Xã hội

Cử tri có được nhờ người khác đi bầu cử thay không?

20/05/2021, 12:43

Theo quy định, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

img

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân tham gia bầu cử sớm tại Khu vực bỏ phiếu số 9

Không được nhờ người khác đi bầu cử thay

Chỉ còn 3 ngày nữa là chính thức diễn ra cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026. Báo Giao thông nhận được nhiều câu hỏi của cử tri liên quan đến công tác bầu cử như: "Cử tri có được nhờ người đi bầu hộ không?"; "Một gia đình có nhiều cử tri, có thể cử một người đi bỏ phiếu cho cả nhà không?"; "Người đang hưởng án treo có được đi bỏ phiếu?"...

Về những thắc mắc trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, Điều 69 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nêu rõ nguyên tắc bỏ phiếu: Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

"Việc bầu cử hộ là vi phạm pháp luật mà còn làm sai lệch kết quả bầu cử. Bên cạnh đó, nếu cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu", luật sư Bình phân tích.img

Những người bị kết án phạt tù nhưng được hoãn chấp hành hình phạt tù vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử (ảnh minh họa)

Người đang bị án treo vẫn có thể được đi bầu cử

Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho hay, theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, công dân từ đủ 18 tuổi tính đến ngày bầu cử 23/5/2021 được xác định là đủ tuổi để được ghi vào danh sách cử tri.

"Tuổi của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ấn định (ngày 23/5/2021). Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào thông tin ghi trong Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử. Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng sinh dương lịch của năm sau", luật sư Bình phân tích.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 1 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 1/1 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: "Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

"Như vậy, công dân bị tòa án kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo, nếu trong bản án không ghi hình phạt bị tước quyền bầu cử vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri", luật sư Bình cho hay.

Cũng theo luật sư Bình, khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định, những người bị kết án phạt tù nhưng được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì không được tính là đang trong thời hạn chấp hành hình phạt tù và vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử.

Theo hướng dẫn của Uỷ ban Bầu cử, về trường hợp cử tri bị đi cách ly tập trung, chậm nhất 24 giờ trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, thì người phụ trách cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm lập danh sách và thông báo đến UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cách ly tập trung theo quy định. Đồng thời, thông báo ngay đến UBND cấp xã nơi cử tri đã có tên trong danh sách cử tri trước đó để cập nhật thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.