Xã hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nói về giải pháp ngăn nạn bạo lực học đường

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần phải xây dựng cho học sinh sức đề kháng, tự phân biệt được cái tốt, cái xấu từ đó sẽ ngăn nạn bạo lực học đường.

Năm học mới bắt đầu mới hai tháng, mà đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Bạo lực học đường xuất hiện từ nông thôn cho đến thành thị và đang có dấu hiệu gia tăng về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm.

Bên hành lang kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã có những chia sẻ với báo chí về tình trạng bạo lực học đường.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nói về giải pháp ngăn nạn bạo lực học đường - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Bạo lực học đường hiện nay rất đáng lo ngại

Thời quan qua, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường khiến dư luận cả nước xôn xao. Phải chăng hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng, thưa ông?

Bạo lực học đường có lẽ xưa nay vẫn có, nhưng gần đây mức độ và tính chất đáng lo ngại. Bạo lực học đường hiện nay không chỉ là vấn đề "động chân, động tay" mà còn bạo lực cả về tinh thần, tức là xúc phạm nhân phẩm nhau.

Đáng lo ngại là học sinh, bè bạn chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực.

Chúng ta cần có thái độ cương quyết loại bỏ tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực học đường. Bởi ta đang xây dựng xã hội hạnh phúc, xây dựng con người biết yêu thương lẫn nhau, mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng bạo lực học đường đáng lo ngại?

Có nhiều nguyên nhân, một phần do tác động của phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, internet của học sinh dễ dàng hơn trước. Trên internet có những thông tin tiêu cực. trẻ em rất dễ học theo.

Vì vậy, cần xây dựng sức đề kháng cho các em. Ngoài định hướng các em tiếp cận thông tin lành mạnh, hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực thì cần giúp các em tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu không nên học theo.

Ngay trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã phát biểu về vấn đề này. Từ chủ trương thành hành động đòi hỏi rất kiên trì, bởi muốn làm thay đổi nhận thức và hành vi con người, cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nói về giải pháp ngăn nạn bạo lực học đường - Ảnh 2.

Một nữ sinh bắt bạn quỳ, bò hai chân xảy ra ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Cần xây dựng cho các em sức đề kháng

Bạo lực học đường thể hiện nhận thức và hành động của học sinh lệch lạc. Người lớn cần hành động, nêu gương như thế nào để tránh sự lệch lạc này?

Tính nêu gương của người lớn, gia đình rất quan trọng với trẻ em. Bởi người lớn đã có nhận thức đầy đủ nên trẻ thường học và làm theo người lớn. Chính vì thế, người lớn hành động, suy nghĩ thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em.

Vì thế, tôi cho rằng, người lớn khi có mặt con trẻ phải hành xử mẫu mực, kiềm chế. Đừng để trẻ con tiếp xúc với những hành vi tiêu cực, hãy để trẻ tiếp xúc với cách ứng xử tích cực.

Văn hóa học đường nằm trong nội dung mỗi môn học từ bài học tiếng Việt, tiếng Anh hay các môn học khác. Nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục cao thì sẽ rất tốt cho học sinh.

Tôi lấy ví dụ, bây giờ ra đường nếu người lớn có ý định vượt đèn đỏ thì trẻ con nhắc ngay. Đấy là do các em được giáo dục từ nhỏ phải tuân thủ luật giao thông.

Có người nói, trẻ càng lớn càng giảm dần độ tự giác. Tôi cho rằng, ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Có xây, có chống thì giúp hành vi nhận thức mọi người tốt hơn.

Vậy trong chương trình giáo dục phải lồng ghép những nội dung gì để giúp học sinh nhận thức và hành động tích cực, hạn chế, loại bỏ hành động xấu?

Nội hàm của môn học rất quan trọng, trước đây có bài "Hai con dê qua cầu". Từ chuyện nhỏ giải thích cho các em, hai con dê qua cầu nếu nhường nhịn thì sẽ mang đến sự tích cực thế nào, không nhường nhịn thì sẽ ra sao.

Bài học đó được áp dụng khi tham gia giao thông, khi tắc đường mỗi người nhường nhịn nhau một chút thì tốt thế nào, không nhường thì sẽ ra sao. Đấy chỉ là một trong nhiều bài học để học sinh có thể học được trong sách.

Nội dung bài học trong sách cố gắng thiết kế khoa học để học sinh tự cảm nhận được cái gì là tốt để dần hình thành nhân cách của các em.

Tôi nhấn mạnh lại, làm sao xây dựng cho các em sức đề kháng, tự phân biệt được cái tốt, cái xấu từ đó các em sẽ hướng theo cái tốt, cùng tham gia loại bỏ cái xấu.

Xin cảm ơn ông!

Cuối tháng 10, video một nam sinh lớp 6 Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị đánh hội đồng lan truyền trên các diễn đàn trực tuyến. Đây không phải lần đầu nam sinh này bị đánh. Nạn nhân phải điều trị sang chấn tâm lý, thường xuyên có biểu hiện ngơ ngác, không tập trung.

Ngày 2/10, một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Hồng Đức (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị bạn đè xuống nền nhà rồi dùng guốc đánh chảy máu đầu, phải khâu 4 mũi chỉ vì bị cho rằng đã nói xấu bạn.

Ngày 25/9, một nam sinh lớp 10 Trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã bị nhóm học sinh lớp 12 cùng trường lôi vào nhà vệ sinh đánh ngất tại chỗ, gãy mũi, gãy răng và đa chấn thương, phải nằm viện điều trị hơn 1 tuần.

Cùng ngày, ở Lạng Sơn, nữ sinh lớp 9 Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Lỗ, Yên Lỗ, huyện Bình Gia, liên tục bị bạn đánh, tát, giật tóc và thi nhau quát mắng ngay trong lớp học - mặc cho nạn nhân van khóc.

Ngày 29/9, thầy giáo tiếng Anh Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, Hà Nội thóa mạ học sinh.

Cùng ngày, cô giáo chủ nhiệm Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội túm cổ áo kéo lê một nữ Bí thư Chi đoàn lớp 12 tại hành lang lớp học, chỉ vì em này đã không mua đúng loại bánh sinh nhật mà cô dặn. Trước đó, em đã quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.