Xã hội

Chủ tịch nước: Giữ gìn văn hoá dân tộc để bảo đảm quy hoạch quốc gia

06/01/2023, 13:47

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, quy hoạch tổng thể quốc gia cần tiết giảm chi phí, nguồn lực, phải có hành lang phát triển mới.

Thể chế phải đi cùng sự phát triển

Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

img

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu để quyết định thành công của quy hoạch chiến lược và thực hiện các kịch bản tăng trưởng

Phát biểu ý kiến tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc quy hoạch chiến lược kéo dài gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới sáng tạo phát triển như vũ bão, tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch.

Bên cạnh đó, để quy hoạch không bị lạc hậu, cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu…

Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cho rằng, đây là yếu tố hàng đầu để quyết định thành công của quy hoạch chiến lược và thực hiện các kịch bản tăng trưởng.

Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao với lý do chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng theo hai mức cao - thấp. Với kịch bản thấp, mục tiêu GDP bình quân đạt 7% giai đoạn 2021-2030 và GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD.

Ở kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5-7,5% một năm vào giai đoạn sau 2030, đến 2050. Cùng đó, thu nhập bình quân đầu người đến 2050 đạt 27.000-32.000 USD.

Chủ tịch nước cũng lưu ý yêu cầu của quy hoạch là phải giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn con người, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Quá trình thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, cần tiết giảm chi phí, nguồn lực trong thực hiện quy hoạch; phải có hành lang phát triển mới, đậm nét hơn, nhất là hành lang kinh tế Đông – Tây.

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: Thể chế phải đi cùng với sự phát triển; quan tâm phát triển đô thị trung tâm như Hà Nội, TP.HCM thành các cực tăng trưởng của đất nước, quá trình thực hiện phải tuân thủ và bảo đảm tính liên tục, kế thừa của quy hoạch…

Đồng thời, nhận định việc chưa quy định cụ thể phương pháp tích hợp các hợp phần trong quy hoạch quốc gia tích hợp nội dung trong quy hoạch tỉnh, thành phố, chưa có hướng dẫn về bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu tích hợp gây khó khăn cho địa phương.

Do đó đề nghị, Chính phủ cần quy định cụ thể để tháo gỡ cho địa phương, trong đó Chính phủ cần ban hành Nghị định cụ thể làm rõ bước đi, cách làm, tránh phức tạp trong quá trình thực hiện quy hoạch tích hợp.

Khẳng định giữ gìn văn hóa dân tộc để bảo đảm phát triển bền vững, trên tinh thần “văn hóa còn, đất nước còn”, Chủ tịch nước cho rằng đây là thời kỳ dài, hội nhập sâu, văn hóa dân tộc cần phải giữ gìn hơn nữa trong quá trình phát triển. Từ đó bảo đảm quy hoạch tổng thể quốc gia toàn diện trong tổ chức thực hiện.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, đi liền với khoa học công nghệ thì phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này để “đi tắt đón đầu”. Chúng ta phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng thì mới thực hiện được các chiến lược, những kịch bản tăng trưởng.

img

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Đề nghị làm rõ thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường”

Cũng bàn về quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang “hình hài” của một tỉnh, thành nào đó và chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia.

Ông Cường dẫn chứng và đặt câu hỏi: Các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào?...

"Những vấn đề này chưa được đề cập trong Quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ", ông Cường nhìn nhận.

Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, trong Quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế, các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì, ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.