Xã hội

Dân than thở tình trạng "nhà không số, phố không tên", Quảng Ngãi sẽ xử lý thế nào?

07/03/2024, 17:49

Số lượng đường phố đô thị ở trung tâm TP Quảng Ngãi và các thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi "không tên, không số" gây rất nhiều khó khăn cho người dân.

Cả tỉnh có 14 đô thị nhưng chỉ có 403 tuyến đường được đặt tên

Tình trạng nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Quảng Ngãi và các thị trấn, đô thị loại V chưa được đặt tên đang gây ra nhiều phiền phức, khó khăn trong sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán của người dân sống trên các trục đường.

Quảng Ngãi tìm giải pháp xóa tình trạng

Tuyến đường phố từ cầu Thạch Bích đến QL24B được đầu tư bài bản đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được đặt tên đường.

Được biết, hiện trên địa bàn TP Quảng Ngãi có khoảng 50 tuyến đường có mặt cắt ngang từ 5m trở lên chưa được đặt tên đường.

Đơn cử như tuyến đường nối từ cầu Thạch Bích đi QL24B qua địa bàn xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi có chiều dài khoảng 1,5km được tỉnh Quảng Ngãi đưa vào khai thác từ 6 năm trước.

Ngoài xây dựng nền đường có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, tuyến đường này còn được đầu tư hệ thống con lươn, cây xanh, vỉa hè và hệ thống điện chiếu sáng công cộng rất bài bản.

Đây là một trong số ít những con đường đạt tiêu chuẩn của đô thị hiện đại ở TP Quảng Ngãi. Song, từ nhiều năm qua, tuyến giao thông huyết mạch nối bờ bắc sông Trà Khúc với đô thị trung tâm TP Quảng Ngãi vẫn được "gắn" với tên gọi "đường dẫn cầu Thạch Bích" mà không phải một cái tên chính danh.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Nguyệt có nhà mặt tiền đường cho hay, chị mua đất làm nhà ở tại khu dân cư Thạch Bích ở mặt tiền đường lớn, song từ nhiều năm qua để giao dịch hàng hóa, trao đổi thư từ với đối tác gặp nhiều vướng mắc do không có địa chỉ rõ ràng. Điều này dẫn đến tình trạng nhân viên của đối tác cần trao đổi hồ sơ, giấy tờ đến tận trụ sở công ty tôi nhưng họ tìm không ra vì trụ sở không có số nhà. Để thuận tiện công việc, chị phải ra cửa đón. Đôi khi phải gửi định vị qua điện thoại thì họ mới tìm được nhà.

"Nhà không có số, đường không có tên rất phiền hà, nhất là đối với người làm kinh doanh như tôi. Ngay trong tờ khai thuế, hợp đồng... cũng ghi chung chung chứ không có địa chỉ cụ thể. Mong tỉnh sớm đặt tên đường và cho gắn số nhà để người dân thuận tiện trong công việc", chị Nguyệt nói.

Quảng Ngãi tìm giải pháp xóa tình trạng

Tuyến đường từ cầu Trà Khúc 2 đi mũi tàu qua địa bàn phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi đưa vào sử dụng hơn 20 năm vẫn chưa được đặt tên.

Còn anh Thuận, nhà trên tuyến đường từ Trần Kỳ Phong đi Nguyễn Công Phương qua địa bàn phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi bảo: Cũng là công dân thành phố, sống trên tuyến đường lớn có vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng nhưng không có tên đường nên rất phiền hà trong kinh doanh, trao đổi công việc dù sống giữa đô thị, cách đường Trần Kỳ Phong đúng… 1 con đường 10m nhưng bên kia nhà hàng xóm tên phố tên đường bài bản, còn hàng trăm trường hợp như anh vẫn trong tình trạng không tên.

Tương tự, tuyến đường từ cầu Trà khúc 2 đi QL1 qua địa bàn phường Trương Quang Trọng đưa vào sử dụng từ năm 2003, song đến nay người dân sống dọc theo tuyến đường vẫn không biết tuyến đường tên gì ngoài cái tên tự đặt "đường tránh".

Không chỉ TP Quảng Ngãi mà ở các đô thị, thị trấn trên địa bàn tỉnh này có nhiều tuyến đường chưa được đặt tên dù có mặt cắt ngang từ 5m-20m được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng từ lâu.

Được biết, toàn tỉnh Quảng Ngãi số tuyến đường phố, đường đô thị được đặt tên chỉ ở mức khiêm tốn khi mới chỉ có 403 tuyến dù tỉnh có 1 thành phố, 1 thị xã và 9 thị trấn cùng 4 đô thị loại V.

Xây dựng ngân hàng tên đường để xóa "nhà không số phố không tên"

Ngoài các tuyến phố ở nhiều thị xã, thành phố, thị trấn chưa được đặt tên thì trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều đô thị loại V với cả trăm tuyến đường có mặt cắt ngang lớn, nằm ở trung tâm huyện lỵ nhưng vẫn trắng tên đường.

Cụ thể, các đô thị loại V hoặc sắp được công nhân là đô thị loại V gồm: Tịnh Hà (Sơn Tịnh), Long Hiệp (Minh Long), Sơn Mùa và Sơn Dung (Sơn Tây), Lý Sơn và Vạn Tường vẫn chưa có tuyến đường đô thị nào được

Quảng Ngãi tìm giải pháp xóa tình trạng

Người dân thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà gắn biển tên số nhà và tên đường sau nhiều năm chờ đợi.

Theo lãnh đạo UBND TP Quảng Ngãi, đơn vị đang triển khai các thủ tục cần thiết và khi được cấp có thẩm quyền cho phép, đơn vị sẽ đặt tên cho 34 tuyến đường chưa được đặt tên ở trung tâm thành phố, các phường ngoại ô trong năm 2024.

Trước thực trạng nhiều tuyến đường phố, đường đô thị nhưng không tên gây khó khăn cho người dân, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang xây dựng kế hoạch để triển khai đặt tên các tuyến đường.

Ngày 6/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp xây dựng đề án ngân hàng tên đường và công trình công cộng.

Theo đó, tỉnh này dự kiến xây dựng 3 nhóm tên đường gồm: Tên các danh nhân, địa danh, sự kiện, mỹ từ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiêu biểu nhất hoặc có tầm ảnh hưởng quốc tế, quốc gia hoặc khu vực liên quốc gia.

Tên các nhân vật lịch sử, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ có đức, có tài, có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển tỉnh Quảng Ngãi; tên các nhân vật lịch sử ở tỉnh, thành phố khác nổi tiếng; các địa danh mang tầm toàn tỉnh; sự kiện lịch sử, địa danh và danh lam - thắng cảnh nổi tiếng, tiêu biểu của tỉnh được xếp hạng…

Quảng Ngãi tìm giải pháp xóa tình trạng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn yêu cầu việc xây dựng ngân hàng tên đường phải đáp ứng các yêu cầu về tính khoa học, chính xác - Trong ảnh: Tuyến đường "Biệt Thự" được cho là đặt tên không đúng quy định.

Tên các nhân vật lịch sử, lãnh đạo qua các thời kỳ mang tầm địa phương trong tỉnh có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và sự phát triển của địa phương; tên các nhân vật lịch sử, thành phố khác nổi tiếng có công lao đóng góp cho sự phát triển và tên các sự kiện lịch sử, địa danh, danh lam thắng cảnh…

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho rằng, việc xây dựng ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng có ý nghĩa quan trọng, phục vụ cho việc đặt, đổi tên đường phố, công trình công cộng.

Ông Tuấn yêu cầu việc xây dựng ngân hàng tên đường phải có tính khoa học, chính xác và cần triển khai sớm để có ngân hàng tên đường nhằm đặt tên cho các tuyến đường, nhất là đối với những tuyến đường phố chính lâu nay chưa được đặt tên nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.