Thi viết về GTVT

Chuyện hiến đất làm đường trên “đảo ngọc”

17/08/2023, 09:22

Từ một ốc đảo vắng vẻ, Cô Tô đã trở thành “đảo ngọc”, “thiên đường du lịch”. Giao thông trên đảo thuận tiện nhờ sự chung tay, góp sức của dân.

Hiến cả nghìn mét đất để mở đường

Vừa cùng PV đi xe điện bon bon trên tuyến đường từ bãi biển Hồng Vàn vào trung tâm thôn Nam Đồng, ông Vũ Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh vừa chia sẻ, Nam Đồng là một trong những thôn đông dân cư của xã với 147 hộ, gần 600 nhân khẩu.

Tuyến đường vào trung tâm thôn được đầu tư từ lâu, vốn nhỏ hẹp lại xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Song ngặt nỗi ngân sách có hạn, trong khi giá đất theo thị trường lên tới gần chục triệu đồng/m2. Nếu áp giá đền bù của nhà nước sẽ khó được nhân dân đồng thuận.

“Từ đó, lãnh đạo xã đã bàn bạc và quyết định vận động nhân dân hiến đất làm đường”, ông Sơn kể.

img

Nhiều người dân huyện Cô Tô sẵn sàng hiến cả trăm mét vuông đất để làm đường giao thông.

Khá bất ngờ, chủ trương vừa đưa đến thôn, bà con liền đồng thuận ngay. Chỉ trong một thời gian ngắn, 22 hộ đã tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất ở, đất trồng cây lâu năm để làm đường.

Không chỉ hiến đất, bà con tự dỡ công trình, chặt cây trồng bàn giao đất cho chính quyền. Trị giá đất, vật kiến trúc, cây trồng vào khoảng 2 tỷ đồng.

Nhờ vậy, đầu năm 2023, dự án đường giao thông thôn Nam Đồng với chiều dài 918,2m, lòng đường trải bê tông rộng 6m, tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng đã được triển khai và về đích trước thời hạn gần 3 tháng.

Đứng bên đường nhìn từng đoàn khách du lịch đi qua, ông Lại Văn Sơn, nhà ở giữa thôn Nam Đồng chia sẻ, gia đình ông vừa xây xong chiếc cổng trị giá gần 200 triệu đồng thì chính quyền triển khai làm đường. Dù rất tiếc chiếc cổng, nhưng khi được vận động, ông liền dỡ bỏ ngay và hiến thêm đất.

“Những hộ giáp đường ai cũng hiến đất, dỡ công trình, không có lý do gì nhà mình lại tiếc. Đường rộng ra thì mình và bà con được hưởng lợi, khách du lịch vào thôn nhiều hơn, bà con phát triển được dịch vụ, chẳng lẽ mình không làm”, ông Sơn bộc bạch.

Ở thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, tuyến đường đấu nối từ bãi biển Hồng Vàn lên trung tâm xã dài 1,2km được triển khai với tổng vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Phú, nhà ở cuối thôn cho biết: “Tuyến đường này trước nhỏ và cong, cua rất khó đi lại. Khi xã có chủ trương, tôi là một trong những người đầu tiên trong thôn ủng hộ. Mấy tháng trước, tôi đã chủ động dỡ bờ tường rồi để xã muốn lấy bao nhiêu đất thì lấy”, ông Phú kể.

Ông Vũ Trường Sơn cho biết thêm, gần đây xã triển khai thi công 4 tuyến đường giao thông ở thôn Nam Đồng, Hải Tiến, Hồng Hải và Trường Xuân. Do nhận thức được ý nghĩa của việc mở đường, 68 hộ dân đã hiến 26.000m2 đất các loại và công trình trên đất trị giá gần 10 tỷ đồng để triển khai dự án.

Nhân rộng phong trào

img

Tuyến đường từ bãi biển Hồng Vàn vào trung tâm thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến mới được mở nhờ người dân hiến đất.

Huyện đảo Cô Tô là địa phương xa nhất, cũng từng là địa phương khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Những năm gần đây, Cô Tô đã trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Với sự phát triển mạnh mẽ, Cô Tô cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Nhiều hộ dân do biết phát triển kinh tế dịch vụ - du lịch nên đã có trong tay tài sản hàng chục tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông trên đảo, nhất là khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các khu vực để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng luôn được huyện đặc biệt chú trọng.

Từ các nguồn lực, đến nay, huyện đã đầu từ hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng những trục giao thông chính trên đảo.

Điển hình, dự án mở rộng, nâng cấp đường xuyên đảo Cô Tô giai đoạn 1, tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng được đưa vào sử dụng năm 2018, giai đoạn 2 tổng mức đầu tư trên 102 tỷ đồng, hoàn thành năm 2019; dự án nâng cấp đường xuyên đảo Thanh Lân dài 11,392km, tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng, hoàn thành năm 2020. Ngoài ra, là hàng loạt dự án cứng hóa, mở rộng đường giao thông nông thôn.

“Các dự án đường giao thông hoàn thành thực sự phá thế cô lập, chia cắt các thôn trên đảo và tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế du lịch, thủy sản”, ông Dũng nhìn nhận.

Theo ông Dũng, quá trình triển khai các dự án giao thông, huyện Cô Tô đều rất thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với các tuyến đường liên thôn, nội thôn, huyện đã phát huy tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận động nhân dân hiến hàng vạn m2 đất.

“Nhiều gia đình đã dỡ công trình, dịch tường rào, chặt cây, sẵn sàng hiến cả trăm m2 đất để làm đường.

Đây là việc làm rất đáng ghi nhận của nhân dân trên địa bàn trong việc chung sức, đồng lòng với chính quyền để xây dựng hạ tầng giao thông nói riêng, công trình công cộng nói chung”, ông Dũng nói và cho biết, huyện đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông nông thôn ở các xã.

Điển hình như dự án đường lưỡng dụng kết nối phía đông - tây đảo Cô Tô lớn, đoạn Nam Đồng - Nam Hà có chiều dài 2,7km với tổng mức đầu tư trên 104 tỷ đồng.

Hay như dự án nâng cấp tuyến đường vào khu dân cư hồ C4, thị trấn Cô Tô dài trên 800m với kinh phí đầu tư trên 6,6 tỷ đồng. Tất cả các dự án này người dân đều đồng lòng hiến đất, giảm đáng kể chi phí đầu tư.

Cô Tô là một huyện đảo nằm ở phía đông tỉnh Quảng Ninh và cách đất liền khoảng 80km. Cô Tô có đến gần 50 đảo lớn nhỏ xung quanh, trong đó khu vực đảo Cô Tô lớn và Cô Tô con rất phát triển về du lịch.

Với diện tích lên đến 47,3km2, Cô Tô ghi điểm trong lòng nhiều du khách bởi cảnh quan hoang sơ tự nhiên cùng nhiều địa danh tham quan, du lịch nổi tiếng. Cô Tô cũng được ví như “đảo ngọc giữa biển khơi” hay “thiên đường du lịch”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.