Thế giới giao thông

Cuộc đua giành đất “vàng” đặt trạm sạc xe điện

21/12/2023, 09:03

Khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới cấm ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, ngành ô tô điện nói chung và trạm sạc xe điện nói riêng càng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Lúc này, cuộc đua không chỉ còn ở công nghệ mà còn ở việc ai sở hữu đất "vàng" để đặt trạm sạc.

Đã có hơn 900 công ty sạc xe điện

Theo phân tích của Reuters, hiện có hơn 900 công ty sạc xe điện trên toàn cầu. Ngành này đã thu hút hơn 12 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm kể từ năm 2012.

Các tập đoàn như Volkswagen và BP, E.ON đều đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp này kể từ năm 2017.

Cuộc đua giành đất “vàng” đặt trạm sạc xe điện - Ảnh 1.

Một trạm sạc xe điện của Tesla tại Mỹ.

Riêng tại Anh, đã có hơn 30 nhà vận hành trạm sạc nhanh và tiếp tục đón thêm các "tân binh". Điển hình là hai công ty mới vừa ra mắt vào tháng trước là Jolt, được quỹ hạ tầng BlackRock hậu thuẫn và Công ty Zapgo, được quỹ lương OPTrust rót 31,4 triệu USD.

Tại thị trường Mỹ, Tesla là công ty lớn nhất nhưng ngày càng nhiều trạm sạc nhiên liệu, cửa hàng tiện lợi sớm ra nhập thị trường đầy cạnh tranh này.

Trong xu hướng này, các công ty sản xuất sạc xe điện tại châu Âu và Mỹ đã bước vào cuộc đấu tranh giành "đất vàng" để đặt trạm sạc nhanh công cộng.

Cuộc đấu giành chỗ đặt trạm sạc gắt gao đến mức ông Tomi Ristimaki, Giám đốc điều hành nhà sản xuất sạc xe đện Phần Lan Kempower mô tả như một cuộc đua giành đất đai.

"Ai nhận được địa điểm tốt nhất, người đó có thể đảm bảo cho việc kinh doanh nguồn nhiên liệu trong những năm sắp tới", ông Tomi nói.

Dù ước tính phải mất khoảng 4 năm để một trạm sạc xe điện đặt ở nơi phù hợp bắt đầu có lợi nhuận, lúc đó mức độ sử dụng đạt khoảng 15% nhưng ngành này vẫn được các nhà đầu tư dài hạn như Infracapital (tập đoàn sở hữu Recharge của Na Uy) coi là khoản đầu tư tốt.

"Bởi có địa điểm phù hợp, các khoản đầu tư dài hạn vào các công ty cung cấp dịch vụ sạc xe điện chắc chắn sẽ sinh lời", ông Christophe Bordes, Giám đốc quản lý Infracapital nhận định.

Giải thích thêm ông Michael Hughes - CEO ChargePoint (một trong nhưng nhà cung cấp phần mềm thiết bị sạc xe điện lớn nhất) tin rằng, những công ty lớn sẽ nhìn xa hơn, không chỉ nhìn vào mục đích trạm sạc mà hướng tới khả năng có thể xây dựng những bất động sản mới hoặc các siêu trung tâm sạc với 20-30 máy sạc, xung quanh các cửa hàng bán lẻ, tiện ích.

Trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, một số công ty tìm cách giành hợp đồng đặt trạm sạc độc quyền cho các doanh nghiệp.

Chẳng hạn công ty InstaVolt của Vương quốc Anh (thuộc sở hữu của EQT) đã đạt được thỏa thuận với các công ty như EVAdoption để xây dựng các trạm sạc tại cơ sở hạ tầng của họ.

Giám đốc điều hành InstaVolt Adrian Keen khẳng định việc thiết lập những mối quan hệ như vậy rất quan trọng.

Trong khi đó, một số đơn vị khi muốn tìm đất để xây dựng trạm sạc phải thuê đội ngũ nhân viên địa phương thông hiểu thực địa để có cái nhìn đúng nhất về địa điểm đặt trạm.

Đây là cách công ty sạc Utility EnBW (EBKG.DE) thực hiện. Công ty này hiện có 3.500 điểm sạc xe điện ở Đức, chiếm khoảng 20% thị trường. Họ đang đầu tư 200 triệu euro (215 triệu USD) hằng năm để đạt 30.000 điểm sạc vào năm 2030.

Phó chủ tịch kinh doanh của Utility EnBW, ông Lars Walch cho biết, đơn vị này cũng đã hình thành quan hệ đối tác mạng lưới sạc ở Áo, Cộng hòa Séc và miền Bắc nước Ý.

Một chiêu khác mà nhiều đơn vị như Zapgo - công ty mới gia nhập Vương quốc Anh (được OPTrust hậu thuẫn) đang thực hiện là tìm đến các vùng đất còn ít người quan tâm ở Tây Nam nước Anh để có được những vị trí tốt. Họ chọn cách cắt cho các chủ đất một phần doanh thu sạc.

Giám đốc điều hành Zapgo – ông Steve Leighton kỳ vọng, vào năm 2030 công ty có kế hoạch sản xuất 4.000 bộ sạc.

Hệ lụy từ cuộc cạnh tranh quá gay gắt

Song, theo các chuyên gia, từ cuộc cạnh tranh quá gắt gao này có thể dẫn đến một đợt sáp nhập, thâu tóm. Bởi những công ty quá bé sẽ không chịu được áp lực trong khi có rất nhiều ông lớn, "mạnh về gạo, bạo về tiền" lấn sân.

Cuộc đua giành đất “vàng” đặt trạm sạc xe điện - Ảnh 2.

Một trạm sạc của EVBox.

Ông Michael Hughes, Giám đốc thương mại của ChargePoint – một trong những nhà cung cấp phần mềm, thiết bị sạc xe điện lớn nhất nhận định, nếu các nhà đầu tư lớn đổ tiền để hợp nhất các công ty xe điện, bức tranh hệ thống sạc nhanh sẽ khác so với hiện nay.

Giám đốc điều hành Recharge (công ty chiếm khoảng 20% thị phần ở Na Uy) - Hakon Vist cho biết, thực tế tại Na Uy - thị trường xe điện hàng đầu, đã phải hứng chịu tình trạng "triển khai quá mức" chỉ trong thời gian ngắn khi các công ty đua nhau xây dựng trạm sạc.

Tính đến tháng 10 năm nay, thị trường đã có thêm 2.000 điểm sạc mới, đạt tổng số 7.200 trạm, nhưng doanh số bán xe điện lại giảm 2,7%.

CEO Recharge cho biết: "Một số công ty tự nhận thấy họ quá nhỏ bé để đáp ứng yêu cầu của khách hàng nên quyết định dừng lại hoặc bán cho công ty khác. Trong khi, nhiều công ty mới thành lập với mục đích để mua lại".

Cùng chung ý kiến với các CEO kể trên, CEO Zapgo cũng dự đoán đến cuối thập kỷ này khả năng sẽ xảy ra hợp nhất các trạm sạc và điều đó chắc chắn phụ thuộc vào đơn vị nào mạnh hơn. "Các nhà đầu tư nào có nhiều tiền nhất sẽ thực hiện việc hợp nhất", ông Leighton nói.

Theo ông Loren McDonald, CEO EVAdoption, thị trường sạc điện sẽ thay đổi chóng mặt khi các chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K và Pilot Company, cũng như các đại gia bán lẻ như Walmart (WMT.N) đầu tư ồ ạt vào các trạm sạc.

Ông Loren McDonald, CEO EVAdoption cho biết, giống như tất cả các ngành khác, khởi đầu đều xuất phát từ một loạt công ty khởi nghiệp nhỏ nhưng theo thời gian, các ông lớn đã nhảy vào và… hợp nhất. "Ước tính, đến cuối thập kỷ này, logo của các công ty trạm sạc sẽ rất khác biệt", ông McDonald nói và ám chỉ đến việc các công ty bị sáp nhập, thay đổi sau cạnh tranh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.