Trong nước

Chờ tin vui “siêu kình ngư” Ánh Viên chinh phục đỉnh Olympic 2016

13/02/2016, 13:25

Mọi chuyện sẽ khác hẳn trong năm 2016 khi Ánh Viên phải đối mặt trước “đỉnh núi” Olympic.

fb646b39-214-kpdv-1443850786772
Kình ngư Ánh Viên.

Giành tới 48 huy chương các loại, trong đó có 8 HCV cùng 8 kỷ lục tại SEA Games 28, 3 huy chương Cúp thế giới, đứng đầu tất cả các cuộc vinh danh, nhận giải thưởng trị giá trên 3 tỷ đồng, kình ngư 19 tuổi quê Cần Thơ vừa hoàn tất một năm thần kỳ. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác hẳn trong năm 2016 khi Ánh Viên phải đối mặt trước “đỉnh núi” Olympic với kỳ vọng mang về 1 tấm huy chương.

“Kỳ nhân” SEA Games còn quá “bé” so với Olympic

Có thể khẳng định, chỉ cần với sự rực sáng của kình ngư Ánh Viênthể thao VN coi như đã có một năm thành công bậc nhất trong lịch sử. Siêu kình ngư 19 tuổi quê Cần Thơ mất đúng 10 tháng của năm 2015 để giành được tới 48 huy chương các loại, trong đó có 32 HCV. Với 8 HCV, 8 kỷ lục tại SEA Games trên đất Singapore, Viên là 1 trong 3 VĐV đoạt nhiều HCV nhất, đồng thời là người phá được nhiều kỷ lục cá nhân nhất của cả 28 kỳ Đại hội. Viên cũng lọt vào Top 10 giải vô địch thế giới, xuất sắc đoạt 1 HCB, 2 HCĐ Cúp thế giới.

Thế nhưng, tài năng xuất chúng được ví như kỳ nhân SEA Games và hiện tượng thập kỷ của làng thể thao Đông Nam Á ấy thực ra cũng… chưa là gì so với đỉnh cao quốc tế. Ánh Viên mới chỉ lọt vào mức huy chương ASIAD ở 4 nội dung và còn cách xa HCV. Riêng với đấu trường Olympic, cô thậm chí chưa có một thông số chuyên môn nào để giành quyền vào chung kết một nội dung, tương ứng với Top 8, chứ chưa nói đến huy chương.

Thực tế, tại giải Vô địch thế giới 2015 có tương quan lực lượng, thành tích khá ngang ngửa với Olympic, tuyển thủ Việt Nam chỉ đứng hạng 10 đường bơi 400m hỗn hợp, 15 ở 200m hỗn hợp và 31 ở 200m ngửa. Chưa kể, do tính chất 4 năm mới có 1 lần, nên mức độ tập trung và cạnh tranh tại Olympic chắc chắn khốc liệt hơn nhiều.

Vẫn có thể kỳ vọng

Một tấm huy chương Olympic 2016 với Viên rõ ràng cực khó, song vẫn có những kỳ vọng cô gái Vàng của bơi Việt Nam có thể làm nên điều kỳ diệu.

Việc Ánh Viên lọt vào cuộc đấu chung kết dành cho 8 kình ngư hay nhất, tại một vài cự ly sở trường ở Olympic trên đất Brasil vào năm sau là hoàn toàn khả thi, cụ thể ở 200m hỗn hợp và đặc biệt 400m hỗn hợp. Tại giải Vô địch thế giới 2015, dù chỉ xếp hạng 10 với thông số 4 phút 38 giây 78, song Viên chỉ cách Top 8, đúng 0,58 giây - một khoảng cách nhỏ với đường bơi 400m.

Chuyện một kình ngư đứng thứ 10 thế giới như Viên chúng ta chưa từng dám nghĩ tới cách đây 10 năm. Viên đã và đang tạo nên những điều phi thường cho bơi Việt Nam. Tôi nghĩ, Viên hoàn toàn có thể sớm chinh phục các thứ hạng cao trên thế giới, như lọt vào chung kết một số nội dung thế mạnh.

Để hy vọng có huy chương, đòi hỏi Viên phải có một cuộc vượt “ngưỡng” mới. Thực tế, qua theo dõi Viên thi đấu nội dung 200m hỗn hợp đã thấy rõ những thách thức lớn đặt ra, từ hạn chế cơ bản về hình thể, sức mạnh, kỹ thuật xuất phát và quay vòng. Trong khi đó, mặt bằng chung trình độ của môn bơi thế giới quá cao và ngày càng cao.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh(nguyên Trưởng đoàn TTVN)

Thậm chí, nếu được đầu tư chuyên biệt cho 400m hỗn hợp cùng với một vài cự ly sở trường khác, thay vì dàn trải ra quá nhiều, Viên đã chinh phục thành công Top 8, bám sát nhóm dẫn đầu ngay tại giải VĐTG 2015. Chưa kể, việc phải đấu cả chục nội dung, giành 8 HCV cùng 8 kỷ lục tại SEA Games 28 cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến quy trình chặt chẽ, thể lực và phong độ của Viên.

“Tôi sẽ quyết tâm lọt vào tới chung kết, tương ứng với Top 8 Olympic 2016 ở một vài nội dung sở trường, trước khi nghĩ và tính tới điều cao xa hơn là một tấm huy chương. Giải vô địch thế giới đã khó, Olympic còn khó hơn rất nhiều nhưng theo tôi không có gì là không thể. 9 tháng còn lại trước Olympic sẽ là một chiến dịch cao điểm”, Ánh Viên chia sẻ.

Chỉ có điều từ Top 8 cho tới 1 tấm huy chương lại là một khả năng chưa nhìn thấy từ thời điểm này. Ngay cả “mũi nhọn” số 1 là 400m hỗn hợp, muốn có thể tranh chấp HCĐ, Viên cần phải “giải quyết” được ít nhất 4 giây nữa. Mà môn bơi, nhất là ở đẳng cấp bắt đầu “chín” như Viên, để nâng được 1 hay 2 giây cũng là quá khó.

“Chưa thể nói gì trước song tôi tin chắc rằng đến Olympic 2016, Ánh Viên sẽ còn khác bây giờ rất nhiều. Ngay từ lúc này, Viên đã được tập trung toàn tâm, toàn sức cho việc chuẩn bị dự tranh Olympic. Mục tiêu của thầy trò tôi nhắm tới là phải phấn đấu giành được huy chương”, HLV trưởng ĐT bơi lội quốc gia Đặng Anh Tuấn khẳng định.

Quan trọng hơn, chính là điểm tựa mà Viên đang có được trên đất Mỹ, với một quy trình tập huấn đang rất vào “phom”. Ở đó, Viên được tập luyện theo một kế hoạch đào tạo ổn định, chất lượng mang tầm quốc tế gồm 9 đến 12 buổi mỗi tuần, 1-2 buổi tập mỗi ngày, với 1,5 đến 3 giờ mỗi buổi, 20-30 giờ mỗi tuần. Tổng khối lượng bơi hàng tuần của cô từ 35-70km, với lượng vận động 5.000 - 6.000 calo/ngày.

Hiện tại, tất cả các mặt từ cường độ, thể lực, kỹ thuật của Viên đang tiếp tục được đẩy lên mức cao. Ngoài việc tập luyện, Viên sẽ chỉ tham dự các cuộc đấu quốc tế tầm cao, ở một số nội dung sở trường, nhằm cọ xát và giữ sức cho “điểm rơi” Olympic 2016.

Ánh Viên là tuyển thủ Việt Nam nhận được mức đầu tư “khủng” nhất từ trước đến nay với tổng kinh phí theo thống kê khoảng trên 9 tỷ đồng trong 4 năm, tính đến hết năm 2015. Riêng năm 2015, khoản kinh phí là 140 nghìn USD, do ngành Thể thao và đơn vị chủ quản Quân đội mỗi bên chi 50%.

Dự kiến, năm tới, mức chi này sẽ được tăng lên 200 nghìn USD nhằm giúp Viên tăng cường tối đa việc dự tranh các giải quốc tế lớn trong hệ thống nhằm đạt thành tích cao nhất tại Olympic 2016.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.