Xã hội

Đại biểu chất vấn "đề tài nghiên cứu cất ngăn tủ", Bộ trưởng KH&CN nói gì?

07/06/2023, 11:09

Sáng 7/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Bao nhiêu đề tài khoa học được ứng dụng, bao nhiêu đề tài trong ngăn kéo?

Tham gia chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, trong năm qua, có bao nhiêu đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước được đưa vào ứng dụng, bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

"Đâu là "điểm kích nổ" về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?", đại biểu Vân nêu vấn đề.

img

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mặc dù kinh tế hết sức khó khăn nhưng Chính phủ cũng kiến nghị và Quốc hội đã bố trí kinh phí cho ngành KH&CN với tỉ lệ là 0,64% GDP (kinh phí dành riêng cho hoạt động sự nghiệp KH&CN).

Nhận thấy câu trả lời này của Bộ trưởng chưa đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đại biểu không hỏi bố trí bao nhiêu tiền mà hỏi có bao nhiêu đề tài đã đưa vào sử dụng, có bao nhiêu đề tài đã ứng dụng được?

"Tức là kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng. Có bao nhiêu đề tài đang để ở trong ngăn kéo? Giải pháp để bứt phá về khoa học công nghệ, nhất là giải pháp quản lý Nhà nước thế nào?", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng cho biết, hoạt động khoa học công nghệ có tính đặc thù, đi tìm những cái mới nên có thể thành công, có thể không thành công, có thể thành công sớm hoặc có thể thành công muộn.

img

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Do đó, việc tính toán cụ thể có bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Theo Bộ trưởng, điều quan trọng là làm sao chúng ta xác định được những kết quả đó phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ví dụ, vừa qua, kết quả nghiên cứu góp phần nâng xếp hạng của các trường đại học của nước ta ở trong khu vực và quốc tế. Đã có 9 trường đại học của nước ta xuất hiện trên bản đồ xếp hạng của thế giới.

Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) băn khoăn khi nhiều đề tài còn cất ngăn tủ, ít được ứng dụng.

"Đây có phải là lãng phí và trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này? Bộ trưởng có thống kê được bao nhiêu đề tài nghiên cứu công nghệ cao ứng dụng vào thực tế? Tại sao nhiều đề tài nghiên cứu chưa được ứng dụng vào nông nghiệp?", đại biểu nêu.

Trả lời, Bộ trưởng KH&CN cho biết, khoa học công nghệ là ngành đặc thù, do vậy rất khó để đánh giá thành công của các đề tài nghiên cứu. Có những đề tài phải mất nhiều thời gian mới có thể ứng dụng vào thực tế và đánh giá mức độ thành công, do vậy không thể thống kê một cách đầy đủ và rất khó để thống kê hoàn chỉnh.

Bộ trưởng cho biết, sẽ cung cấp số liệu một cách đầy đủ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân chưa hài lòng với câu trả lời từ Bộ trưởng trước câu hỏi về "điểm kích nổ" trong chính sách giúp KH&CN Việt Nam bứt phá. Theo đại biểu, yếu tố quan trọng để KH&CN bứt phá là nhân tài.

"Chỉ có nhân tài KH&CN mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ Việt Nam. Nếu không có công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ thua xa các nước bên cạnh", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Đại biểu gợi ý Bộ trưởng về thứ tự ưu tiên lựa chọn chính sách để kích nổ trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm nhân tài trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật dụng mới...

Trước tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng KH&CN cảm ơn gợi ý của đại biểu Lê Thanh Vân về "điểm kích nổ" trong chính sách giúp KH&CN Việt Nam bứt phá.

Bộ trưởng cho biết, liên quan tới vấn đề con người, Bộ KH&CN đã có kế hoạch trình lên Quốc hội đề án về đội ngũ trí thức trong giai đoạn từ nay đến 2030, được thực hiện trong thời gian tới.

img

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai)

Băn khoăn vấn đề đăng ký quyền bảo hộ công nghệ bị tồn đọng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) nêu vấn đề: Người dân và doanh nghiệp bức xúc vấn đề đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa bị tồn đọng và không được giải quyết, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện Bộ KH&CN vẫn đang rất trăn trở về việc tồn đọng đơn xin cấp phép quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế do khả năng xử lý đơn của đơn vị vẫn còn hạn chế, một phần do số lượng đơn đăng ký tăng mạnh trong thời gian qua, một phần do đây là một lĩnh vực vẫn còn mới.

Thủ tục, quy trình xử lý đơn đăng ký vẫn còn chậm, chưa ứng dụng được các công nghệ và hạn chế về nguồn nhân lực dẫn đến số lượng đơn tồn đọng về đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu vẫn còn rất lớn.

Đến 31/12/2022, còn trên 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và khoảng hơn 20.000 đơn đăng ký bằng sáng chế chưa được xử lý.

Bộ trưởng cho biêt, Bộ KH&CN sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kết hợp với điều chỉnh các quy trình nhận và xét đơn, tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự để giúp xử lý vấn đề. Tuy nhiên, ít nhất phải đến năm 2025 hoặc 2026 mới có thể giải quyết vấn đề này.

img

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

Nhiều công nghệ mới về giao thông được triển khai

Trả lời đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) về giải pháp căn cơ thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ Việt Nam phát triển, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, các chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh đã có, quan trọng chúng ta áp dụng và triển khai ra sao trong thực tiễn.

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã ban hành các quy định, thông tư để thúc đẩy hoạt động này. Kết quả đạt được là nhiều công nghệ mới, tiên tiến được triển khai trong các lĩnh vực viễn thông, xây dựng, giao thông vận tải.

Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, giá trị sản xuất, giá trị sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Những kết quả này là sự cố gắng từ các cơ quan lãnh đạo từ Bộ KH&CN, các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, ngoài những thành tựu cũng còn những khó khăn, hạn chế, nhất là cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy tốt, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiểu quả; Nguồn lực từ ngân sách, từ doanh nghiệp cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh các cơ chế, chính sách. Bộ cũng sẽ điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn.

"Chúng tôi sẽ thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ phát triển công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam, đây là giải pháp rất căn cơ", ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.