Thế giới

Đại kế hoạch kết nối giao thông Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu

10/09/2023, 13:52

Mỹ, Ấn Độ và Liên Minh Châu Âu cùng nhiều nước khác vừa công bố dự án xây dựng cảng, đường sắt đa quốc gia nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu.

Xây dựng hai hành lang vận tải 

Theo hãng tin Reuters, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại New Delhi, Ấn Độ ngày 9/9, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Mỹ và một số quốc gia khác thuộc nhóm G20 đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC).

Đây là một trong những sáng kiến quan trọng mà Nhà Trắng đang thúc đẩy trên trường quốc tế.

Dự án nhằm kết nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu thông qua các tuyến đường sắt, đường thủy, cáp dữ liệu tốc độ cao và cả đường ống năng lượng.

Đại kế hoạch kết nối giao thông Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu  - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ ngày 9/9 (Ảnh: AFP).

Theo nội dung biên bản ghi nhớ, IMEC sẽ bao gồm hai hành lang vận tải riêng biệt là hành lang phía đông kết nối Ấn Độ với Vịnh Ba Tư và hành lang phía bắc kết nối Vịnh Ba Tư với châu Âu.

Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận IMEC nhằm kết nối các quốc gia Trung Đông bằng đường sắt và kết nối khu vực Trung Đông với Ấn Độ bằng cảng biển.

Từ đó, hỗ trợ việc vận chuyển năng lượng, trao đổi thương mại từ Vịnh Ba Tư tới châu Âu qua cắt ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, chi phí và lượng nhiên liệu sử dụng.

Bên cạnh xây dựng tuyến đường sắt và cảng biển, thỏa thuận còn bao gồm kế hoạch xây dựng cáp năng lượng, cáp viễn thông, truyền dữ liệu, đường ống vận chuyển năng lượng tái tạo là khí hydro để phục vụ cho mục đích sản xuất điện. 

Theo hãng tin Reuters, hiện chưa có thông tin về giá trị của thỏa thuận.

"Gieo mầm cho những giấc mơ lớn hơn"

Phát biểu tại lễ công bố thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá đây là “thỏa thuận lớn” nhằm kết nối các cảng tại châu Âu và Nam Á đồng thời góp phần xây dựng khu vực Trung Đông ổn định, thịnh vượng và hội nhập hơn.

Ông Biden cũng cho rằng thỏa thuận sẽ mở ra những “cơ hội không giới hạn” trong phát triển nguồn điện, năng lượng sạch và đặt các tuyến cáp dữ liệu để kết nối cộng đồng.

Đại kế hoạch kết nối giao thông Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu  - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9 (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định: “Ngày hôm nay (9/9), với việc đạt thỏa thuận về sáng kiến kết nối quy mô lớn, chúng ta đang gieo hạt mầm để những thế hệ tương lai có thể mơ những giấc mơ lớn hơn”.

Theo hãng tin AP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu là dự án mang tính lịch sử, sẽ giúp tăng tốc trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và châu Âu tới 40%.

Theo bà von der Leyen, dự án quy mô lớn bao gồm đường sắt, cảng biển, cáp điện, đường ống vận chuyển khí hydro, cáp truyền dữ liệu tốc độ cao sẽ là "cây cầu xanh và kỹ thuật số" xuyên qua các châu lục và nền văn minh.

Trao đổi thêm với truyền thông tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại New Delhi, ông Jon Finer - Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nêu ra ba lợi ích chính của dự án.

Lợi ích đầu tiên là hành lang kinh tế sẽ thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia tham gia dự án thông qua việc hỗ trợ vận chuyển năng lượng, truyền thông kỹ thuật số. Thứ hai, dự án sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho quá trình phát triển của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tham gia thỏa thuận. 

Cuối cùng, theo ông Finer, dự án sẽ giúp xoa dịu tình hình căng thẳng tại Trung Đông cũng như giúp khu vực này đóng vai trò quan trọng hơn trong hoạt động trao đổi thương mại toàn cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.