Đường sắt

Cơ cấu lại TCT Đường sắt, đột phá kinh doanh hạ tầng để tăng thu

23/04/2023, 10:56

Đường sắt trình đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, đề xuất các phương án đẩy mạnh kinh doanh vận tải, hạ tầng để tăng thu.

Tạo cơ chế kinh doanh kết cấu hạ tầng, tăng nguồn thu

Tiếp sau vận tải khách quý I/2023 thành công với doanh thu vận tải vượt 9% so với kế hoạch và tăng trưởng 44% so với cùng kỳ 2022, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội lại sắp đón mùa vận tải 30/4 - 1/5 bội thu. Vì dù còn nửa tháng nữa nhưng vé tàu đi các điểm du lịch “hot” Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Sa Pa đều kín chỗ.

Tương tự, tổng doanh thu vận tải quý I của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn vượt 20% kế hoạch, tăng trưởng khoảng 70% so cùng kỳ 2022. Tàu đi các tỉnh tuyến Bắc - Nam dịp 30/4 - 1/5 cũng “cháy” vé chặng “hot” các ngày cao điểm.

img

Đường sắt đẩy mạnh cơ cấu lại vận tải, tăng sản lượng, doanh thu (Ảnh: minh họa)

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) cho hay, kết quả này đang khẳng định chiến lược kinh doanh của Đường sắt VN là đúng hướng với việc tập trung và lấy vận tải đường sắt là hoạt động cốt lõi, trong đó chuyển dịch từ vận tải hành khách sang vận tải hàng hóa. Cùng đó, phát triển các hoạt động khác làm điều kiện cần để đạt được mục tiêu phát triển vận tải.

Ông Mạnh cũng cho biết, chiến lược này đã được khẳng định tại Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt VN giai đoạn 2021-2025 (Đề án) đang trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN.

Trong Đề án này, đáng chú ý, VNR đề xuất thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và dịch vụ.

"Trung tâm này được thành lập nhằm đáp ứng các nhiệm vụ về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong VNR như quản lý phần mềm cơ báo điện tử, hệ thống bán vé tàu, hệ thống quản trị hàng hóa... thay vì phải thuê vận hành", ông Mạnh nói và cho biết thêm: Trung tâm cũng có tư cách pháp nhân cung cấp và thực hiện dịch vụ với các đối tác, khách hàng như hợp tác đầu tư nâng cấp bãi hàng, hợp tác kinh doanh tại các khu ga..., nhằm kinh doanh hệ thống KCHT đường sắt hiện tại, cung cấp các dịch vụ phi đường sắt, giúp tăng thu, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Để có thể thành lập trung tâm này, VNR đề xuất 2 phương án. Phương án 1 giao tài sản và không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Khi đó có thể cung cấp dịch vụ phi đường sắt như dịch vụ cho thuê mặt bằng tại ga; treo, kéo cáp, lắp đặt thiết bị viễn thông... theo phương thức trực tiếp khai thác tài sản.

img

Đường sắt đề xuất phương án đầu tư, kinh doanh hạ tầng các khu ga hàng hóa, hành khách như kho bãi, trung tâm dịch vụ thương mại (Ảnh: Bãi hàng tiêu chuẩn ga Kép chuyên phục vụ bốc xếp container)

Phương án 2, giao tài sản theo hình thức đầu tư vốn tại doanh nghiệp, sau đó giao thí điểm một số ga đầu mối về hàng hóa, hành khách. Các phương án này đã được đưa vào Đề án “Quản lý, sử dụng tài sản KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Nghị định 46/2018/NĐ-CP” (Đề án 46) trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp được phê duyệt, VNR sẽ lựa chọn 15 ga thí điểm. Trong đó có ga đầu mối về vận chuyển hàng hóa (Đông Anh, Giáp Bát, Kim Liên, Trảng Bom, Sóng Thần, Phan Thiết); Ga đầu mối kết nối liên vận quốc tế (Lào Cai, Đồng Đăng, Yên Viên); Ga đầu mối kết nối cảng biển (Cái Lân) và ga đầu mối về hành khách, nằm ở trung tâm các thành phố lớn và gắn liền với lợi thế về du lịch, thương mại (Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn).

Đáng chú ý, VNR dự kiến cần gần 6.600 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ tại các ga đầu mối hành khách và trung tâm logistics tại ga hàng hoá trước khi kinh doanh khai thác thương mại dịch vụ để tăng doanh thu ngoài vận tải.

Cần quy hoạch cụ thể ga hàng hóa, ga hành khách

Liên quan đề xuất này, lãnh đạo Cục Đường sắt VN cho hay, để đầu tư, phát triển dịch vụ tại các ga, cần có quy hoạch, xác định cụ thể ga đó là ga hàng hóa hay ga hành khách. Cùng đó còn có quy hoạch của địa phương về đất, về kết nối các phương thức vận tải như cảng thủy, cảng cạn ICD. Đây là cơ sở để đẩy mạnh khai thác vận tải tại các ga, mang lại hiệu quả chung cho phát triển vận tải toàn mạng lưới.

Hiện Cục Đường sắt VN đang xây dựng kế hoạch lập quy hoạch chi tiết các ga gồm các ga liên vận quốc tế, khu vực đầu mối Hà Nội, TP.HCM.

Cũng theo lãnh đạo Cục Đường sắt VN, VNR cần xây dựng đề án đầu tư, khai thác riêng cho mỗi ga. Vì đánh giá tài sản một khu ga không đơn giản, tài sản trên đất rất ít, còn tài sản đất thì đánh giá rất phức tạp.

“Đề án này cần xác định rõ giao tài sản nào, giao cho doanh nghiệp theo hình thức gì, góp vốn hay không góp vốn?", vị này nhấn mạnh.

Đáng chú ý, vị này cũng nhắc đến một số vấn đề còn bất cập. Cụ thể, khu ga Hà Nội hiện nay được quy hoạch là ga đường sắt đô thị, như vậy sẽ bàn giao về Hà Nội. Nếu giao cho VNR thí điểm đầu tư, khai thác, tính khả thi, hiệu quả lâu dài thế nào?

"VNR phải bám theo quy hoạch khi lập đề án khai thác tại các ga này”, lãnh đạo Cục Đường sắt VN nhấn mạnh.

Theo Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt VN giai đoạn 2021-2025, Tổng công ty Đường sắt VN xác định là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2022-2025.

Giữ nguyên mô hình tổ chức của 12 chi nhánh khai thác đường sắt như hiện nay. Bên cạnh đó, thành lập mới Trung tâm Khoa học công nghệ và Dịch vụ. Duy trì 3 chi nhánh đầu máy, 1 ban QLDA. Tiến hành sáp nhập 2 công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn.

Giữ nguyên tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty CP Xe lửa Dĩ An và Công ty CP Xe lửa Gia Lâm. Duy trì tỷ lệ phần vốn góp của Tổng công ty nắm giữ mức cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 công ty CP Đường sắt và 5 công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.