Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, ngày 09/11/2020
Qua đó, Nghị quyết số 1185 nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV là 500 người.
Trong đó, số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%); số lượng ĐBQH ở địa phương là 293 đại biểu (58,6%) với cơ cấu định hướng gồm 220 đại biểu, cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu 73 đại biểu.
Nghị quyết số 1186 của Quốc hội nêu rõ, hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có).
Còn theo Nghị quyết số 1187, căn cứ vào số lượng đại biểu HĐND được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng cử đại biểu HĐND quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Thường trực HĐND cấp xã, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND cùng cấp, dự kiến cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các thôn, tổ dân phố, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị hành chính cấp mình.
Trước đó (ngày 4/2), tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất nhằm thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Về dự kiến cơ cấu ĐBQH khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những buổi làm việc, trao đổi, thống nhất với đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV ở Trung ương và địa phương để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết 1193 ngày 23/1/2021 dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến số lượng ĐBQH ở Trung ương là 207 đại biểu và số lượng ĐBQH ở địa phương 293 đại biểu. Cơ cấu kết hợp phấn đấu đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 đại biểu; đại biểu tái cử khoảng 160 đại biểu.
Đại biểu là người dân tộc thiểu số bảo đảm tỉ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số (trong đó chú ý đến các đại biểu ưu tú trong cộng đồng các dân tộc thiểu số từ trước đến nay chưa bao giờ tham gia đại biểu Quốc hội). Đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỉ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH…
Nghị quyết số 1188 quyết nghị thành lập thị trấn Cát Tiến trên cơ sở toàn bộ 17,64 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.597 người của xã Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Còn tại Nghị quyết số 1189 quyết nghị thành lập phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình trên cơ sở toàn bộ 9,15 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 7.855 người của xã Sủ Ngòi; thành lập phường Trung Minh trên cơ sở toàn bộ 14,57 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 7.071 người của xã Trung Minh.
Nghị quyết số 1190 quyết nghị điều chỉnh 2,56 km2 diện tích tự nhiên của xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, Đắk Nông vào xã Cư Knia, huyện Cư Jút, Đắk Nông; điều chỉnh địa giới hành chính xã Nam Xuân, xã Tân Thành và thị trấn Đắk Mâm thuộc huyện Krông Nô, Đắk Nông.
Nghị quyết 1191 quyết nghị thành lập 5 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh gồm: phường Hương Mạc; Phù Chẩn; Phù Khê; Tam Sơn và Tương Giang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận