Tài chính

Công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thoát phận gia công...

17/01/2024, 08:14

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang tiến từng bước để xóa bỏ quan điểm "không làm nổi ốc vít". Nhưng hành trình để làm chủ được chuỗi cung ứng, hạn chế phụ thuộc vào hàng nhập khẩu vẫn còn rất xa.


Mới sản xuất được các linh kiện đơn giản

Cách đây không lâu, ông Nguyễn Tiến Thưởng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ốc vít Brother Việt Nam, tiếp đoàn khách đang tìm đối tác cho thị trường Đức. Đây là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh bulông, ốc vít ở thị trường miền Bắc, trong đó có các loại ốc vít phục vụ cho ngành sản xuất chế tạo phụ tùng ôtô, xe máy, xe đạp điện…

Công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thoát phận gia công...- Ảnh 1.

Hiện cả nước mới có khoảng 1.800 doanh nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ, con số rất khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới (ảnh minh họa).

"Những năm qua, chúng tôi đã đưa được một số sản phẩm xuất khẩu sang Ấn Độ, Ba Lan và giờ đứng trước một cơ hội nữa là đưa sản phẩm sang Đức, là thị trường khá khó tính. Đây là công ty toàn cầu và là cơ hội để chúng tôi hướng tới khách hàng tiêu chuẩn chất lượng rất cao», ông Thưởng nói.

Công ty Dụng cụ cơ khí chính xác AN MI cũng là một trong những doanh nghiệp thành công trong việc cung cấp những sản phẩm cơ khí chính xác cung cấp cho các nhà máy của Yamaha, Toyota và xuất đi EU.

"Tôi tự hào vượt qua các rào cản, đã làm được những sản phẩm cơ khí chính xác cao và xuất ngược trở lại thị trường Đức và Nhật Bản", ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Dụng cụ cơ khí chính xác AN MI chia sẻ.

Năm 2021 AN MI đạt doanh thu 235 tỷ đồng. Năm 2022 doanh thu 260 tỷ đồng và năm 2023 là 350 tỷ đồng. Về dài hạn, công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 500-700 tỷ đồng, xuất khẩu chiếm 20%.

Tuy nhiên, những trường hợp thành công như AN MI, Brother không quá nhiều. Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn thiếu những doanh nghiệp như vậy trong hầu hết ngành hàng.

TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương nhận định, công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển, mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Các sản phẩm sản xuất được chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng

Đại diện Bộ Công thương cho biết, số lượng doanh nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ của nước ta còn rất ít, hiện khoảng 1.800. Con số này rất khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới. Ở Nhật Bản, chỉ tính riêng quận Oita, một quận của thành phố Tokyo có hơn 3.000 doanh nghiệp chế tạo. Còn tỉnh Kanagawa có 60.000 doanh nghiệp.

Bộ Công thương cũng đánh giá, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, Việt Nam chủ yếu hấp dẫn đối với phát triển công nghiệp hạ nguồn, ở công đoạn gia công, lắp ráp. Đó là những ngành có thể tận dụng lao động dồi dào và giá sức lao động rẻ để duy trì lợi thế cạnh tranh.

"Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Cơ hội mở ra rất lớn đối với các ngành như ô tô, điện tử, dệt may và da dày, nhưng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để cung cấp linh kiện và phụ tùng", vị này cho hay.

Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thiếu và yếu hơn so với doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước phải vay vốn với lãi suất ở mức 10-12%, trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc và nhiều nước khác chỉ phải vay với lãi suất 2%. Một lý do khác là trình độ lao động ở ta chỉ ở mức trung bình, thậm chí còn thấp và lạc hậu so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Tuất cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải chế tạo được các cụm chi tiết, thay vì các chi tiết đơn lẻ: "Nếu chỉ sản xuất được một cái lò xo thì không thể gọi là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu được".

Cần sớm nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi khi chi phí vốn cao hơn rất nhiều so với các nước khác, chưa có nguồn hỗ trợ tài chính hiệu quả.

Ông Tuấn đánh giá pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quy định các điều kiện mang tính chất thúc đẩy sản xuất nội địa nhưng chủ yếu tập trung vào một số tiêu chí định tính hoặc định lượng chung, thiếu vắng sự chuyên sâu phù hợp tính chất của từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Đến nay chưa có quy định xác định chuỗi giá trị trong từng hệ sinh thái, cụm liên kết ngành, phân ngành công nghiệp để từ đó phân tầng các ưu đãi (ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, ưu đãi khác) cho các dự án, nhất là trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp có đặc thù riêng về tính liên kết.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn chưa được hình thành.

Với những hạn chế trên, ông Hội cho rằng, cần tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp.

"Cần chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu", ông Hội nói.

Bà Phan Thị Ngọc Yểm, Tổng thư ký Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (VISA) kiến nghị cần hoàn thiện chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mặt khác cần bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Bộ Công thương, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tới đây thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, cần nắm bắt được công nghệ trong chuỗi để có thêm giá trị gia tăng, chứ không chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc. Muốn làm được điều này, cần nâng cao vai trò của của công nghiệp hỗ trợ trong thu hút FDI công nghệ cao.

"Phải xây dựng chiến lược để thu hút FDI, vừa phải xây dựng được ngành công nghiệp chiến lược của Việt Nam. Chúng ta có thể đi sau nhưng có chính sách khéo léo sẽ vươn lên được", Phó thủ tướng nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.