Hồ sơ tài liệu

Cuộc đua Tổng thống Mỹ có cơ hội cho ứng viên thứ 3

11/08/2016, 07:17

Cuộc đua chức Tổng thống Mỹ ngày càng rối, tạo môi trường thuận lợi cho ứng viên đảng thứ ba chen vào.

gjpoint

Ông Gary Johnson thuộc Đảng Tự do cần mẫn “hút phiếu” của ứng viên Trump

Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump lại khiến dư luận Mỹ "nổ tung" khi buông lời ám chỉ kêu gọi “ám sát” ứng viên đối thủ trong khi bà Hillary tiếp tục bị tố “không trong sạch” khiến cuộc đua Tổng thống Mỹ ngày càng rối, tạo môi trường thuận lợi cho ứng viên đảng thứ ba chen vào.

Đùa chút thôi!

Sự việc bắt nguồn từ bài phát biểu của Donald Trump tại cuộc vận động bầu cử ở TP Wilmington, bang North Carolina ngày 9/8. Ông Trump nói: “Hillary muốn xóa bỏ Tu chính án số 2 về quyền sở hữu súng trong Hiến pháp. Nếu Hillary được chọn làm Tổng thống, bà ta sẽ chọn thẩm phán về phe mình và các bạn không có cơ hội để giữ Tu chính án số 2 (quy định súng đạn là phương tiện để bảo vệ an ninh Quốc gia và mọi người dân đều có quyền tự do vũ trang)”.

Ông Trump kết thúc bằng câu nói lửng lơ: Những người ủng hộ Tu chính án số 2, có lẽ.... làm gì đó... Tôi không biết nữa... Nhưng tôi muốn cảnh báo các bạn, một khi Hillary đưa thẩm phán của mình vào Bồi thẩm đoàn, đó sẽ là ngày tồi tệ nhất. Lúc đó, chúng ta chỉ có bó tay”. Những câu nói ẩn ý và lửng lơ khiến một bộ phận lớn các nhà phê bình và truyền thông thế giới (bao gồm CNN, The Independent, Washington Post...) nghi ngờ Donald Trump ngầm kêu gọi người ủng hộ Tu chính án số 2 ám sát bà Clinton.

Để đỡ lời, cố vấn truyền thông cấp cao của Donald Trump giải thích, ứng viên tỷ phú không đả động gì tới việc ám sát, ngoài kêu gọi mọi người ủng hộ Tu chính án số 2. Song, các nhà bình luận vẫn “chộp lấy”, chỉ trích gay gắt rằng, điều này chứng tỏ ứng viên này không đủ tiêu chuẩn làm Tổng thống.

Cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) Michael Hayden, thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa nói: Đây không chỉ là câu nói đùa tệ hại về việc ám sát chính trị mà còn cho thấy, Donald Trump thiếu nhạy cảm về lịch sử ám sát trên chính trường Mỹ”. Ông Michael Hayden là 1 trong 50 quan chức cấp cao của Đảng Cộng hòa công bố bức thư trong đó khẳng định, ông Trump không phù hợp để chạy đua ghế Nhà Trắng. Bên cạnh đó, Giám đốc truyền thông Bộ Nội vụ Mỹ Cathy Milhoan cho hay, Bộ này đã biết về bình luận của ông Trump”. Theo ông, “bạn không chỉ phải chịu trách nhiệm vì những gì bạn nói mà còn cả những gì mọi người nghe từ bạn” - ý nói, ông Trump cần phải rạch ròi ngôn từ để người nghe không hiểu nhầm.

Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ Raul Ryan thuộc Đảng Cộng hòa, Donald Trump chỉ nói đùa nhưng đây là câu đùa tệ hại và ứng viên này cần giải thích rõ. Mặt khác, Hiệp hội Súng trường Quốc gia cho biết, ông Trump có “quyền” và khuyến khích các thành viên của Hiệp hội đi bỏ phiếu bầu Tổng thống trong ngày bầu cử tháng 11 để đảm bảo Tu chính án số 2.

Dù chưa rõ, lúc đó, ứng viên tỷ phú thực sự nghĩ gì hay chỉ “vạ miệng” nhưng Washington Post phân tích: Đầu tiên Trump thu hút sự chú ý bằng phát ngôn gây sốc. Sau đó, chờ đợi một loạt phản ứng trái chiều chĩa tới đẩy cái tên Donald Trump xuất hiện “chễm chệ” trên tít báo. Cuối cùng, bản thân ứng viên, các trợ thủ hoặc người ủng hộ lên truyền thông chỉ trích ngược báo chí vặn vẹo câu chữ hoặc hiểu nhầm ý. Donald Trump từng khuấy động dư luận khi “mời” Nga tấn công email của đối thủ Clinton. Vài ngày sau, Trump nói ráo hoảnh - Đùa chút thôi!

Hillary tham nhũng?

Trong khi ứng viên Donald Trump gặp rắc rối với phát ngôn vạ miệng, ứng viên Hillary Clinton cũng không mấy khá khẩm vì tiếp tục dính nghi ngờ không trong sạch.

Theo CNN, ngày 10/8, Tổ chức quan sát Judicial Watch công bố 296 trang email của bà Hillary; Trong đó, 44 email chưa được bà Clinton giao nộp cho Bộ Ngoại giao. Sự việc này khiến dư luận nghi ngờ bản chất mối quan hệ giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với Quỹ Clinton; ngờ vực Quỹ Clinton gây ảnh hưởng lên Bộ Ngoại giao trong thời gian bà Clinton nhậm chức.

Chủ tịch Judicial Watch Tom Filton cho rằng, bà Clinton cố tình “giấu nhẹm” 44 email. “Số email này cho thấy Quỹ Clinton, các nhà tài trợ và những người làm việc với bà Clinton có khả năng đã vi phạm luật pháp”, ông Tom nói. Về phần mình, đội vận động của bà Clinton khẳng định, các email trên không liên quan tới công việc tại Quỹ Clinton. Tận dụng sự kiện này, đội vận động của ông Trump chỉ trích đây là bằng chứng cho thấy bà Clinton tham nhũng.

Hai ứng cử viên Tổng thống của chính đảng Mỹ liên tiếp dính tin đồn và bê bối khiến nhiều cử tri Mỹ cảm thấy mệt mỏi. Nhân cơ hội này, một số đảng thứ ba của Mỹ tính chuyện tranh cử. Trong khi, ông Gary Johnson thuộc Đảng Tự do cần mẫn “hút phiếu” của ứng viên Trump tại Đảng Cộng hòa thì ứng viên Đảng Xanh Jill Stein (từng tuyên bố có quan điểm giống ứng viên Bernie Sanders) chăm chỉ “hút” phiếu từ bà Clinton.

Song, trong bối cảnh chỉ còn 3 tháng nữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đến hồi kết, các ứng viên của đảng thứ 3 với tiềm lực yếu cả về quyền lực chính trị và kinh tế, đang ngoi ngóp từ những bước đầu, khó có thể tạo đột phá. Ứng viên đảng thứ 3 lật đổ đối thủ nặng ký đến từ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ là tiền lệ chưa từng xảy ra tại Mỹ, theo Washington Post.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.