Đảng bà Clinton dính bê bối, tin tặc Nga hỗ trợ ông Trump

26/07/2016, 06:24

Đại hội Đảng Dân chủ Mỹ 2016 chốt ứng viên Tổng thống khai mạc trong bối cảnh nội bộ lục đục.

Hàng chục nghìn email của đảng Dân  chủ bị rò rỉ c

Hàng chục nghìn email của Đảng Dân chủ bị rò rỉ cho thấy nội bộ Đảng âm mưu cản trở chiến dịch tranh cử của ứng viên Bernie Sanders

Đại hội Đảng Dân chủ Mỹ 2016 chốt ứng viên Tổng thống khai mạc trong bối cảnh nội bộ lục đục vì 20.000 email nội bộ bất ngờ bị rò rỉ kéo theo sự ra đi của người lãnh đạo Đảng.

Rò rỉ email, lãnh đạo Đảng từ chức

Bắt đầu từ hôm qua (25/7), Đại hội Đảng Dân chủ (DNC) diễn ra trong 4 ngày tại Philadelphia. Theo New York Times, doanh nhân, cựu Thị trưởng TP New York Michael Bloomberg có bài phát biểu vào giờ vàng tuyên bố ủng hộ bà Hillary Clinton. Ông Bloomberg khẳng định, bà Clinton là sự lựa chọn tốt nhất cho cử tri Đảng Dân chủ trong năm 2016.

Tuy nhiên, trước thềm Đại hội, gần 20.000 email của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ bị rò rỉ và công bố trên WikiLeaks. Trong đó, ít nhất 2 email cho thấy, nội bộ Đảng âm mưu cản trở chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng cử viên Bernie Sanders và ủng hộ bà Hillary Clinton. Một trong những thủ đoạn cản trở là nói về ông Sanders như một người vô thần trong khi Mỹ là quốc gia có đông đảo người dân coi trọng tôn giáo.

Sau sự việc, Chủ tịch Ủy ban Đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz tuyên bố sẽ từ chức vào lễ bế mạc Đại hội. Bà này sẽ vẫn điều hành Đại hội trong phiên khai mạc và bế mạc. Trước khi đưa ra quyết định, bà đã tham vấn Tổng thống Obama và ứng viên sáng giá Hillary Clinton. Bà Debbie Wasserman Schultz cho biết, bà từ chức là cách tốt nhất để Đảng Dân chủ hoàn thành mục tiêu đưa ứng viên Clinton vào Nhà Trắng. Nữ Phó chủ tịch DNC Donna Brazile trở thành Chủ tịch Ủy ban Đảng Dân chủ tạm thời.

Vụ lùm xùm là cú giáng mạnh vào chiến lược xây dựng sự ổn định của Đảng Dân chủ, đối lập với sự bất ổn nội bộ của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua Tổng thống. Không chỉ vậy, vụ rò rỉ khiến những người ủng hộ ông Sanders tức giận, chỉ trích bà Clinton là “ma quỷ”. Hàng trăm người ủng hộ ông Sanders đã biểu tình tại Philadenphia vì cảm thấy bị Đảng Dân chủ phản bội.

Nghi ngờ tin tặc Nga hỗ trợ Donald Trump

Điều đáng nói, đội vận động của bà Clinton nghi ngờ khả năng Nga “nhúng tay” vào vụ tin tặc tấn công thư điện tử của Đảng Dân chủ và giúp đỡ ứng viên đảng đối lập Donald Trump, người mới đây bất ngờ ngợi khen Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Robby Mook, Chủ tịch Đội vận động tranh cử cho biết: “Một số chuyên gia trao đổi với chúng tôi cho biết, nhiều tin tặc của Nga đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của DNC, ăn trộm email của các thành viên trong Đảng.

Một số chuyên gia khác cho biết, Nga đã công bố những email nhằm giúp đỡ Donald Trump”. Ngoài ra, New York Times trích kết luận của một số chuyên gia cho biết, hai mật vụ Nga đã tấn công máy tính của DNC. Họ chính là thủ phạm thực hiện các vụ tấn công mạng vào Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Tổng tham mưu của Mỹ hồi năm ngoái. Dữ liệu từ các email bị rò rỉ cho thấy, số tài liệu này được chuyển qua các máy tính của Nga. Một chuyên gia nghi ngờ, có thể chính Tổng thống Putin ra lệnh thực hiện vụ trộm hoặc những quan chức Chính phủ Nga tự làm để lấy lòng ông Putin.

Trước thông tin trên, ông Paul Manafort, Chủ tịch Đội vận động tranh cử của ông Donald Trump phản bác: Bà Clinton đang tạo dư luận nhằm chuyển hướng sự chú ý vốn đang tập trung vào sự lục đục trong nội bộ Đảng Dân chủ.

Trả lời phỏng vấn ABC, ông Manafort cho biết: “Những thông tin trong email cho thấy, rõ ràng đây là sự gian lận có hệ thống. Trong Đảng Dân chủ, ông Bernie Sanders sẽ không bao giờ có cơ hội để tranh cử Tổng thống”. Về phía mình, bà Clinton cho biết, dù chưa đọc những email đó nhưng bà khẳng định, việc lôi tôn giáo vào tiến trình chính trị là “sai trái và không thể chấp nhận được”.

Dù cáo buộc liên quan giữa Nga với vụ rò rỉ email có vẻ xa xôi nhưng không phải không có lý. Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ gần như “chiến tranh lạnh”, rất hiếm ứng cử viên Tổng thống nào lại thể hiện quan điểm ủng hộ Nga, như Donad Trump. Ông Trump từng dành rất nhiều lời khen có cánh dành cho ông Putin như: “Có tư chất lãnh đạo hơn ông Barack Obama, người thông minh...". Ông Trump còn khẳng định, nếu làm Tổng thống, ông sẽ xây dựng mối quan hệ hòa hảo với Nga.

Ông Obama chê Donald Trump non kém

Trả lời đài NBC ngày 25/7, ông Donald Trump dọa sẽ rút tư cách thành viên của Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu kế hoạch của ông về việc thiết lập hàng rào thuế quan nhằm đưa các công ty Mỹ đang hoạt động tại Mexico “hồi hương” bất thành, nếu ông này đắc cử Tổng thống.

Cụ thể, ông Trump đang cân nhắc áp thuế từ 15-35% đối với các mặt hàng được sản xuất tại Mexico của các doanh nghiệp Mỹ. Khi được hỏi rằng, những chính sách này liệu có đi ngược lại các quy định của WTO hay không, nhà tỷ phú Mỹ khẳng định: “Điều đó không quan trọng. Chúng ta có thể thương lượng lại hoặc chúng ta sẽ không tham gia WTO nữa. Các thỏa thuận thương mại tự do là thảm họa, WTO là thảm họa”.

Ngoài ra, ông Trump tái khẳng định, phát ngôn gây tranh cãi trước đó rằng, Mỹ có thể không thực hiện cam kết bảo vệ các đồng minh NATO trong trường hợp bị tấn công, nếu họ không chịu “trả thêm” các chi phí quốc phòng. “Nhiều nước thành viên NATO chỉ biết lợi dụng Mỹ. Tôi cho rằng, họ sẽ phải rút hầu bao ra chứ! Nếu họ trả tiền, tôi sẽ đánh giá cao NATO. Còn nếu họ không trả, chúng tôi sẽ không can thiệp nữa đâu. Đây đâu phải 40 năm trước”, ông Trump nói.

Cùng ngày, kênh CBS dẫn lời Tổng thống Obama cho rằng, quan điểm của ông Trump cho thấy sự non kém về kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại của một ứng viên Tổng thống, đồng thời phản đối việc Mỹ “bỏ rơi” đồng minh NATO trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn không phù hợp.

Hương Mai

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.