Thị trường

Đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nguồn?

11/08/2023, 17:03

Thông tin mới nhất cho thấy, Bộ Công thương nghiêng về đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn.

Đại lý bán lẻ xăng dầu mua tối đa 3 nguồn

Bộ Công thương đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 (ngày 1/11/2021) và Nghị định 83 (ngày 3/9/2014) về kinh doanh xăng dầu.

Theo thông tin mới nhất cho thấy, Bộ này đang nghiêng về đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn), thay vì 1 nguồn như quy định hiện hành.

img

Phản ánh từ doanh nghiệp bán lẻ cho thấy, họ càng bán càng lỗ do bị bóp nghẹt chiết khấu, vì lấy hàng từ một nguồn duy nhất.

Việc này sẽ đa dạng nguồn cung, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán, góp phần đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường xăng dầu trong nước cũng như tạo ra cạnh tranh về chiết khấu trên thị trường xăng dầu.

Bộ này cũng cho rằng, khi đại lý bán lẻ xăng dầu được mua từ nhiều nguồn, thì cũng không cần thiết phải quy định mức chiết khấu cứng, vì các doanh nghiệp xăng dầu sẽ tự thỏa thuận phù hợp diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong nước.

Điều này được hiểu, vấn đề nóng về “chiết khấu” gây xôn xao dư luận thời gian qua đã được giải quyết sau thời gian dài các doanh nghiệp bán lẻ đã đơm đơn kêu cứu khắp nơi.

Nhà nước hay doanh nghiệp quyết giá xăng dầu?

Đề xuất sửa đổi nghị định để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu cũng được nhiều người quan tâm.

Hiện nay, giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở, trong đó có các yếu tố hình thành giá gồm các loại chi phí như: chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước,...

Tại dự thảo về sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công thương đã đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên công thức giá cơ sở như quy định hiện hành. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng muốn bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính tại công thức hiện hành về giá cơ sở. Đồng thời, sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh chi phí từ 6 tháng xuống 3 tháng... để bảo đảm tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.

img

Năm qua, tình trạng xếp hàng mua xăng báo động những bất ổn của thị trường xăng dầu.

Về cơ bản, phương án này tiếp tục kế thừa những điểm tích cực của cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay, đảm bảo tính khả thi khi triển khai. Tuy nhiên cũng có nhược điểm là khi chi phí kinh doanh có biến động bất thường thì mức chi phí này có thể chưa phản ánh đúng chi phí thực tế của doanh nghiệp.

Phương án 2: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt's Singapore), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, mức trích lập, chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá (đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc vận hành của công cụ Quỹ bình ổn giá) để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các chi phí thực tế của mình (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp sẽ phải báo cáo về Bộ Công thương, Bộ Tài chính khi có thay đổi về giá để giám sát.

Phương án này có ưu điểm là bảo đảm các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh đối với từng doanh nghiệp được tính đủ, kịp thời, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước bằng biện pháp hành chính vào giá bán xăng dầu.

Đặc biệt, là bước đầu đưa giá xăng dầu dần theo hướng để thị trưởng quyết định, khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường

Song, trong số các nhược điểm của phương án này, Bộ Công thương lo ngại không loại trừ sẽ có một số thương nhân có vị trí thống lĩnh thị trường tại một số địa bàn lợi dụng nâng giá bán.

Còn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, giá xăng dầu có thể cao hơn các vùng khác do chi phí đưa xăng dầu về địa bàn cao hơn, dung lượng thị trường nhỏ và người tiêu dùng ít có sự lựa chọn nhà cung cấp xăng dầu.

Theo thông tin mới nhất, Bộ Công thương đã 2 lần xin ý kiến phương án về công thức giá. Ngoài một số bộ ngành không có ý kiến, thì đa số đơn vị có ý kiến đều cho rằng phương án 1 là có ưu điểm hơn khi có thể kiểm soát được nguồn cung và giá bán trong nước. Do đó, Bộ Công thương cũng nghiêng về phương án này.

Về thời gian điều hành giá xăng dầu: Để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu và tín hiệu trên thế giới, Bộ Công thương đề xuất tiếp tục rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày và xác định thời điểm công bố cố định vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Hiện trong chuỗi kinh doanh xăng dầu hiện nay có nhiều loại hình thương nhân tham gia như: Thương nhân đầu mối, phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ. . .Qua rà soát, Bộ Công thương nhận thấy, có thể bỏ loại hình thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng, nhằm giảm bớt khâu trung gian và thu gọn hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.