Pháp đình

Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng: Bị cáo không đòi doanh nghiệp đưa tiền, nhưng họ cứ đưa

25/12/2023, 16:54

Nói về việc nhận hối lộ, ông Tô Anh Dũng cho rằng bị cáo không đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa tiền. Trong khi đó, các doanh nghiệp cứ đưa rồi bị cáo nhận, đây là lỗi lầm lớn nhất của bị cáo.

Nhận tiền là lỗi lớn nhất của bị cáo

Chiều 25/12, khi tiếp tục xét hỏi các bị cáo có kháng cáo trong vụ chuyến bay giải cứu, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội thẩm vấn cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng (án sơ thẩm 16 năm tù về tội Nhận hối lộ).

Tại tòa hôm nay, ông Tô Anh Dũng xin giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng tình với những gì mà tòa án sơ thẩm đã quy kết trong bản án tuyên hôm 28/7.

Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng: Bị cáo không đòi doanh nghiệp đưa tiền, nhưng họ cứ đưa - Ảnh 1.

Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng bị tòa sơ thẩm tuyên 16 năm tù.

Trình bày căn cứ xin giảm án, ông Dũng nói rằng sau khi xem kỹ lại nội dung bản án sơ thẩm, bị cáo thấy còn một số điểm chưa thể hiện đầy đủ bản chất của hành vi vi phạm của bị cáo.

Theo ông Dũng, việc bị cáo tiếp xúc nhận tiền các doanh nghiệp, bản án đã nêu cô đọng. Song bị cáo xin thành thật là bản án chưa phản ánh hết tính khách quan liên quan hành vi của bị cáo.

Trong những lần gặp, bị cáo không hề dám thỏa thuận đồng ý với các đề nghị hay đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, cũng không đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa tiền. Trong khi đó, các doanh nghiệp cứ đưa tiền rồi bị cáo nhận, đây là lỗi lầm lớn nhất của bị cáo, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Bộ Ngoại giao.

"Việc bị cáo tiếp xúc với các doanh nghiệp đều do các doanh nghiệp chủ động", ông Dũng trần tình tại tòa phúc thẩm.

Về ý thức khắc phục hậu quả, bị cáo sinh năm 1964 cho rằng, ngay khi nhận ra lỗi lầm của mình, ông đã tỏ ra ăn năn hối lỗi và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, đồng thời tác động gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.

"Hơn 30 năm công tác dù ở cương vị nào, dù ở trong hay ngoài nước, bị cáo luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bị cáo còn hỗ trợ tham gia công tác chống dịch, đưa công dân về nước tránh dịch an toàn", cựu Thứ trưởng Ngoại giao nói và mong tòa xem xét.

Hai bị cáo không đòi Hoàng Văn Hưng bồi thường 800.000 USD

Cũng trong chiều nay, tòa phúc thẩm xét hỏi các bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky).

Đây là hai người có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, bị tòa tuyên án chung thân chiều 28/7 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng: Bị cáo không đòi doanh nghiệp đưa tiền, nhưng họ cứ đưa - Ảnh 4.

21 người kháng cáo trong tổng số 54 bị cáo của vụ án.

Trình bày với tòa, Nguyễn Thị Thanh Hằng (bị tòa sơ thẩm tuyên 11 năm tù do đưa hối lộ) đưa ra căn cứ để xin giảm nhẹ hình phạt, đó là việc vợ chồng bị cáo đều đang phải điều trị bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện. Tiếp đó, nữ bị cáo xin xét xử vắng mặt ở những ngày tiếp theo.

Đáng chú ý, quá trình khai báo tại tòa phúc thẩm, bị cáo Hằng bất ngờ xin thay đổi một phần nội dung kháng cáo. Cụ thể, nữ doanh nhân này rút kháng cáo đề nghị tòa tuyên buộc bị cáo Hoàng Văn Hưng trả lại hơn 18,8 tỷ đồng mà Hưng lừa đảo chiếm đoạt của Hằng và Sơn.

Đồng tình với Nguyễn Thị Thanh Hằng, bị cáo Lê Hồng Sơn (án sơ thẩm 10 năm tù) cũng xin thay đổi một phần nội dung kháng cáo về việc không yêu cầu Hưng phải trả lại số tiền nêu trên.

Lê Hồng Sơn còn cho rằng trong đại dịch Covid-19, bị cáo và doanh nghiệp đã đưa được số lượng công dân hồi hương nhiều nhất. Do đó, Sơn mong cấp phúc thẩm xem đây là tình tiết giảm nhẹ khi tòa lượng hình.

Bản án sơ thẩm nêu, từ tháng 4/2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương. Người dân chỉ cần trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó, các chuyến bay combo được thực hiện với việc người dân tự trả toàn bộ chi phí.

Quá trình thực hiện, các bị cáo đã lợi dụng vị trí công tác nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp chi tiền bôi trơn.

Từ năm 2020-2021, có 372 chuyến bay combo đã được tổ chức. Để được cấp phép chuyến bay, 20 doanh nghiệp đã đưa và nhận hối lộ tổng cộng 515 lần, với tổng số tiền 165 tỷ đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.