Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục ngay tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm

22/05/2023, 10:24

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV có ý nghĩa quan trọng, quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước.

Chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 22/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 22/5

Khái quát tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, bối cảnh trong nước và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; việc giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ...

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới.

"Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
img

Quang cảnh kỳ họp

Quyết định công tác nhân sự ngay đầu kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, ngay tại đầu kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự, cụ thể, xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội.

Đồng thời, xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Kỳ họp thứ 5 được chia làm 2 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội: đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6.

Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 gồm:Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Đấu thầu (sửa đổi); Giá (sửa đổi); Giao dịch điện tử (sửa đổi); Hợp tác xã (sửa đổi); Phòng thủ dân sự) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quốc hội cũng xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, gồm: Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác, bao gồm: Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Nhà ở (sửa đổi); Tài nguyên nước (sửa đổi); Viễn thông (sửa đổi); Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Căn cước công dân (sửa đổi); Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (trong trường hợp Quốc hội thống nhất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.