Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Không luật hóa phương pháp định giá đất thì ai dám làm

16/11/2023, 11:43

Chủ tịch Quốc Vương Đình Huệ cho rằng, quy định phương pháp định giá đất càng công khai, minh bạch thì càng tốt, càng giúp bảo vệ cán bộ.

14/26 nội dung còn có hai phương án

Sáng nay (16/11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ sáu, có 6/26 nội dung đã tiếp tục thu gọn còn một phương án. Nhưng vẫn còn tới 14/26 nội dung có hai phương án, trong đó có quy định về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng.

Chủ tịch Quốc hội: Luật hóa phương pháp định giá đất để bảo vệ cán bộ - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Ông Thanh cho hay, trên cơ sở các ý kiến tại kỳ họp thứ 6, dự thảo tiếp tục thiết kế hai phương án về định giá đất.

Phương án một, quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất, nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp, đây là phương án được Chính phủ đề xuất.

Phương án hai, quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ áp dụng.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn phương án hai.

Nhấn mạnh đây là vấn đề khó nhất của dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ đồng ý phương án hai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh:
"Không quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp thì bên dưới lại sợ sai, không dám làm đâu, phải quy định trong Luật để bảo vệ cán bộ".

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu không luật hóa trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp mà lại để tận bốn phương pháp thì cơ quan kiểm toán, thanh tra lại hỏi sao anh không chọn phương pháp kia mà lại chọn phương pháp này. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định phương pháp định giá đất càng công khai, minh bạch thì càng tốt.

"Hiện nay, kêu khó là do chưa quy định được hay là không muốn quy định, không luật hóa thì ai dám làm. Đây là vấn đề quan trọng nhất, Dự thảo trình Quốc hội tới đây chỉ còn một phương án thôi. Nếu Chính phủ đồng ý phương án hai thì tốt, không thì vẫn trình phương án hai và nói rõ quan điểm của Chính phủ", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội: Luật hóa phương pháp định giá đất để bảo vệ cán bộ - Ảnh 2.

"Ngân hàng tịch thu cả bệnh viện và trường học thì làm sao?"

Nội dung khác vẫn còn hai phương án là quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo, dự thảo trình Quốc hội thiết kế hai phương án. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về nội dung này lựa chọn phương án một. Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lựa chọn phương án một khi cho ý kiến về dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.

Trên cơ sở các ý kiến, dự thảo tiếp tục thiết kế hai phương án. Phương án một, đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.

Phương án hai, đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Chính phủ đề xuất theo hướng này.

Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn phương án một. Do pháp luật dân sự quy định việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ nên phương án này giúp bảo toàn đất có nguồn gốc là đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng (nay chuyển sang hình thức thuê đất).

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chọn phương án một và nhấn mạnh, phải có kiểm soát.

"Chưa đoán sẽ xảy ra cái gì thì quyết thế nào được, riêng thế chấp, chuyển nhượng là không cho, anh liên doanh liên kết rồi vỡ nợ, ngân hàng tịch thu mất cả bệnh viện và trường học thì làm sao", ông Huệ nhấn lại.

Đồng ý với đề xuất của Thường trực Ủy ban Kinh tế lùi thời gian thông qua Dự thảo đến kỳ họp gần nhất của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo giải trình để báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nếu chuyển sang Kỳ họp bất thường (dự kiến vào tháng 1/2024) thì thời gian chỉnh lý dự thảo sẽ rất ngắn, vì kỳ họp này thường chỉ diễn ra trong 5 ngày.

"Hôm nay cũng gút lại khá nhiều vấn đề, trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Thường vụ Quốc hội để có văn bản xin ý kiến Chính phủ, đồng thuận cao thì rất tốt", ông Huệ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.