Chuyện nữ Thanh niên xung phong thời hậu chiến

09/07/2014, 13:12

Thiệt thòi càng nhân đôi với những nữ TNXP một thời vào sinh ra tử, nhiều chị em đã không thể xây dựng gia đình, không thể thực hiện thiên chức làm mẹ, cô đơn không nơi nương tựa...

Kỳ 1: Đóng góp lớn lao, hy sinh thầm lặng

San rừng, bạt núi, phá đá, mở đường, lấp hố bom, tải lương, tải đạn… nửa triệu thanh niên xung phong (TNXP) lặng lẽ đóng góp cho công cuộc kháng chiến, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hoàn thành nghĩa vụ trở về với sức lao động giảm sút, nhiều trường hợp ốm đau, thương tật, nhiễm chất độc da cam... Thiệt thòi càng nhân đôi với những nữ TNXP một thời vào sinh ra tử, gửi tuổi xuân nơi chiến trường khi nhiều chị em đã không thể xây dựng gia đình, không có cơ hội thực hiện thiên chức làm mẹ, cô đơn không nơi nương tựa...

 

Hai chị em cựu TNXP đơn thân Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Thị Lược ngồi đan chổi trước thềm nhà
Hai chị em cựu TNXP đơn thân Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Thị Lược lấy việc đan chổi làm kế sinh nhai và cũng làm niềm vui mỗi ngày

Những mảnh đời hiu quạnh


Chúng tôi tìm về thôn Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình giữa những ngày tháng 6/2014 nắng như đổ lửa. Đang vào mùa gặt rộ, con đường vào làng phảng phất hương lúa mới lẫn với mùi bùn ngai ngái. Căn nhà nhỏ của ba chị em ruột không chồng, trong đó hai người là cựu TNXP nằm giữa xóm Tô Hiệu, một góc hè chất đầy rơm vừa thu hoạch.

Cả ba cô Nguyễn Thị Là, Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Thị Lược đang ngồi cặm cụi bện chổi bên thềm kiếm thêm chút thu nhập, trang trải cuộc sống. Mỗi chiếc chổi bán được 12.000 đồng thì tiền mua rơm đã mất tới 10.000 đồng, công xá còn lại của cả ba chị em cộng lại cũng chỉ trên dưới 300.000 đồng/tháng.

“Thêm thắt được chút nào hay chút ấy. Với lại, ngồi không lại thấy mỏi người, ốm thêm. Ngày xưa đi TNXP phá đá mở đường, tải đạn… vất vả gấp cả vạn lần còn chịu được” - cô Lược nói, giọng trở nên rộn ràng, sôi nổi khi nhắc lại một thời hoa lửa. 


Ngày ấy, cũng như hàng vạn TNXP của Thái Bình, năm 1972, cô Lược xung phong đi chống Mỹ và được phân công vào đại đội 342, địa bàn hoạt động từ Thanh Hóa đến giáp ranh với Quảng Bình.

Công việc của cô ngày ấy là lấp hố bom, sửa đường, vận chuyển lương thực, tải đạn... Tháng 4/1972, khi đang vận chuyển lương thực lên tàu thì giặc Mỹ đánh bom. Bốn đồng đội quê Thanh Hóa hy sinh tại chỗ, cô Lược bị mảnh đạn bom găm vào lưng, nhưng may mắn sống sót. Sau 4 tháng điều trị, cô lại xin được tiếp tục phục vụ cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Trở về địa phương khi đã 33 tuổi, cô Lược không lập gia đình, không con cái và sống nương tựa vào hai người chị cũng đơn thân như mình là Nguyễn Thị Là, 71 tuổi và Nguyễn Thị Lụa, 64 tuổi - cựu TNXP đi tiền trạm kinh tế tại Đắk Lắk từ năm 1978 đến 1981.

Tuy nhiên, trong khi cô Lược đã được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng thì cô Lụa vẫn chưa được giải quyết chế độ gì. “Ba chị em cấy tý ruộng khoán, may thì đủ gạo ăn. Phần trợ cấp phải tằn tiện để còn phòng khi trái gió trở trời” - cô Lụa tâm sự.  

Theo thống kê của Hội Cựu TNXP Việt Nam, nữ TNXP trong các thời kì kháng chiến, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc có tới 170.316 người. Trong đó, 17.072 trường hợp đặc biệt khó khăn, không có nhà, nhà dột nát, cần giúp đỡ. 5.600 người có cảnh ngộ lỡ thì, ốm đau, không lập gia đình, cô đơn, không nơi nương tựa. 

Cô Lụa và cô Lược chỉ là hai trong số 43 nữ cựu TNXP rơi vào hoàn cảnh không gia đình, không con cái của xã Duy Nhất.

Cách đó mấy ngõ, một nữ cựu TNXP khác là Nguyễn Thị Cúc (SN 1953) cũng có cảnh ngộ hết sức thương tâm. Tham gia TNXP từ năm 1972 - 1975, cô Cúc cùng đồng đội làm nhiệm vụ lấp hố bom, mở đường… tại Hòa Bình, rồi vào Quảng Bình.

Trong 3 năm đó, cô Cúc bị thương bao nhiêu lần cô cũng không nhớ nổi. Lần nặng nhất bị mảnh bom găm vào đầu khi đang làm đường ở cây số 20, đường 12, Cổng Trời, Hòa Bình.

Rời chiến trường, cô bị sốt rét liên miên, rồi chuyển sang bệnh gan, mắt mờ dần, năm 1983 thì mù hẳn. “Ốm đau liên miên sau khi xuất ngũ, rồi thành mù lòa, ai người ta lấy hở cô” - cô Cúc lặng đi một lúc rồi kể thêm, nhà có 5 chị em gái đều đi lấy chồng, mình cô ở với mẹ già năm nay đã 90 tuổi, hơn 10 năm nay cũng ốm đau.

May mắn là cô em gái  thương mẹ, thương chị đã mua nhà ngay sát vách, hàng ngày sang đỡ đần việc nhà, cơm nước. Căn nhà trống trải với hai người phụ nữ đau yếu cũng bớt phần hiu quạnh. Toàn bộ nguồn sống của hai mẹ con cô Cúc trông vào khoản trợ cấp 900.000 đồng/tháng. 

“Tháng nào không phải thuốc thang còn có tiền mua thức ăn. Nhưng như tháng 6 vừa rồi, 10 ngày tiền thuốc đã lên đến cả triệu đồng, mấy chị em lại phải gom góp nhau lại. Thương mẹ, thương chị lắm mà chẳng biết làm sao” - em gái cô Cúc vừa nói vừa đưa tay chấm nước mắt. 
 

Cựu TNXP Nguyễn Thị Cúc đã hơn 30 năm mù lòa (ngồi giữa) bên mẹ già và em gái
Cựu TNXP Nguyễn Thị Cúc đã hơn 30 năm mù lòa (ngồi giữa)
bên mẹ già và em gái


Nỗi đau thầm lặng


“Những trường hợp như chị Cúc, chị Lụa, chị Lược, ở Thái Bình nhiều lắm” - Chủ tịch hội Cựu TNXP Thái Bình Hoàng Công Ánh trầm ngâm. Theo ông Ánh, Thái Bình có 32.000 cựu TNXP, tỉ lệ nữ chiếm 65%, trong đó hơn 1.700 người không lập gia đình, không con cái.

Huyện Vũ Thư đông nhất có 4.800 người, trong đó 427 người đơn côi. Đáng buồn là Thái Bình có 12.000 cựu TNXP đi tiền trạm kinh tế sau năm 1975 tại Kiên Giang, Sông Bé, Đắk Lắk… song tất cả các trường hợp này đến nay chưa được hưởng chế độ dành cho lực lượng TNXP. 


Ông Ánh nói, tại Thái Bình, TNXP khó khăn nhiều lắm, phải hơn 3.200 người, trong đó đa phần là nữ giới. Bên cạnh những trường hợp đơn côi, không ít chị em đã lập gia đình nhưng không thể làm mẹ, hoặc có con bị dị tật.

Gần 50 trường hợp đã được các tổ chức hảo tâm hứa tặng tiền làm nhà nhưng không có một tấc đất cắm dùi, vẫn đang phải đi ở nhờ, ở đậu, thậm chí một số trường hợp phải nương nhờ cửa Phật” - ông Ánh cho biết. 


Hay như tại Nghệ An, nữ TNXP chiếm tới 3,5 vạn trên tổng số 4,5 vạn cựu TNXP của tỉnh. Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Nghệ An Phạm Thị Phòng cho biết. Có tới 12.500 người chưa được giải quyết chế độ trợ cấp, 3.200 người chưa được  bảo hiểm y tế, 1.650 người chưa được hưởng chế độ thương tật… Toàn tỉnh có 2.516 người nghèo vốn là TNXP, 1.800 nữ cựu TNXP không chồng, không con, không nơi nương tựa...


“Cùng một mặt trận, cùng đóng góp, nhưng nếu so với nam giới, các nữ TNXP rất vất vả, thiệt thòi” - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Lê Thị Phương Thảo chia sẻ. 


Ngoài những hiểm nguy của bom, đạn, chất độc hóa học, những khốc liệt, gian khó khi phá đá, lấp hố bom, mở đường, tải đạn, tải lương thực và thiếu thốn về vật chất, tinh thần,… chị em còn phải chịu đựng nhiều bệnh tật như sốt rét, ghẻ lở, hắc lào, rụng tóc và đặc biệt là bệnh phụ khoa.

“Thời gian tôi đóng quân ở Trường Sơn Tây, suốt cả nửa năm trời mưa dầm dề, chị em không mấy khi được mặc quần áo khô. Bởi vậy, rất nhiều nữ cựu TNXP, sau khi lập gia đình đã không có cơ hội làm mẹ” - cô Thảo xót xa. 

Thảo Nguyên 

(còn tiếp)

TIN LIÊN QUAN

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.