Xã hội

Cửa khẩu tắc nghẽn, vì sao mỗi ngày vẫn có gần 1.000 xe dồn về Lạng Sơn?

17/12/2021, 21:26

Dù các cửa khẩu tại Lạng Sơn vẫn đang tắc nghẽn, không thể thông thương nhưng mỗi ngày vẫn có gần 1.000 xe nông sản dồn về.

Ngày 17/12, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, đến hết ngày 16/12, tại các cửa khẩu tại Lạng Sơn đang ùn ứ 4.581 xe nông sản chưa thể xuất khẩu.

Trong khi đó, 3 ngày nay, với lý do phòng chống dịch bệnh, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tạm dừng thông quan tại Cửa khẩu Tân Thanh.

img

Hiện nay đang có 4.581 xe ùn ứ, chưa thể thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh NNVN.

Lượng hàng hóa thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng hạn chế, dưới 100 xe/ngày.

Dù UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản khuyến cáo các tỉnh, thành, doanh nghiệp lớn không tiếp tục đưa hàng đến Lạng Sơn.

Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày đều có từ 700 đến 800 xe vận chuyển nông sản đổ dồn về Lạng Sơn.

img

Container xếp như nêm tại các bến, bãi ở Lạng Sơn. Ảnh NNVN.

Theo Sở Công thương Lạng Sơn, tuy chưa thể thông quan, chất lượng hàng hóa giảm, chi phí bến bãi tăng cao nhưng hiện nay thị trường Trung Quốc đang khan hiếm hàng hóa nông sản nghiêm trọng.

Do vậy, mỗi xe nông sản thông quan đều được thương nhân nước bạn săn đón, trả giá cao gấp nhiều lần. Thế nên, dù ách tắc dài ngày nhưng các doanh nghiệp vẫn đưa xe về Lạng Sơn để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

img

Các tuyến đường dẫn đến cửa khẩu tại Lạng Sơn cũng đang ách tắc cục bộ. Ảnh NNVN.

Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: Do số lượng xe ùn tắc quá nhiều đã gây áp lực lớn cho các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn khi phải căng mình bảo đảm ANTT, ATGT, phòng chống dịch bệnh...

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động đàm phán với cơ quan chức năng đồng cấp nước bạn nhưng không thu được kết quả khả quan do phía bạn vẫn đặt mục tiêu giữ sạch Covid-19 nên quy trình thông quan rất nghiêm ngặt.

Trước tình trạng trên, Sở Công thương và UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ sớm tổ chức đàm phán cấp nhà nước với nước bạn để có giải pháp thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.