Xã hội

Cựu binh “mở đường sống” cho dân từ lưng chừng giời

22/06/2022, 07:54

Một người chỉ học đến lớp 3 nhưng nhờ sự sáng dạ, lòng kiên trì, nghĩ vì tương lai thế hệ con cháu người Cơ Tu đã làm được một việc không tưởng.

Ông là CLâu BLao, vừa bước qua tuổi 75, ở làng Voòng, xã Tr’hy, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

img

Con đường già CLâu BLao mở ngày xưa giờ đã được nâng cấp, trải nhựa

Leo cây, tìm hướng vạch đường

Từ Đà Nẵng, sau gần nửa ngày đường đi xe máy, thôn Voòng (xã Tr’hy, huyện Tây Giang) đón tôi bằng cơn mưa nặng hạt. Hỏi nhà ông CLâu BLao, tôi được một thanh niên dẫn đến tận cửa.

Nhắc đến chuyện mở đường, ông bảo nghĩ ra cũng từ cái khổ của bà con người dân khu 7 vùng biên giới Việt - Lào.

Ông kể, năm 1964, ông làm giao liên, từ Tr’hy đi về như cơm bữa vùng xã Lăng. Đường dốc cao 90 độ, đi ròng rã 2 ngày đường, không nước uống.

Đến năm 1967, ông xung phong ra mặt trận, vận chuyển lương thực cho bộ đội, một thời gian sau làm cán bộ quân y.

Giữa năm 1968, một lần ông đi xuống, gặp một người đang ở đỉnh dốc Pà Dĩ nằm trong chiếc võng, người phờ phạc vì đói, khát.

Ông bẻ nửa củ sắn cho người đó dằn bụng. Xuống dốc, ngay suối Tà Kon, lại gặp một người nữa cũng vậy. Hôm sau quay về, hai người đó đã chết vì khát.

Bao ngày cầm súng đi săn, tháng này qua năm nọ, ông cố nghĩ cho ra con đường, làm sao cho bớt khổ. Lúc đó ông nghĩ, cứ mãi đi theo đường cũ thì làm sao thoát khổ được.

img

Ông CLâu BLao bên trang giấy ố vàng chấm công người tham gia mở đường

“Không có đường, mỗi khi có người ốm đau, người dân vùng khu 7 thay nhau gùi, vượt rừng núi xuống trung tâm huyện chữa trị. Có người bệnh nặng, không đưa ra kịp, chết bỏ mạng giữa rừng. Nhiều trường hợp giáo viên cũng xin nghỉ việc, bỏ nghề vì đường sá quá gian nan, nguy hiểm”, ông BLao nhớ lại.

Thế là ông leo lên cây tìm hướng, vạch đường. Năm 1981, khi đó ông là thành viên ủy ban xã Tr’hy, ông đưa việc mở đường ra hội nghị Đảng ủy xã, quyết cho làm đường.

Người anh ruột của ông làm chủ tịch xã Tr’hy hỏi: “Em nghĩ kỹ chưa? Kỹ rồi thì làm đi”. Vậy là ông chỉ huy 7 thanh niên gùi gạo, muối, cầm rựa vào rừng.

Gần 1 tuần lễ nhịp điệu cứ xoay vần: Trèo lên cây, lựa cây cao nhất, nhắm từ đồi này qua đồi kia cũng có cây cao nhất, vạch đường, tìm đường đi ngắn nhất, dễ nhất và đánh dấu vào cây rừng.

Nói về cách định hướng tuyến mở đường, ông nói: “Khi đi làm giao liên, nghe nói dưới xuôi, ngày xưa người Tàu qua đây làm dấu làng xóm bằng cây gạo. Đến mùa nó ra hoa đỏ, cứ nhắm cây đó là biết làng. Học theo, tôi lấy màu đỏ từ tấm đồ khoác xé ra, làm hình thú vật, buộc vào ngọn cây”.

Chọn đường không phải như kỹ sư được đào tạo bài bản, là khảo sát thiết kế từ dưới lên, từ thấp lên cao, ở đây ông chọn đường từ trên cao xuống.

“Ở trên đỉnh núi bao giờ cũng bằng phẳng, nhưng nhìn từ đỉnh núi xuống theo đường phân thủy thì rất dốc, thẳng đứng như thác, còn nước chảy từ đỉnh xuống theo đường vòng thì nhẹ nhàng hơn. Mở đường, chọn tuyến cũng nhìn từ đường phân thủy, nên chọn cách đi đường vòng. Đường vòng mà phải làm rộng, ít nhất một mét hai, để sau này ô tô đi được”, ông cho biết.

Vượt qua lời thề “độc”

img

Ông BLao kể về ký ức mở đường

Tin ông tìm ra đường lan truyền như tiếng chiêng nhà Gươl. Dân làng các xã họp lại, bàn chuyện làm đường. Có người thề “độc”: “BLao làm được đường, tôi chặt bàn tay”. Có người lại cảnh báo: “Ai làm đường bị chết, khiêng đến cho BLao ăn”. Người lại hoài nghi: “Hồi mô đến giờ, cha ông có ai tìm ra đường đâu?”, “Tr’hy mà mở đường được đến xã Lăng, tôi bỏ làng ra đi”.

Đến vợ ông, bà Coor Bít cũng ngờ vực: “Ông có làm được không, hay có người làm đường ốm đau, tai nạn mà chết thì ăn nói với dân làng thế nào?”. Ông quả quyết: “Phải làm bằng được. Khó mấy cũng quyết mở đường. Có đường, con cháu Cơ Tu mới có tương lai”.

Tin ông, gần 500 người các thôn, làng Tr’hy cầm cuốc, thuổng, xẻng, cúp… gùi theo gạo, muối, khoai, sắn… tiếp bước chân ông vào rừng, bạt núi, chặt cây, mở đường. Ròng rã sau 1 tháng trời, khi những nhát cuốc vách núi cuối cùng, thôn làng Voòng (xã Tr’hy) hiện ra. Dân làng ôm nhau òa khóc, vui sướng.

Ông Briu Pố (80 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lăng (huyện Tây Giang) nói: “Người Cơ Tu ít chữ nghĩa, không biết nói lời hay, chứ cả khu 7 này ai cũng bảo “con đường lên khu 7 là con đường CLâu BLao”. Hàng chục km đường rừng mở ra, nỗi ám ảnh bao đời của người Cơ Tu đã chấm dứt”.

Theo ông Briu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang, năm 2003, huyện Hiên được chia thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang.

Tây Giang nằm dọc trên đỉnh Nam dải Trường Sơn có độ cao hơn 1.300m so với mặt nước biển.

Chia huyện, đường mới mở ra, các kỹ sư đi khảo sát đường vẫn không tìm ra con đường nào tốt hơn đường cũ mà ông BLao đã tìm. Kỹ sư làm đường tìm đến làng Voòng gặp, cảm ơn ông.

“Nếu không có tuyến đường già BLao mở, sẽ không có tuyến giao thông liên xã biên giới. Từ đó, không thể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 4 xã vùng biên”, ông Briu Liếc nói.

Con đường của ông CLâu BLao kéo dài hơn 50km từ xã Lăng đến xã Axan, nếu khảo sát ban đầu phải tốn hàng chục tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác.

Ngày nay, mặc dù con đường xưa đã được mở rộng bằng cơ giới và thảm nhựa phẳng phiu, song mỗi khi nhắc lại chuyện ông BLao mở đường, người dân bản địa ai cũng ghi nhớ ơn ông.

Nhắc đến chuyện khen thưởng công lao mở đường, ông BLao lấy từ trong tủ ra tập giấy ố vàng dài cả mét, lật giở đọc tên từng người, giọng ông trầm buồn kể, trong số gần 1.500 hộ dân vùng khu 7 Tây Giang lúc đó, có khoảng 500 người dân tham gia góp công mở đường. Chỉ tính riêng ở làng Voòng (xã Tr’hy) đã có hơn 100 người. Hơn 30 năm qua, nhiều người tham gia mở đường năm ấy đã qua đời, nhưng họ chưa hề kể sự đóng góp của mình.

“Ngày trước, ai đó bảo mình được thưởng trăm triệu tiền mở đường. Bà con nói cái bụng mình không thật. Không có đâu. Ghi nhận công lao mở đường, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua năm 1984 ở Đà Nẵng là bằng khen, 1 cái phích nước và 50 ngàn đồng”, ông BLao nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.