Đường bộ

Cuối năm 2023 sẽ có kết quả nghiên cứu việc dùng cát biển thi công cao tốc

13/01/2023, 15:24

Dự kiến, tháng 12/2023, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ công bố sự phù hợp, mức độ an toàn của việc dùng cát biển trong thi công đường bộ cao tốc.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 về tình hình nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp cho các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, theo báo cáo, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL (khởi công trong giai đoạn 2022 - 2025) lên tới 40 triệu m3. Trong đó, năm 2023 cần khoảng 17 triệu m3, năm 2024 - 2025 cần khoảng 23 triệu m3.

img

Ước tính, tổng nhu cầu cát đắp tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua khu vực ĐBSCL là hơn 18 triệu m3 - Ảnh minh họa.

Ngoài ra, nhu cầu cát làm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương khu vực ĐBSCL đến năm 2030 lên tới hàng trăm triệu m3. Trong khi đó, nguồn cát từ khai thác cát lòng sông chỉ đáp ứng được khoảng 50% trữ lượng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị nguồn vật liệu đắp nền (cát, đất…) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL" để đánh giá tài nguyên cát biển.

"Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết sẽ có kết quả giai đoạn 1 trong tháng 8/2023 và báo cáo toàn bộ tài nguyên trữ lượng tại khu vực trong tháng 12/2023", ông Kiên khẳng định.

"Dự kiến, cuối năm 2023, chúng tôi có thể công bố kết quả việc sử dụng cát biển có đáp ứng, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, an toàn môi trường xung quanh trong sử dụng đắp nền thi công cao tốc", ông Kiên thông tin thêm.

Trước đó, báo cáo tình hình triển khai vật liệu triển khai hai dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền đường cần khoảng 18,5 triệu m3.

Trong đó, năm 2023, nhu cầu vật liệu cho hai dự án thành phần khoảng gần 12 triệu m3.

Đến nay, mới chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Các địa phương khác trong khu vực đều chưa có kế hoạch.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản gửi các tỉnh hỗ trợ giới thiệu, xác định vị trí mỏ vật liệu thuận lợi nhất để giới thiệu, cấp phép khai thác trực tiếp cho nhà thầu, tạo thuận lợi cho quá trình thi công dự án.

“Đối với việc cấp mỏ mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang yêu cầu các địa phương có văn bản gửi Bộ TN-MT và Bộ GTVT trước ngày 10/1 kế hoạch bố trí vật liệu cát cho dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.