đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đưa vào khai thác nhưng cũng chưa có điểm dừng đỗ, các công trình phụ trợ...Vì sao lại có tình trạng này?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ:

NĐ86 có quy định cụ thể về việc điểm dừng đỗ, đón, trả khách trên các tuyến, địa bàn của các địa phương. Để làm việc này, địa phương cần xây dựng quy hoạch cho các loại hình như: vận tải taxi, xe khách, xe tải… Đây là một nội dung rất quan trọng vì tình trạng bến cóc, xe dù vẫn nóng.

Nhiều địa phương đã làm tốt việc bố trí các điểm đón trả khách, tuy nhiên vẫn còn một số nơi làm chưa tốt, dẫn đến tình trạng nhiều DN muốn có điểm dừng đón hợp lý nhưng không có, gây khó khăn cho DN và người dân. Bộ GTVT đã nhận thấy những bất cập này và sẽ sửa NĐ86 để bổ sung phù hợp. Vừa qua, một số địa phương cũng đã làm tốt việc này. Điểm dừng đỗ cũng phải được đầu tư, phải có địa chỉ. Điểm đỗ phải để dân không bị mưa nắng, có chỗ đứng chờ. Bộ GTVT sẽ đưa nội dung các công trình đầu tư mới phải thiết kế luôn các công trình này. Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ ưu tiên làm khi triển khai dự án mới và nâng cấp.

Riêng về tuyến cao tốc HN - HP, hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, điểm dừng đỗ để phục vụ hoạt động vận tải như: điểm dừng đỗ, trạm tiếp xăng dầu, nhà vệ sinh….

Việc công trình xong rồi mà chưa hoàn thiện là vì để giải quyết nhu cầu quá lớn về vận tải, nhất là khi đường 5 đang quá tải. Bộ GTVT đang chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thiện các công trình này sớm nhất.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Ông Trần Ngọc Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Bà Rịa Vũng Tàu: Trong những trường hợp bất khả kháng như xe có đơn hàng ban đêm, đi gấp, không mang theo được hợp đồng vận tải thì lái xe có thể dùng bản chụp gửi qua emall trong trường hợp  CSGT kiểm tra được không? Trong trường hợp không có hợp đồng, CSGT có phạt được không?

Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông:

Ông Tùng

Ông Hoàng Thế Tùng

Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông

Tại NĐ 171 có mô tả hành vi vi phạm “điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hoá, không có hoặc không mang theo hợp đồng vận chuyển, giấy vận tải theo quy định”.

Tuy nhiên, hiện nay tại NĐ 86 - 2014 thì không quy định lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển khi điều khiển xe trên đường, do đó hiện nay sẽ không xử phạt đối với hành vi này nữa.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói thêm: Khi vận huyển hàng hóa không bắt buộc phải mang theo hợp đồng vận tải.

Còn nếu không chỉ cần mang theo giấy vận tải từ các điểm xếp hàng. Tất cả nội dung này đã được quy định trong các văn bản của bộ GTVT. Nếu ở đâu đó lực lượng kiểm tra vẫn xử phạt, đề nghị nhà xe phản hồi về đường dây nóng để thành tra, kiểm tra.

Ông Lâm Đại Vinh, Phó chủ tịch HHVTHH TP HCM
Ông Lâm Đại Vinh
Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh

Ông Lâm Đại Vinh - Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh hỏi: Hiện nay còn vướng vì Sở GTVT chỉ cấp phù hiệu khi có bản sao đăng ký kinh doanh, đăng kiểm. Nhưng trong thời gian doanh nghiệp đang đăng ký kinh doanh, đăng kiểm thì chưa có bản chính để sao.

Ông Vinh đề nghị khi có giấy hẹn đăng ký, đăng kiểm xe thì được cấp phù hiệu luôn để rút ngắn thời gian?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Về quy định, tối đa 2 ngày nếu hồ sơ đầy đủ, đề nghị các Sở GTVT hết sức lưu ý để tạo điều kiện cho DN. Việc đi đăng kiểm, đăng ký chỉ cần có giấy hẹn của CSGT là có thể giải quyết cho DN, những cái gì không cần thiết thì phải loại bỏ ngay. Tới đây, Bộ GTVT sẽ có văn bản chỉ đạo các Sở về vấn đề này.

Các doanh nghiệp có mặt tại tọa đàm rất vui mừng trước câu trả lời của Thứ trưởng Lê Đình Thọ vì như vậy sẽ rút ngắn được thời gian chờ đợi.

Một doanh nghiệp: Quy định thời hạn giải quyết thủ tục cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh đã có nhưng doanh nghiệp bức xúc là vì hồ sơ gửi lên được trả lại yêu cầu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp gây kéo dài. Có cách nào để hạn chế vấn đề này?

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ:

Hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh, cấp phù hiệu cho xe ô tô đều được niêm yết công khai và bất kỳ trang thông tin điện tử của Sở GTVT nào đều có. Các doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ cần nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng, tránh bị trả đi trả lại hồ sơ để bổ sung.Tổng cục Đường bộ VN sẽ đưa vào chương trình thực hiện cấp độ 4 của thủ tục cấp phù hiệu, hạn chế tình trạng người làm thủ tục hành chính phải đến trực tiếp mà sẽ gửi hồ sơ qua hệ thống mạng, kết hợp với bưu điện, chuyển phát nhanh để hoàn thành thủ tục cho doanh nghiệp.

Năm 2016, Tổng cục Đường bộ VN dự kiến sẽ triển khai, xây dựng phần mềm cho hệ thống cấp phù hiệu toàn quốc, giảm được tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp hồ sơ và người giải quyết thủ tục, tránh phát sinh những tiêu cực, nhũng nhiễu.

Hệ thống camera trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã đ
Hệ thống camera trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã được lắp đặt và sẵn sàng ghi hình các lái xe vi phạm. Ảnh VEC

Doanh nghiệp "ngồi lại với nhau" để giảm chi phí lắp TBGSHT

Doanh nghiệp vận tải có xe từ 7-10 tấn chủ yếu là quy mô nhỏ. Việc phải lắp Thiết bị GSHT từ 1/7 tới đây gặp nhiều khó khăn, trong đó có cả việc tiếp cận thông tin để mua được thiết bị đảm bảo chất lượng. Vậy cách nào để nhận biết được TBGSHT đó đảm bảo chất lượng tốt?

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN:

Trần Quang Hà

Ông Trần Quang Hà

Phó Vụ trưởng Vụ KHCN

 

Về phía Vụ KHCN, đến thời điểm hiện tại, số đơn vị cung cấp ra thị trường, đáp ứng các quy định, quy chuẩn lên đến 30. Vì thế, từ khi triển khai lắp TBGSHT từ NĐ 91 đến nay đã có sự cạnh tranh rất cao, cùng với sự quản lý chặt của cơ quan quản lý Nhà nước nên các đơn vị cung cấp đều khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường., đảm bảo uy tín. Một số DN điển hình như: SmarPaking, Bình Anh, Vinh Hiển….

Theo số liệu đăng kiểm, đến nay có khoảng 76 nghìn phương tiện từ 7 - dưới 10 tấn, trong đó có khoảng 21 nghìn phương tiện trước đây chưa đăng ký kinh doanh vận tải.

Để người dân có thể lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lương, đến nay việc này đã được công bố, công khai về chất lượng truyền dẫn dữ liệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cũng cần nói thêm, với một số thông tin là có nhiều sản phẩm có giá cả khác nhau, có loại 6 - 7 triệu, có loại 2 - 3 triệu, theo quy chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng, sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu như: hành trình, tốc độ, thời gian làm việc của lái xe…

Ngoài những tính năng trên, DN vận tải có nhu cầu cao hơn, sử dụng tính năng khác để quản lý như: camera, quản lý nhiên liệu… sẽ phải tăng thêm chi phí. Vì thế giá cả dao động như vậy là bình thường và do thoả thuận giữa hai bên. Để tránh tình trạng lái xe lắp đặt đối phó, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thông qua theo dõi việc truyền dữ liệu về trung tâm, tập hợp danh sách các thiết bị không bảo đảm đường truyền để có biện pháp xử lý ngay.

Ông Trần Ngọc Thọ - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng
Ông Trần Ngọc Thọ
Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 

Ông Trần Ngọc Thọ - Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi lắp đặt hệ thống GPS nhiều đợt, mua từ nhiều nhà cung cấp, sau đó mới chọn ra được thiết bị phù hợp nhất để trang bị toàn bộ xe. Thường thì thiết bị của các nhà cung cấp không tương thích nhau. Vì vậy, khi chọn được thiết bị phù hợp, chúng tôi phải trang bị lại từ đầu, rất tốn kém (3 - 7 triệu đồng/xe). Đề nghị Bộ có quy định các nhà cung cấp thiết bị GPS phải có độ tương thích với nhau, giảm phiền phức và tốn kém cho doanh nghiệp.

Việc rút phù hiệu xe vi phạm hiện nay do Sở GTVT thực hiện. Nếu tài xế vi phạm Sở sẽ xử phạt, rút phù hiệu phương tiện. Đề nghị nên xử lý đối với người vi phạm là tài xế thay vì xử lý phương tiện.Chúng tôi cũng đề nghị Bộ GTVT có trang web xây dựng dữ liệu về tài xế để doanh nghiệp tránh sử dụng những tài xế có lý lịch hoạt động không tốt.

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ:

Liên quan đến việc hiện nay DN đang lắp đặt thiết bị GSHT của 1 đơn vị, mua xe có sẵn thiết bị GSHT của 1 đơn vị khác, thì DN phải có buổi làm việc với các đơn vị này vì đây là hợp đồng kinh tế riêng giữa DN với đơn vị cung cấp thiết bị. Theo tôi, trong quá trình kinh doanh vận tải, DN nên trao đổi với các đơn vị liên quan cùng kinh doanh vận tải hành khách, đã có kinh nghiệm về lắp đặt thiết bị GSHT, Tổng cục Đường bộ VN đã có một danh sách các nhà cung cấp thiết bị GSHT đạt chuẩn, DN cũng có thể tham khảo.

Liên quan đến công tác quản lý đối với lái xe, các đơn vị kinh doanh vận tải hiện phải có sổ theo dõi phương tiện, theo dõi lái xe, phải có trên phần mềm của đơn vị. Cá nhân tôi đang suy nghĩ giải pháp sẽ tích hợp quản lý lái xe trên một hệ thống phần mềm chung toàn quốc, để các DN sau này muốn lựa chọn lái xe sẽ có một phần mềm quản lý lý lịch lái xe, nhìn vào là rõ ngay. Đây là yếu tố giúp các DN có thể có hồ sơ để quản lý lái xe thông qua hồ sơ quản lý lái xe chung trên hệ thống phần mềm toàn quốc. Tuy nhiên, cái này mới là ý tưởng, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có những kế hoạch cụ thể.

Ông Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ:

Hiện các TBGSHT khi được lắp đặt trên xe sẽ truyền dữ liệu về máy chủ của nhà cung cấp, sau đó truyền về máy chủ của Tổng cục ĐBVN.

Quá trình truyền như vậy phải có sự can thiệp nhất định mới có thể thay đổi đường truyền được, không đơn thuần như một chiếc sim điện thoại. Việc lựa chọn nhà cung cấp, họ cũng có sự hỗ trợ nhất định để có sự chuyển đổi hợp lý, để DN không tốn kém nhiều chi phí.

Ông Nguyễn Đình Chiến - Giám đốc Công ty CP phát triển công nghệ Smart Parking:

Ông Chiến
Ông Nguyễn Đình Chiến
Giám đốc Công ty CP phát triển công nghệ Smart Parking

Về vấn đề thiết bị GSHT, tôi thấy thực tế hiện nay đơn vị chúng tôi sản xuất thiết bị này nhưng đơn vị vận tải sẽ mua hay sử dụng thiết bị do nhiều đơn vị khác nhau cung cấp. Vì vậy, hiện đang có bất cập là khi theo dõi số lượng xe của công ty thì cùng lúc phải mở nhiều trang web mới có thể theo dõi được toàn số lượng xe vốn có.

Đó là bất cập chưa được giải quyết. Hai nhà cung cấp thiết bị GSHT có thể ngồi với nhau và giao thức được nhưng vấn đề là hợp đồng kinh tế phải đàm phán trực tiếp. Vấn đề được giải quyết khi hai nhà sản xuất, hai nhà kiểm kê có thể ngồi với nhau và cho nhau giao thức. Về việc này, nếu đơn vị cần tư vấn thêm tôi sẽ tư vấn thêm.

Ông có tư vấn, bổ sung hợp đồng cho các doanh nghiệp không?

Đây cũng là rút kinh nghiệm từ Công ty CP phát triển công nghệ Smart Parking. Chúng tôi sản xuất thiết bị GSHT nhưng thuộc Chi hội GSHT. Những đơn vị vận tải kinh doanh nên tham khảo những đơn vị sản xuất có tổ chức vì họ có nhiều cách thức hợp tác giữa DN với nhau, đàm phán đưa ra giải pháp tốt nhất, chi phí ít tốn kém nhất, đáp ứng đầy đủ những điều cần thiết cho sản xuất kinh doanh hiệu quả. Cái đó hoàn toàn nằm trong điều khoản của hợp đồng.

Sẽ rút ngắn thời gian cấp phép kinh doanh vận tải, "phạt nguội" trên cao tốc

Ông Phạm Văn Lợi - Giám đốc Công ty vận tải Trưởng Lợi hỏi: Hiện quy định thời gian cấp giấy phép kinh doanh là  7 ngày, cộng với thời gian đăng kiểm, cấp phù hiệu mất ít nhất 2 tuần, nếu không xảy ra trục trặc. Có khi doanh nghiệp phải mất cả tháng mới xong thủ tục để cho xe hoạt động, trong khi vốn bỏ ra rất lớn. Đề nghị Bộ GTVT xem xét rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng kiểm, cấp phù hiệu.

 Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ:

Thứ nhất, liên quan đến thời hạn cấp giấy phép KDVT, chúng tôi sẽ tiếp thu. Hiện nay,  Bộ GTVT đã chỉ đạo sửa đổi NĐ86, sẽ xem xét để cải tiến rút ngắn thời hạn.

Về giấy phép kinh doanh vận tải, đây hoàn toàn là vấn đề điều hành của DN của anh, các DN khác làm rất tốt. Giấy phép kinh doanh vận tải có thể in ấn, chuyển đổi ở bất kỳ nơi nào. Bộ GTVT đang đẩy mạnh mạng công nghệ thông tin, đề nghị DN nâng cao tiếp cận ứng dụng CNTT,  DN nên cải tiến, nâng cấp hệ thống quản lý của mình, đáp ứng kịp nhu cầu.

Ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP HCM: TP.HCM đã xây dựng quy trình cấp phù hiệu xe tại thành phố là 2 ngày làm việc, đối với xe ngoại tỉnh là 8 ngày, với xe du lịch là 10 ngày. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì nảy sinh một số vấn đề như có một số xe của thiếu hồ sơ, phải trả lại để bổ sung, dẫn đến thời gian cấp phù hiệu bị kéo dài…

Các khách mời tại văn phòng miền Nam
Phó Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Văn Ninh và các khách mời dự tọa đàm trực tuyến  tại văn phòng TP.HCM

 Xử phạt qua dữ liệu TBGSHT, một số tuyến trên cao tốc được kỳ vọng như giải pháp để quản lý giao thông thông minh đang được dư luận quan tâm. Hiệu quả và những vướng mắc khi ứng dụng CNTT trong thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông:

Hà Nội và Đà Nẵng đã triển khai khá tốt việc ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm giao thông qua camera. Hiện hình ảnh thu được qua camera được xử lý theo 2 hướng. Thứ nhất là thông báo cho lực lượng tuần tra kiểm soát ở gần đấy để xử phạt. Thứ 2 là thu thập các chứng cứ để thông báo cho người vi phạm, mời chủ phương tiện đến xử lý.

Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an để triển khai các thiết bị giám sát trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Pháp Vân - Cầu Giẽ, đây là 2 dự án đẩy mạnh mô hình xã hội hoá. Sau khi lắp đặt các thiệt bị phải triển khai nghiệm thu, nếu đáp ứng sẽ tiến hành thu thập chứng cứ để xử phạt vi phạm hành chính. Qua thiết bị GSHT trích xuất trong một tháng xem số lượng xe vi phạm bao nhiêu để xử phạt đối với DNVT

Liên quan đến các quy định mới có hiệu lực từ 1/7, có nhiều loại hình KDVT lắp thiết bị giám sắt hành trình có giấy phép kinh doanh, Bộ GTVT đang trình Chính phủ dự thảo NĐ thay thế NĐ 171, trong dự thảo có bổ sung 1 số quy định xử phạt với 1 số hành vi như: không có phù hiệu, lái xe bị phạt 3-5 triệu, DNVT bị phạt từ 8-13 triệu. Xe taxi không lắp thiết bị in hóa đơn bị phạt 4- 6 triệu, tước phù hiệu từ 3- 5 tháng. DNVT không có bộ phận theo dõi, quản lý về ATGT bị tước GPKD từ 3- 6 tháng. Đề nghị các DNVT quan tâm đến các quy định của pháp luật để áp dụng.

Các xe có tải trọng từ 7 đến dưới 10 tấn phải lắp
Các xe có tải trọng từ 7 đến dưới 10 tấn phải lắp thiết bị GSHT từ ngày 1/7/2016

"Siết" xe khách trá hình trong nội đô

Câu chuyện về quản lý xe hợp đồng vẫn nóng do rất nhiều người phản đối loại hình này. Nhưng nếu người dân thấy thuận tiện thì cơ quan quản lý Nhà nước có nên xem xét thay đổi điều này, là một doanh nghiệp anh Hải có ý kiến gì không?

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng:

Hiện tại, loại hình xe hợp đồng theo tuyến cố định được xem là loại hình vận tải khách trá hình phát triển mạnh. Điều này xuất phát từ ưu điểm là thuận lợi. Vậy thời gian tới chúng ta có giải quyết dứt điểm được không hay nên chăng bổ sung một mô hình vận tải na ná như vậy do doanh nghiệp có thương hiệu phát triển? DN chúng tôi hiện không dám phát triển loại hình này vì nếu là DN có thương hiệu thì không thể phát triển theo kiểu trá hình như vậy được. Nhưng nếu không thì DN đang làm theo đúng quy định bị thiệt hại lớn. Mong Thứ trưởng có chỉ đạo sửa đổi Nghị định 86 “mở” hơn hoặc có cách giải quyết triệt để vấn đề trên giúp các DN vận tải làm ăn chân chính hoạt động thuận lợi hơn.

Hà Nội là địa bàn khá phức tạp trong quản lý vận tải. Như phản ánh của DN cũng như thực tế, có những xe chạy hợp đồng nhưng trá hình xe tuyến cố định, vào tận nội đô đưa đón khách. Chúng tôi muốn nghe ý kiến của TTGT Hà Nội về thực tế việc quản lý, xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Đăng Hải - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội:

Qua ý kiến của DN, cũng như thực tế kiểm tra, xử lý vi phạm, thấy đúng là có bất cập về xe vận tải khách núp bóng hợp đồng, trá hình chạy như xe tuyến cố định. Thực trạng này gia tăng tại Hà Nội khi có văn bản cho phép xe trung chuyển phát sinh xe đón trả khách trong nội đô Hà Nội. Trước thực trạng này, TTGT Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện, đã có kết quả xử lý. Tuy nhiên, vì xe chạy hợp đồng trá hình luôn thay đổi địa bàn hoạt động nên việc kiểm soát, xử lý rất khó khăn, vất vả. Có trường hợp khi lực lượng chức năng kiểm tra thì chủ xe lại đưa ra các hợp đồng vận tải khách.

Để triển khai có hiệu quả, tạo điều kiện cho công tác quản lý xe hợp đồng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường vận tải khách, tôi đề xuất các quy định về hợp đồng vận chuyển cần chặt chẽ hơn nữa. Bởi tuyến cố định đã có, lại có xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, thì sẽ tạo cạnh tranh không công bằng. Đơn cử như xe hợp đồng 16 chỗ, dưới 16 chỗ không có điều kiện ràng buộc, nên rất nhiều xe từ 16 hoán cải thành 9 chỗ, việc xử lý càng khó khăn. Trong năm qua, lực lượng TTGT Hà Nội đã xử phạt hơn 10 tỷ đồng các vi phạm của xe vận tải khách. Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực của lực lượng chức năng thành phố.

Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với CSGT, cảnh sát hình sự, bến xe để tăng cường giám sát. Chúng tôi đã ra văn bản, tước thu hồi nốt, yêu cầu đình chỉ lái xe nhiều trương hợp. Tuy nhiên, khi đình chỉ lái xe doanh nghiệp thuê lái xe khác, đình chỉ nốt doanh nghiệp đi lối khác… Thời gian tới, TTGT Hà Nội đang xây dựng các kế hoạch theo chuyên đề, tăng cường TTKS, kiểm tra xử lý để giảm vi phạm này.

Các trường hợp vi phạm được ghi hình để xử phạt.Ản
Các trường hợp vi phạm được ghi hình để xử phạt. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng hỏi: Tới đây sửa NĐ86 sẽ siết chặt quản lý loại hình vận tải theo hợp đồng như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, qua tổng kết, đánh giá NĐ 86 để sửa đổi, khó nhất là loại hình vận tải bằng tuyến cố định. Vì thế trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đưa ra các tiêu chí cao hơn cho loại hình này, không để DN lợi dụng, lách luật hoạt động. Bộ GTVT đã tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân, DN và sẽ sửa theo hướng đó.

Thời gian chờ ban hành quy định mới, quan trọng nhất là việc kiểm soát, kiểm tra của các cơ quan chức năng tại địa phương, chính quyền để giám sát đơn vị kinh doanh, thông qua đường dây nóng để tố giác.

Nếu có quyết tâm, thực hiện nghiêm trong việc xử lý, sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng này. Thực tế, nhiều trường hợp đón trả khách sai quy định khi bị kiểm tra còn đưa ra giấy phép của cả tuyến xe buýt. Điều đó đủ thấy, một số DN vẫn đang tìm đủ mọi cách để lách luật, đối phó.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ lắng nghe ý kiến của các do
Thứ trưởng Lê Đình Thọ lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp vận tải từ phía đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh

 Một giám đốc doanh nghiệp vận tải (xin giấu tên) cho biết đã theo dõi rất kỹ nội dung cuộc tọa đàm trên Báo Giao thông và đã nắm được hầu hết các quy định mới của liên quan đến lĩnh vực này có hiệu lực từ 1/7 tới. Tuy nhiên, vị giám đốc này hỏi, việc xử phạt các đơn vị không chấp hành những quy định này như thế nào để tạo sự công bằng giữa các đơn vị chấp hành nghiêm và các đơn vị không chấp hành?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương phải thực hiện nghiêm. Đến thời điểm 1/7, cương quyết tổ chức triển khai theo đúng lộ trình như: cấp phù hiệu xe tải, lắp TBGSHT, đồng hồ in hoá đơn taxi… Đến 1/7, Bộ GTVT sẽ thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện tất cả các quy định mới này. Các đơn vị, cá nhân không thực hiện đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Từ 1/7, nhiều quy định mới sẽ được áp dụng cho các DN vận tải. Các DN không tuân thủ sẽ bị xử lý thế nào?

Ông Trần Văn Trường - Phó chánh thanh tra Bộ GTVT:

Ông Trần Văn Trường
Ông Trần Văn Trường
Phó chánh thanh tra Bộ GTVT

Năm 2013, bộ GTVT đã triển khai thanh tra toàn diện công tác vận tải với 7 đoàn công tác do các Thứ trưởng chỉ đạo.

Qua thanh tra công tác vận tải đã được chấn chỉnh, TNGT giảm.

Sau 1/7, để công tác quản lý vận tải đi vào nền nếp, Thanh tra Bộ sẽ tham mưu cho lãnh đạo tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải để tạo hiệu ứng cho DN đáp ứng tốt yên tâm hoạt động, ngược lại DN không đáp ứng sẽ bị xử lý và bị loại bỏ.

Các DN lưu ý từ nay đến 1/7 cần tự kiểm tra lại điều kiện kinh doanh, nếu chưa đủ phải tự hoàn thiện.

Thanh tra ngành GTVT sẽ thanh tra các DN, trách nhiệm của Sở GTVT trong việc thực hiện chủ trương mới này, thanh tra phương tiện vận tải tại hiện trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.