Thị trường

Chuyển đổi điện than sang LNG: Bộ Công thương cần sòng phẳng

24/09/2023, 10:41

Theo giới chuyên môn, cần có những quy định về quy trình thẩm tra, kiểm duyệt, xem xét chuyển đổi, bổ sung các dự án điện sau khi có đề xuất từ nhà đầu tư, cũng như địa phương để tránh mất cơ hội nhà đầu tư, ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia.

Chậm tiến độ các nguồn điện nền sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng

Sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt vào trung tuần tháng 5, ngay trong tháng 6 và tháng 7 Bộ trưởng Công thương đã liên tiếp chủ trì các cuộc họp với các tỉnh có dự án khí LNG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500.

Ông Diên nhấn mạnh, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Chuyển đổi điện than sang LNG: Bộ Công thương cần sòng phẳng - Ảnh 1.

Tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030.

Từ kinh nghiệm triển khai các dự án LNG cho thấy, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện này khá dài. Thực tế, để triển khai một dự án LNG (từ lúc có quy hoạch đến khi có thể vận hành) nhanh nhất ước tính 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm.

"Cho nên, việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền (như LNG) sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng tới an ninh năng lượng điện quốc gia", tư lệnh ngành Công thương nhấn mạnh khẳng định, tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030.

Vì vậy, theo ông Diên, nếu dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy lùi tiến độ của dự án đó và đẩy sớm các dự án dự phòng/hoặc tính toán các phương án khác thay thế để bảo đảm an toàn cấp điện.

Cần tăng dự phòng, đừng làm mất cơ hội đầu tư

Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các tỉnh tổ chức lựa chon nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, rất khó đảm bảo tiến độ khi đến nay còn hàng loạt vướng mắc cần được tháo gỡ. Do vậy, việc dự phòng các dự án đã sẵn sàng là cần thiết.

Dẫn chứng dự án Công Thanh, TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công thương lưu ý, Chính phủ yêu cầu trình Kế hoạch thực hiện quy hoạch trong tháng 9. Thế nhưng, đến nay dự án này chưa được cập nhập vào kế hoạch phát triển nguồn điện dù đã được tỉnh và doanh nghiệp đề xuất 2 tháng qua.

Tại Bảng 1 - Danh mục các nhà máy nhiệt điện LNG tại Phụ lục II gửi kèm Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ có nội dung: "Các vị trí tiềm năng, dự phòng cho các dự án chậm tiến độ hoặc không thể triển khai" có vị trí thị xã Nghi Sơn (thuộc tỉnh Thanh Hóa).

"Xem xét cho phép chuyển đổi nhiên liệu sang LNG" của dự án Công Thanh cũng là nội dung được nêu tại phụ lục Tờ trình số 6046/TTr-BCT ngày 31/8/2023 Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Nội dung mới này mở ra cơ hội cho nhiệt điện Công Thanh nhằm chuyển đổi dự án nhiệt điện than kéo dài suốt 12 năm, do không huy động được vốn nhiều tổ chức tuyên bố ngừng tài trợ cho nhiên liệu hoá thạch.

UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, dự án nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa dự án đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG.

Vì vậy, TS. Ngô Đức Lâm cho rằng, rút kinh nghiệm của việc chậm trễ rất nhiều nguồn điện lớn thời gian qua, gây cho miền Bắc thiếu điện, Bộ Công thương cần sòng phẳng, rõ ràng thời gian đánh giá dự án dự phòng, kẻo lỡ mất cơ hội của nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Theo ông Lâm, cần có những quy định về quy trình thẩm tra, kiểm duyệt, xem xét chuyển đổi, bổ sung các dự án sau khi có đề xuất từ nhà đầu tư, cũng như địa phương.

"Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư chủ động các phương án, mà còn đưa nhà quản lý vào khuôn khổ, tránh lòng vòng, làm mất thời gian, mất cơ hội của nhà đầu tư", ông Lâm nói và nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.