Xã hội

Covid-19 ngày 1/1: Ngày đầu năm thêm 14.835 ca mới, riêng Hà Nội 1.748 ca

Tin tức dịch Covid-19 ngày 1/1/2022: Ngày đầu năm mới đã ghi nhận 14.835 ca mắc COVID-19 tại 62 tỉnh, thành và 216 ca tử vong.

Tình hình dịch Covid-19 mới nhất hôm nay

Bản tin dịch COVID-19 ngày 1/1/2022 của Bộ Y tế cho biết có 14.835 ca mắc COVID-19 tại 62 tỉnh, thành phố; Hà Nội vẫn nhiều nhất với 1.748 ca; trong ngày có gần 3.000 bệnh nhân khỏi, 216 ca tử vong; Đến nay Việt Nam đã ghi nhận 20 ca COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron

img

Ngày 1/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.835 ca nhiễm mới


Thông tin các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam

Tính từ 16h ngày 31/12/2021 đến 16h ngày 01/01/2022, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.835 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 14.822 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.654 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 9.628 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.748), Vĩnh Long (1.223), Tây Ninh (947), Khánh Hòa (785), Bình Phước (728), TP. Hồ Chí Minh (569), Trà Vinh (563), Bình Định (521), Cà Mau (498), Đồng Tháp (405), Bạc Liêu (399), Bắc Ninh (368), Thừa Thiên Huế (350), Phú Yên (283), Cần Thơ (276), An Giang (265), Lâm Đồng (265), Quảng Ninh (254), Kiên Giang (247), Hưng Yên (245), Bình Thuận (211), Thanh Hóa (210), Đồng Nai (203), Tiền Giang (195), Đà Nẵng (188), Quảng Nam (181), Sóc Trăng (180), Hậu Giang (170), Bến Tre (161), Gia Lai (145), Quảng Ngãi (145), Nghệ An (143), Hà Giang (143), Hải Phòng (116), Đắk Nông (114), Bình Dương (105), Bà Rịa - Vũng Tàu (104), Vĩnh Phúc (96), Nam Định (93), Hà Nam (88), Ninh Bình (72), Bắc Giang (69), Sơn La (67), Hòa Bình (62), Ninh Thuận (61), Thái Nguyên (58), Phú Thọ (55), Long An (51), Quảng Bình (51), Quảng Trị (47), Đắk Lắk (40), Thái Bình (37), Kon Tum (36), Lào Cai (31), Lạng Sơn (30), Điện Biên (29), Cao Bằng (26), Bắc Kạn (25), Yên Bái (18), Tuyên Quang (11), Hà Tĩnh (8), Lai Châu (8)

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (-565), Hải Phòng (-404), Bình Phước (-275).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (+171), Vĩnh Long (+143), Quảng Ninh (+99).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.232 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.Hồ Chí Minh (5).

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.746.092 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.706 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.740.340 ca, trong đó có 1.355.459 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (503.813), Bình Dương (290.776), Đồng Nai (97.921), Tây Ninh (76.056), Hà Nội (47.586).

Số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố trong ngày là 2.990 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 1.358.276 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.304 ca.

Số bệnh nhân tử vong:

Từ 17h30 ngày 31/12/2021 đến 17h30 ngày 01/01/2022 ghi nhận 216 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (33) trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (1), Long An (1), Cà Mau (1), Cần Thơ (1), Trà Vinh (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (26), Vĩnh Long (16), Bà Rịa - Vũng Tàu (15), Bến Tre (14), Cần Thơ (14), Kiên giang (13), Sóc Trăng (12), Đồng Tháp (12), Tây Ninh (11), An Giang (10), Tiền Giang (9), Bình Dương (7), Trà Vinh (5), Cà Mau (5), Bình Thuận (3), Bình Định (2), Khánh hòa (2), Bình Phước (2), Long An (2), Bạc Liêu (2), Đà Nẵng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 222 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.610 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Cô gái trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19

Chiều 1/1 Sở Y tế tỉnh Lào Cai đã có thông cáo báo chí về tình hình dịch Covid-19 trong đó thông tin về trường hợp tử vong sau tiêm phòng vắc-xin Covid-19 tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

img

Tiêm vắc-xin Covid-19 - Ảnh minh hoạ.

Trường hợp tử vong này là chị P.S.M., sinh năm 1998, trú tại thị xã Sa Pa. Khoảng 15h30 ngày 30/12/2021, chị M. đến Phòng khám đa khoa khu vực Bản Khoang, thị xã Sa Pa, để tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19. Chị M. đã được nhân viên y tế tại đây tư vấn y tế theo quy định. Bệnh nhân đồng ý và xác nhận vào Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Khoảng 30 phút sau khi tiêm, chị M. cảm thấy mệt mỏi, tức ngực, khó thở, đau bụng và buồn nôn. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa và được kíp cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong vào lúc 21h cùng ngày.

Ngay sau khi nhận được báo cáo, Sở Y tế Lào Cai đã thành lập đoàn điều tra, đánh giá nguyên nhân của trường hợp này. Kết quả xác nhận, nguồn gốc vắc-xin; quá trình vận chuyển, bảo quản; thực hành tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế. Bệnh nhân được tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 ngày 21/11/2021, không có phản ứng sau tiêm.

Bệnh nhân là người tiêm thứ 2 của lọ vắc-xin Covid-19 Comirnaty (Pfizer). Lọ vắc-xin được tiêm cho 6 người. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của 5 người khác tiêm cùng lọ vắc-xin với chị S. đều ổn định, bình thường.

Tính đến hết ngày 30/12/2021, điểm tiêm Phòng khám Đa khoa khu vực Bản Khoang đã tiêm cho 573 người bằng vắc-xin Comirnaty (Pfizer) cùng lô vắc-xin tiêm cho bệnh nhân. Lô vắc-xin này cũng được tiêm cho 10.635 người dân trên địa bàn thị xã Sa Pa và 29.334 người trong toàn tỉnh, không có trường hợp nào có biểu hiện và diễn biến như bệnh nhân P.S.M..

Ngày 31/12/2021, Hội đồng Tư vấn chuyên môn của Sở Y tế Lào Cai đã tiến hành họp và sơ bộ nhận định, bệnh nhân P.S.M. tử vong do phản ứng phản vệ độ 4 sau tiêm vắc-xin Covid-19 do đặc tính cố hữu của vắc-xin; không liên quan tới quy trình tiêm chủng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vắc-xin.

Hơn 7.200 bệnh nhân nặng đang điều trị

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.731.257 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.550 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.725.518 ca, trong đó có 1.352.469 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (503.244), Bình Dương (290.671), Đồng Nai (97.718), Tây Ninh (75.109), Hà Nội (45.838).

img

Cập nhật tình hình Covid-19 ngày 1/1/2022

Về tình hình các bệnh nhân, tính đến hôm nay, tổng số ca được điều trị khỏi: 1.355.286 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.291 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.195 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.145 ca; Thở máy không xâm lấn: 159 ca; Thở máy xâm lấn: 773 ca; ECMO: 19 ca.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 225 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.394 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.308.498 mẫu tương đương 74.782.912 lượt người, tăng 87.124 mẫu so với ngày trước đó.

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 150.935.915 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.555.511 liều, tiêm mũi 2 là 68.435.813 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 4.944.591 liều.

Hà Nội vẫn ở cấp độ 2

Tối 31/12, UBND TP Hà Nội phát đi thông báo đánh giá cấp độ trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, dịch bệnh ở quy mô cấp thành phố của Hà Nội vẫn ở cấp độ 2. Tuy nhiên, tính theo quy mô cấp quận, huyện, thị xã thì thành phố đang có 10 địa phương có dịch ở cấp độ 3; 18 địa phương ở cấp độ 2 (tức vùng vàng) và 2 địa phương có dịch ở cấp độ 1 (tức vùng xanh).

img

Theo đánh giá mới nhất, Hà Nội vẫn ở cấp độ dịch 2 (Ảnh người dân quận Long Biên chờ xét nghiệm Covid-19)

10 địa phương "vùng cam" gồm 8 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân và 2 huyện: Thanh Trì, Gia Lâm.

Như vậy, so với thông báo vào tuần trước, dịch ở quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì và huyện Gia Lâm đã chuyển từ cấp độ 2 lên cấp độ 3. Riêng cấp độ dịch ở quận Đống Đa chuyển từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2.

Ở quy mô cấp xã, phường, thị trấn, Hà Nội đang ghi nhận 111 địa phương có dịch ở cấp độ 3, 278 địa phương ở cấp độ 2 và 190 địa phương ở cấp độ 1.

Mới đây, trước những nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng Omicron, UBND Hà Nội khuyến cáo người dân có việc cần thiết mới ra ngoài trong dịp Tết.

Thành phố cũng yêu cầu UBND, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch trên địa bàn để áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp; tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện; rà soát lại trang thiết bị y tế tại các trạm y tế lưu động, như ô xy, thuốc điều trị, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu…

Ngày 25/12 vừa qua, ngay sau khi Hà Nội công bố cấp độ dịch trên địa bàn, nhiều quận "vùng cam" đã lập tức điều chỉnh các biện pháp chống dịch theo hướng siết chặt các hoạt động đông người, có nguy cơ lây lan dịch bệnh; cấm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng phục vụ tại chỗ, chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

TP.HCM cho phép học sinh lớp 7, 8, 10, 11 đi học lại

Ngày 31/12, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký thông báo “khẩn” về việc tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành TP.HCM, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch ngày 30/11 của UBND TP.HCM về tổ chức học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM năm học 2021-2022.

Các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 (riêng xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ: học sinh từ lớp 1-12), từ ngày 4/1/2022.

img

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) học trên lớp ngày 13/12. (Ảnh: Mai Thúy)

Các trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được tổ chức học tập trực tiếp khi đảm bảo các điều kiện: Được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Đức hoặc các quận kiểm tra, thẩm định kế hoạch và phương án phòng, chống dịch Covid-19 trước khi tổ chức học tập trực tiếp;

Người tham gia giảng dạy, làm việc và học tập đảm bảo phải tiêm ít nhất 1 liều vắc xin (đối với vắc xin yêu cầu tiêm 2 liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, người thuộc diện phải tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế về chống chỉ định.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Sở GDĐT chủ động phối hợp với Sở Y tế rà soát, tham mưu việc điều chỉnh Bộ Tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục (khi cần thiết); Kịp thời tham mưu UBND TP việc mở rộng dạy học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 cho học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và trẻ mầm non...

Được biết, hơn 100.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 đã đi học trực tiếp từ ngày 13/12 theo kế hoạch của UBND TP.HCM.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.