Đời sống

Chuyên gia văn hoá chia sẻ về cách chọn tuổi xông đất đầu năm 2023

20/01/2023, 19:00

Chuyên gia văn hoá chia sẻ về cách chọn người xông đất đầu năm 2023 để gặp nhiều thuận lợi, may mắn.

img

Nhiều gia đình Việt rất kỹ càng trong việc chọn tuổi xông đất đầu năm 2023 để gặp nhiều may mắn(Ảnh minh họa)

Xông đất đầu năm là phong tục truyền thống của người Việt. Theo quan niệm dân gian, người đầu tiên đến chúc Tết gia đình là người hợp tuổi với gia chủ, có nhân cách đạo đức tốt thì năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều tài lộc, may mắn. Chính vì vậy, vào mỗi dịp năm mới, nhiều gia đình rất cầu kỳ trong việc xông đất, xông nhà, thường sắp đặt trước người xông nhà.

Nguồn gốc phong tục xông đất

Trả lời báo Giao thông về phong tục này, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên Giảng viên khoa Ngữ Văn (Đại học khoa học xã hội và nhân văn) cho biết, chọn người xông đất có nguồn gốc cổ xưa, khi con người sống trong thời kỳ nguyên thủy. Các gia đình cá thể sống trong môi trường tự nhiên với tín niệm toàn bộ thế giới là của thánh thần. Người được thánh thần giao cho quản lý chính là các thầy mo, thầy cúng, thủ lĩnh cộng đồng hoặc người già cả, uy tín. Bởi vậy, khi khởi công một công việc nào đó, họ cần sự chứng kiến và cầu nguyện của những đại diện đó. Tết cũng là một sự khởi đầu nên họ muốn được một người có uy vọng, có tuổi, tử tế đến "xông đất" (bước vào không gian sống).

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, từ quan niệm nêu trên dẫn đến việc chọn tuổi thì đã từ tín ngưỡng bước sang mê tín. Nó chính là phần phái sinh tiêu cực của thuật phong thủy và đoán mệnh tử vi. Dần dần trở thành tín niệm cho nhiều người.

"Sự mê tín xem tuổi xông đất vô tình đã tạo nên sự dè dặt khi bạn bè thân hữu muốn thăm nhau ngày Tết. Đó là một loại rào cản cho tình thân ái giữa con người với con người. Nhưng càng ngày càng nhiều người tin theo sự mê tín này nên ai cũng phải e ngại", ông Nguyễn Hùng Vĩ phân tích.

Chọn người xông đất đầu năm thế nào?

Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, ngày xưa, văn nghệ dân gian đã nghĩ ra một cách để điều chỉnh nó, đó là người ta lập ra các đội hát sắc bùa để đi đến chúc tụng các nhà sau giao thừa. Trẻ con là thành phần không thể thiếu vì trẻ con là "đồng tử", chưa chịu cái mệnh của tử vi. Nhiều người cùng vào và chúc phúc thì không biết tính tuổi ai cả. Rất tiếc tục này chỉ còn được giữ ở một số vùng thôi.

Cũng theo ông Vĩ, những người "xông đất" được chờ đón nhất đó chính là trẻ em. Bởi vì trẻ em đem đến sự vui vẻ, may mắn cho gia chủ. Người kỹ tính hơn có thể xem tuổi của người đến xông đất năm nay xem có hợp với gia chủ hay không.

Một cách “xông đất” khác theo tục lệ là chính người thân trong gia đình tự xông đất. Người thân trong gia đình sẽ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa, qua giờ giao thừa trở về xông nhà mang theo những cành lộc đầu xuân, mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình.

"Là một bộ phận trong tổng thể văn hóa, tục kiêng kỵ cũng vận động và biến đổi theo thời gian, theo vùng miền. Với những tục kiêng không ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh thì chúng ta coi như gia vị của cuộc sống. Với những tục kiêng chứa đựng quá nhiều mê tín thì vận động hoặc có cách nào đó bỏ dần đi, thay thế bằng các hoạt động nghệ thuật đẹp đẽ và bổ ích hơn", chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.