Y tế

Chuyện bác sĩ noi gương cha theo nghiệp chữa bệnh cứu người ở miền cát trắng

27/02/2024, 18:30

Câu chuyện của bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là những hồi tưởng về người cha kính yêu, người tiếp sức cho bác sĩ theo đuổi nghề chữa bệnh, cứu người.

Noi gương cha theo nghề cứu người

Bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng khoa Nội – Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhớ như in những kỷ niệm về người cha kính mến, ông Phạm Đức Dũng - Nguyên trạm trưởng Trạm Y tế xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.

Bác sĩ Thái kể, những năm 80 của thế kỷ trước, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh là vùng bãi ngang nghèo khó của huyện.

Dù cách trung tâm huyện lị khoảng 6km nhưng bị cô lập. Đường sá không có, người dân phải đi trên những cồn cát, lách đám cây bụi và xuyên rừng phi lao để rời xã.

Chuyện bác sĩ noi gương cha theo nghiệp chữa bệnh cứu người ở miền cát trắng- Ảnh 1.

Bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng khoa Nội – Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đang thăm khám cho bệnh nhân.

Thời gian đó, cha của bác sĩ Thái đang là Trưởng trạm Y tế xã Hải Ninh. Trong những lần cùng cha đi trực, cậu bé Thái chứng kiến nhiều ca bệnh nguy kịch.

Mọi thứ đều thiếu thốn từ thuốc đến trang thiết bị y tế, đường sá đi lại vô cùng khó khăn nên công tác cứu người càng phức tạp.

"Nếu có bệnh nhân nặng, biển lặng người ta đưa lên thuyền nan, dong buồm ngược biển Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới để đưa người bệnh đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.

Ngày biển động, phải làm cáng, tổ chức đoàn nhiều người thay nhau khiêng bệnh nhân len theo rừng phi lao, vượt cồn cát, tránh bàu nước.

Có những khi mưa lớn, người bệnh đã yếu còn ngấm mưa, người khiêng thì run run bước trên những vùng cát rịn nước, bập bềnh", bác sĩ Thái nhớ lại.

Từ những trải nghiệm khó quên đó, cậu học trò Phạm Hồng Thái vững dần ý định theo nghiệp của cha, cứu người.

Ngày ấy vùng bãi ngang nghèo chỉ biết dựa vào biển, những cô cậu học trò thường không mặn mà việc học. Không lựa chọn đến lớp, những đứa trẻ chọn ra biển chờ thuyền của cha, chú về để phụ gỡ cá, chế biến cá mong có bữa no.

Gia đình cậu bé Thái đông con, công việc của người cha thu nhập chẳng bao, người mẹ cũng vất vả ruộng nương, bán buôn, 7 người con mới có cái ăn.

"Xã Hải Ninh chỉ có 14 học sinh học lên cấp 2. Nghèo đói nên bạn bè nghỉ học ra biển phụ cha mẹ. Nhà tôi cũng chẳng khấm khá hơn nhưng vì muốn được làm bác sĩ cứu người nên nhiều hôm đến trường chỉ có một thầy một trò trong lớp", bác sĩ Thái nhớ lại.

Rời trường làng, Thái gói đống sách vở cùng một ít quần áo sờn màu vượt những triền cát, vượt sông Long Đại rồi ở nhờ nhà dân học cấp 3.

Rời xa vòng tay cha mẹ, cậu trò nghèo phải tự túc mọi chuyện để có thể tiếp tục học tập. Tất cả những nỗ lực đó vì mục tiêu lớn của tương lai.

Cả gia đình theo nghề chữa bệnh cứu người

Năm 1988, Thái đậu vào Trường Trung cấp Y Huế và theo học y sĩ đa khoa. Xa quê nghèo, cậu sinh viên ở vùng bãi ngang nỗ lực tiếp thu kiến thức y khoa để mang về giúp dân quê mình.

Năm 1993, y sĩ Thái về công tác tại trạm y tế xã nhà, khi ấy cha của anh cũng nghỉ hưu.

"Thời điểm đó, ở Hải Ninh ngoài các bệnh thông thường, nhiều người bị bệnh chân voi bởi giun chỉ và bọ chét hoành hành.

Tôi cùng đồng nghiệp vừa khám chữa bệnh vừa tìm hiểu và tuyên truyền bà con phòng chống dịch bệnh. Dân trí chưa cao, đời sống khó khăn nên mọi công tác gặp nhiều trở ngại", bác sĩ Thái nhớ lại.

Chuyện bác sĩ noi gương cha theo nghiệp chữa bệnh cứu người ở miền cát trắng- Ảnh 2.

Ngoài chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, bác sĩ Thái được đồng nghiệp tin tưởng, yêu quý.

Với mong muốn giúp người dân nhiều hơn nữa, y sĩ Thái tiếp tục học nâng cao tại Học viện Quân y. Nhiều năm công tác tại trạm, năm 2007, bác sĩ Thái được điều chuyển thực hiện công tác quản lý tại Phòng Y tế huyện Quảng Ninh.

Năm 2017, bác sĩ Thái chuyển công tác về Khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh.

"Bản thân luôn tâm niệm, người bác sĩ ngoài khám, chữa bệnh cứu người cần nâng cao y đức, trau dồi chuyên môn. Ngoài giờ làm ở cơ quan, tôi còn khám bệnh miễn phí cho người dân nghèo.

Dù trên cương vị nào cũng là đóng góp cho ngành y cứu chữa, nâng cao sức khỏe nhân dân nhưng tôi vẫn muốn được trực tiếp khám, chữa bệnh hơn", bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh chia sẻ.

Trải qua hơn 20 năm làm việc trong ngành y, bác sĩ Phạm Hồng Thái đã nhiều lần nhận các danh hiệu, bằng khen như: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm 2011, 2018, 2022; Chiến sĩ thi đua cấp ngành vào năm 2022 và bằng khen, giấy khen của UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Bên hàng ghế hành lang bệnh viện, bà Nguyễn Thị Oanh (SN 1972, trú tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết, thường đến bệnh viện để được tư vấn về bệnh tim mạch và lấy thuốc.

"Tôi bị cao huyết áp gần 5 năm nay, nhưng hiện vẫn ổn nhờ sự quan tâm tư vấn bệnh tật thường xuyên của các cô, chú ở đây nhiệt tình lắm, nhất là bác sĩ Thái. Bà con hễ ốm đau gì đều đến nhờ bác sĩ Thái tư vấn, chữa trị", bà Oanh cười, gương mặt đôn hậu như bừng sáng.

"Vợ tôi là người cùng xã, biết nhau từ những ngày hai đứa cùng cha đi trực chung. Cô ấy là dược sĩ, từ tình bạn, cùng lớn lên và tìm được tiếng nói chung trong công việc và cuộc sống rồi nên nghĩa phu thê", bác sĩ Thái tự hào kể.

Hiểu được sứ mệnh cao cả của người làm trong ngành y, mong muốn được như cha mẹ, 2 con của bác sĩ Thái cũng tiếp bước theo nghiệp của bố mẹ.

Hiện, con gái ông đang là thạc sĩ dược lâm sàng, công tác tại Trường Đại học Duy Tân. Cậu con trai cũng đang theo học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Duy Tân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh nói về đồng nghiệp, bác sĩ Thái là người giỏi chuyên môn, tận tụy trong công việc, hết lòng phục vụ người bệnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp và bệnh nhân rất tin yêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.