Chất lượng sống

“Chung cư” miễn phí cho người đã khuất

16/06/2018, 06:27

“Chung cư” cho người chết là cái tên mà người dân tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội nói về công trình...

19

Ông Nguyễn Đức Huấn giới thiệu về “chung cư” đặc biệt ở xã Liên Trung

Công trình nhằm tiết kiệm quỹ đất, bảo đảm vệ sinh và phục vụ miễn phí cho người dân địa phương.

Đảm bảo thứ tự trên dưới

Trung tuần tháng 6, có mặt tại xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, Hà Nội) hỏi thăm về nhà lưu giữ tro cốt ai cũng biết vì đây là công trình “nổi tiếng” vừa được khánh thành trên địa bàn. Anh Nguyễn Hữu Huân (đội 2, xã Liên Trung) chia sẻ: “Dân chúng tôi vẫn gọi là chung cư cho người chết. Đất chôn nghĩa trang ở đây chắc chỉ còn vài năm nữa là hết. Tương lai, dù muốn hay không, có lẽ tôi cũng sẽ có một suất ở trong đó”.

Những năm gần đây, quỹ đất phục vụ địa táng ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội. Điển hình vào năm 2010, khu địa táng lớn nhất thủ đô ở nghĩa trang Văn Điển đã phải đóng cửa sau hơn 50 năm hoạt động để chuyển đổi sang mô hình công viên nghĩa trang, phục vụ nhu cầu hỏa táng và lưu trữ tro cốt của nhân dân.

Khu nhà lưu giữ tro cốt toạ lạc ngay cạnh một nghĩa trang cỏ mọc um tùm. Hai dãy nhà lưu giữ cùng nhà tang lễ được xây dựng khá khang trang trên một khuôn viên rộng với đầy đủ hệ thống đèn chiếu sáng. Bên trong dãy nhà lưu trữ 4 tầng, được đánh thứ tự A, B, C, D từ trên xuống dưới.

Tất cả các ô đều có chung kích cỡ với chiều rộng 40cm, chiều sâu 80cm. Ông Nguyễn Đức Huấn (64 tuổi), quản lý “chung cư” cho biết, sau khi hũ tro cốt của người đi hỏa táng được đặt vào ô, sẽ được xây thêm một bức vách nhỏ ở phía trước để gắn bia, di ảnh của người đã mất. “Xây vách đến đâu người ta sẽ cho cát khô đến đó, làm sao để phủ kín toàn bộ hũ tro cốt. Ưu điểm của cách này là sẽ bảo quản được tro cốt vĩnh viễn. Vì nếu để tro cốt ở dưới đất, nhất là chỗ trũng, lâu ngày nước ngấm vào sẽ tan hết, chẳng còn gì nữa”, ông Huấn nói.

Các ô ở đây được sắp xếp theo nguyên tắc tuổi của người mất. Cụ thể, tầng trên cùng, trang trọng nhất sẽ đặt tro cốt của những người trên 80 tuổi, tầng thứ hai sẽ đặt tro cốt những người trên 70 tuổi, tầng thứ 3 đặt tro cốt của những người trên 60 tuổi và tầng cuối cùng sẽ đặt tro cốt của những người dưới 60 tuổi. Trong trường hợp người thân muốn đặt liền kề nhau, sẽ ưu tiên nếu cụ ông mất trước có thể được nhận một chỗ cho cụ bà.

Thắc mắc về việc tại sao những ngôi mộ theo cách xây truyền thống, con cháu có thể đặt cạnh ông, bà… nhưng tại đây lại không được. Ông Huấn lý giải, đó là những ngôi mộ thuộc sở hữu tư nhân, của các gia đình, dòng họ nên không thể quản lý. Nhưng đã vào đây là, phải theo tập thể, sắp xếp theo tôn ti trật tự, có trên có dưới.

Theo ông Huấn, Nhà lưu giữ tro cốt xã Liên Trung phục vụ nhu cầu của nhân dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Khi gia đình có người qua đời đi hoả táng muốn để tro cốt và nhà lưu giữ thì phải được sự đồng ý của UBND xã và gặp tổ quản trang để lập hồ sơ lưu trữ, quản lý. Khi đưa vào, các gia đình sẽ không phải đóng góp bất kỳ một khoản chi phí nào.

Nhiều lợi ích xã hội

Được biết, công trình Nhà lưu giữ tro cốt nằm trên tổng thể diện tích 1.000 mét vuông bao gồm nhà lưu giữ, bệ đặt tro cốt và các hạng mục phụ trợ với 528 ô đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương về lâu dài. “Cũng với số lượng này nếu đưa ra địa táng thì phải mất hàng chục mẫu ruộng, lại không đảm bảo và rất có thể bị thất lạc mộ. Còn ở mô hình này có nhiều ưu điểm, anh đi đâu xa về vẫn có thể nhận ra người thân của mình qua nhiều thế hệ”, ông Huấn nhận định.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Hanh, Chủ tịch xã Liên Trung cho biết: “Việc xây dựng nhà lưu trữ tro cốt sau hoả táng là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Thân nhân, gia đình và quan khách có người qua đời đưa vào lưu giữ đều đánh giá đây là mô hình rất thiết thực, tạo điều kiện cho nhân dân thuận lợi, đỡ công sức, thời gian và tiền bạc”.

Lợi ích là vậy nhưng theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn xã Liên Trung có 22 trường hợp qua đời, trong đó số ca hoả táng là 13 trường hợp. Tuy nhiên, từ khi khánh thành đến nay, mới chỉ có 2 trường hợp hoả táng được người thân đưa vào nhà lưu trữ tro cốt. Lý giải về việc này, ông Hanh cho hay, đây là mô hình mới, lại liên quan tới vấn đề tâm linh, phong tục tập quán “sống ở trên trần, chết phải xuống đất”, nên phải có thời gian để vận động, thay đổi tâm lý. Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình xây dựng mộ sẵn từ trước nên cũng không có nhu cầu.

“UBND xã tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ các trường hợp đi hỏa táng đưa vào nhà lưu giữ tro cốt 2 triệu đồng/trường hợp. Trong thời gian tới, khi các mộ xây dựng sẵn cơ bản được sử dụng hết, việc đưa các trường hợp hoả táng vào nhà lưu giữ tro cốt sẽ phát huy hiệu quả cao”, ông Hanh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.