Xã hội

Chuyện ông Chiêng 20 năm “vác tù và” khắp nẻo đường quê

30/08/2021, 07:02

Hoàn toàn tình nguyện bỏ công sức và chi phí để làm việc, trong 20 năm qua, ông Chiêng vẫn âm thầm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng".

Cứ mỗi ngày đều đặn, dù nắng hay mưa, người thương binh Phạm Ngọc Chiêng (70 tuổi, ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) lại “rong cờ” cùng chiếc xe máy cà tàng đi từng ngõ ngách tuyên truyền Luật GTĐB.

img

Ông Phạm Ngọc Chiêng hàng ngày rong ruổi trên đường để tuyên truyền giao thông

Ám ảnh từ những vụ TNGT

Trung tuần tháng 8, dưới cái nắng oi bức, ông Chiêng vẫn “một mình, một ngựa” rong ruổi trên các tuyến đường của 34 xã, thị trấn thuộc huyện Triệu Sơn để tuyên truyền Luật GTĐB, những chính sách của Đảng, Nhà nước và “hót” nhất là những bản tin về phòng, chống dịch Covid-19.

Gặp ông Chiêng vào lúc vừa “tan giờ làm” buổi trưa, bên chiếc xe máy cũ kỹ chở đầy các thiết bị nào là âm li, loa phát thanh, bình ắc quy… ông kể: “Ngày nào cũng vậy, tôi chở gần 80kg “hàng” này đi dọc các tuyến từ quốc lộ đến tỉnh lộ, đường làng, ngõ xóm. Xe ra khỏi nhà thì loa bật phát đi những bản tin được ghi âm sẵn cho đến khi về đến nhà mới tắt”.

Không được trả lương, hoàn toàn tình nguyện bỏ công sức và chi phí để làm việc, trong 20 năm qua, ông vẫn âm thầm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” đi khắp các nẻo đường quê để tuyên truyền.

img

Ông Phạm Ngọc Chiêng

Ông Chiêng kể, theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1971 ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào, miền Nam. Sau này, ông bị thương nặng vì trúng đạn nên giải ngũ về quê với chế độ thương binh 1/4.

Trở về từ chiến tranh, ông không tham gia hoạt động nào ở địa phương dù có lời mời gọi của chính quyền. Bởi lẽ gia đình lúc ấy rất khó khăn, ông chỉ muốn tập trung làm kinh tế.

Đến năm 2000, khi cảm thấy kinh tế gia đình đã ổn định, con cái đều trưởng thành, ông nhận làm Trưởng Đài phát thanh cho xã Dân Lực, tự sản xuất ra những bản tin hàng ngày để đọc cho dân trong vùng nghe.

“Nhà tôi ở ngay gần ngã tư, sát mặt đường, thường xuyên chứng kiến cảnh người dân bị TNGT. Nhìn rất thương tâm và nhói lòng. Với bản chất là người lính cụ Hồ nên khi làm phát thanh ở xã tôi chủ yếu tìm tòi, đọc các bản tin về giao thông. Quá trình làm, tôi nhận thấy tuyên truyền qua hệ thống loa không phủ sóng hết được mà cần phải đi lưu động đến từng xóm nhỏ mới hiệu quả nên năm 2002 đã tự bỏ tiền túi ra đầu tư loa đài, máy phát, dùng chiếc xe máy cà tàng đi tuyên truyền luật giao thông”, ông Chiêng nhớ lại những năm tháng khi mới “bước vào nghề”.

Theo ông Chiêng, để có những bản tin truyền tải sâu tới người dân thì hàng ngày ông thu thập các tài liệu, quy định pháp luật để biên tập lại thật ngắn gọn, dễ hiểu sau đó ông đọc ghi âm vào chiếc thẻ nhớ để đi tuyên truyền.

Năm 2014, ông xin nghỉ hẳn công việc ở Đài phát thanh để có nhiều thời gian đi tuyên truyền hơn. Vợ con, hàng xóm thấy vậy khuyên can, cho ông là gàn dở, “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Bỏ ngoài tai, ông vẫn cứ đều đặn ngày hai buổi rong ruổi trên chiếc xe cà tàng đi khắp các thôn, xã để phát đi những bản tin giao thông.

Đón Giao thừa xong lại đi tuyên truyền tiếp!

img

Ông Chiêng đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương

Trong suốt gần 20 năm, lần duy nhất ông nghỉ việc là do phải nhập viện 3 tháng để mổ thận. Vậy nhưng, dù đang trên giường bệnh, ông Chiêng vẫn nhận thông tin, tự đọc nội dung để đưa cho con trai đi tuyên truyền thay mình.

“Tôi mặc dù tuổi cao, nhưng sức đang còn dẻo dai lắm. Mình làm nghề này không đòi hỏi điều gì. Thương dân mình làm thôi, vì tôi cũng chỉ mong muốn mọi người dân hãy tuân thủ luật giao thông khi ra ngoài đường để tránh xảy ra những vụ TNGT thương tâm”, ông Chiêng tâm sự.

Ngày bình thường như mùa Đông ông làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ còn mùa Hè thì chỉ làm 8 tiếng. Riêng đối với những ngày lễ, Tết thì đi nhiều hơn. Có những Tết đi đến gần Giao thừa mới về nhà, đón Giao thừa xong lại đi tuyên truyền tiếp.

Ông Chiêng cho biết, trong suốt 10 năm đầu ông chuyên sâu vào những bản tin về giao thông. Nhưng những năm gần đây thì “kẹp” thêm những bản tin phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch UBND xã Dân Lực cho biết, ông Phạm Ngọc Chiêng làm công tác tuyên truyền hoàn toàn tự nguyện mà không đòi hỏi gì. Công việc của ông đã giúp cho hệ thống tuyên truyền của địa phương thêm phần phong phú và dày đặc, qua đó người dân nâng cao ý thức pháp luật, giảm thiểu các tệ nạn hay các vụ tai nạn giao thông.

Đánh giá về hình ảnh thương binh Phạm Ngọc Chiêng, ông Vũ Hoàng Linh - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Bác Chiêng là một gương điển hình, một trường hợp rất hiếm có, bác là con người của xã hội, tận tình cống hiến. Ngoài tuyên truyền về Luật GTĐB trong nhiều năm qua thì hiện nay bác Chiêng cũng tuyên truyền thêm nhiều chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và tình hình dịch bệnh Covid-19.

Trong các năm qua, bác Chiêng cũng được nhiều cấp Bộ, ngành Trung ương, địa phương tặng bằng khen, giấy khen vì hành động ý nghĩa thiết thực, nhân văn. Năm nay, Ban ATGT tỉnh cũng đang tiếp tục xem xét để tặng bằng khen cho bác vì những cống hiến trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn”.

Được biết, ông Phạm Ngọc Chiêng từng được nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND tỉnh Thanh Hóa, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Giấy khen của huyện, của xã. Để hỗ trợ việc làm thiết thực trên, huyện Triệu Sơn đã tặng 24,5 triệu đồng để ông Chiêng sắm bộ loa đài mới; Công an tỉnh Thanh Hóa tặng 1 chiếc xe máy Dream phục vụ cho việc đi lại của ông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.