Tài chính

Cho vay trả nợ ngân hàng khác, nửa mừng nửa lo

08/09/2023, 16:39

Nhiều khách hàng đang phải vay vốn lãi suất cao sẽ có cơ hội tiếp cận tín dụng chi phí thấp hơn từ ngân hàng khác để trả nợ. Song chuyên gia cũng cảnh báo rủi ro khi vốn chạy lòng vòng.

Nửa mừng, nửa lo

Có khoản vay hơn 1 tỉ đồng tại một ngân hàng thương mại để mua nhà ở, chị Quỳnh Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) vui mừng khi các ngân hàng lớn tung ra các gói vay ưu đãi dành cho khách hàng muốn vay vốn để trả nợ cho ngân hàng khác.

Theo chị Mai, chị vay số tiền trên bằng cách thế chấp chính căn nhà mình mua. Thời gian đầu được ưu đãi, chị chỉ phải trả mức lãi suất thấp. Tuy nhiên, từ tháng 6/2023, lãi suất vay đã tăng lên đến 11%/năm.

"Tôi dự định sẽ tìm hiểu các gói vay của các ngân hàng khác để trả nợ cho ngân hàng mà tôi đang vay. Tôi đã liên hệ với BIDV thì được biết lãi suất khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng là từ 6%/năm và 12 tháng trở lên từ 6,8%/năm”, chị Mai thông tin.

Nửa mừng nửa lo khi được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác - Ảnh 1.

Khách vay vốn vừa mừng vừa lo khi có thể vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác.

Anh Nguyễn Thanh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh đang có khoản vay mua nhà tại một ngân hàng thương mại với lãi suất 13%/năm. Với mức lãi suất này, mỗi tháng số tiền anh phải trả rất lớn so với thu nhập của gia đình. 

"Tôi hỏi Vietcombank thì được giới thiệu lãi suất cố định 6 tháng là 6,9%/năm, 24 tháng khoảng 8%/năm. Tôi đang liên hệ với cán bộ tín dụng để tìm hiểu kỹ trước khi quyết định chuyển khoản vay”, anh Hà cho biết.

Tuy nhiên, những người vay như anh Hà cũng lo lắng, nếu thực sự có thể đi vay ngân hàng mới để trả nợ ngân hàng cũ, thì phí phạt trả nợ trước hạn có thể sắp tới sẽ tăng lên.

Anh Hà cho biết: "Hiện tại, các ngân hàng đang để phí phạt trả trước là khoảng 2-3% số tiền trả nợ trước hạn, nếu tăng lên 4-5%, thì có khi tiền phạt còn hơn cả chênh lệch lãi suất nếu chuyển sang ngân hàng khác".

Trong vai khách hàng vay vốn, PV Báo Giao thông được một nhân viên ngân hàng Vietcombank cho biết, điều kiện vay để trả nợ cho ngân hàng khác sẽ giống như khách hàng vay mới.

Theo đó, khách hàng vay cần cung cấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, giấy nhận nợ, sổ đỏ, CCCD và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau đó, khách hàng tất toán bên đã vay và đăng ký thế chấp bên Vietcombank để được giải ngân.

Trước lo lắng của khách hàng về khoản phí trả nợ trước hạn, nhân viên ngân hàng này cho biết: Tại Vietcombank, phí phạt dao động 2% trong 3 năm đầu, đến năm thứ 4 giảm xuống còn 1% và sẽ đảm bảo không tăng như trong hợp đồng của ngân hàng.

Dòng vốn có chạy lòng vòng?

Nhìn nhận về chính sách cho vay vốn để trả nợ ngân hàng khác, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định: Hiện nay, các ngân hàng đang "thừa" tiền nên đây cũng là biện pháp xử lý vốn "ế". Hoặc đây cũng là một cách trao đổi nợ giữa các ngân hàng để tránh nợ xấu.

"Dư địa để sử dụng vốn của các ngân hàng tăng lên do khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn từ ngân hàng A để trả cho ngân hàng B. Song cũng không loại trừ khả năng, các ngân hàng sẽ gia tăng phí phạt trả nợ trước hạn trong thời gian tới", ông Hiếu nói. 

Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đang bị thu hẹp đơn hàng, tổng cầu yếu, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp giảm mạnh. Do vậy, việc cho vay trả nợ cũng là một cú huých cho tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng. 

Hệ lụy kép từ việc cho vay để trả nợ ngân hàng - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

"Trước mắt, tôi cho rằng biện pháp cho vay để trả nợ ngân hàng khác là biện pháp xử lý cục bộ ngắn hạn, giải quyết vốn cho một số cá nhân, doanh nghiệp chờ tín hiệu phục hồi nền kinh tế. 

Nhưng về lâu dài, rủi ro là rất lớn. Dòng tiền cho vay "lòng vòng" sẽ dẫn đến hệ quả lãi suất có thể tăng lên, dư nợ tăng và khách hàng sẽ không có khả năng trả nợ, nợ xấu chồng chất, dẫn đến vỡ nợ", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá.

Ông Lạng cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng - PV), lãi suất huy động - cho vay có xu hướng giảm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Nửa mừng nửa lo khi được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác - Ảnh 2.

Chính sách cho vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân.

Trả lời cho câu hỏi làm cách nào bơm tiền vào nền kinh tế tốt hơn, PGS.TS Lạng cho rằng, về lâu dài các doanh nghiệp nên chuyển sang ngành có mặt hàng sử dụng nhiều vốn hơn là sử dụng lao động.

"Ngoài ra, cần đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo... để làm chỗ dựa cho đầu tư tư nhân bám theo. Cùng đó, cần tiếp tục hạ lãi suất, thúc đẩy thị trường vốn, chuyển dịch thị trường trái phiếu... Phải cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp mới có thể lưu thông được dòng tiền hiệu quả", ông Lạng nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.