Chính trị

Chủ tịch Quốc hội: Không để xảy ra tham nhũng chính sách

06/09/2023, 18:17

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm

Chiều nay (6/9), phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc triển khai các luật, nghị quyết đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức, nhằm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống.

Từ đó, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội: Không để xảy ra lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình quán triệt đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi hành đối với từng luật, nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Đồng thời, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và Kết luận 19 của Bộ Chính trị.

Siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tiếp tục xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cả ở Trung ương và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật.

"Có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.

Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương ban hành", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội: Không để xảy ra lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật - Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc tập trung hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024 theo Nghị quyết 89 của Quốc hội gắn với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ, các giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát, kiến nghị bổ sung nhiệm vụ lập pháp để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội; chú trọng giám sát việc ban hành văn bản, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần tiến hành thường xuyên.

Đối với các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, bên cạnh đẩy mạnh giám sát, cần tiếp tục dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri để tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, đề xuất giải pháp thiết thực trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Quán triệt nguyên tắc tại Nghị quyết 27 "quyền lực Nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng rằng, sự đồng hành rất trách nhiệm, chủ động, hiệu quả và giám sát chặt chẽ của Quốc hội, cùng với năng lực và quyết tâm tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm túc, sáng tạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện "quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.