Đăng kiểm

Đăng kiểm viên đường sắt sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn nào?

01/11/2023, 09:06

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 19/2018 quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm viên đường sắt và yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm đường sắt.

Đăng kiểm viên đường sắt sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn nào? - Ảnh 1.

Bộ GTVT sửa nhiều quy định liên quan đến đăng kiểm viên đường sắt nhằm đáp ứng tình hình thực tế (ảnh minh hoạ).

Cập nhật phù hợp với thực tế

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho biết, Thông tư số 19/2018 ban hành đến nay đã hơn 5 năm, là cơ sở để cơ quan đăng kiểm thực hiện việc tổ chức đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, công nhận và công nhận lại các đăng kiểm viên đường sắt, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

Cơ quan đăng kiểm đã thực hiện công nhận, công nhận lại cho 44 đăng kiểm viên đường sắt, đảm bảo đúng quy định, đúng trình độ chuyên môn được giao.

Tuy nhiên, từ 2018 đến nay, một số nhiệm vụ về công tác đăng kiểm phương tiện đã được sửa đổi cho phù hợp với thực tế và bối cảnh mới hiện nay như: không còn nhiệm vụ thẩm định hồ sơ thiết kế, việc chủ trì thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị và đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị cũng đã được chuyển sang cho Cục Đường sắt Việt nam.

Do đó, cần thiết phải ban hành Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư 19/2018 để cập nhật các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của đăng kiểm viên đường sắt sao cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Sửa đổi tiêu chuẩn, bổ sung hồ sơ công nhận đăng kiểm viên đường sắt

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, đã quy định lại về định nghĩa đăng kiểm viên đường sắt là người tổ chức đăng kiểm Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại thông tư này, được công nhận là đăng kiểm viên đường sắt để thực hiện hoạt động đăng kiểm đối với linh kiện, tổng thành, thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt và tham gia thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị theo quy định pháp luật.

Đăng kiểm viên đường sắt sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn nào? - Ảnh 2.

Dự thảo thông tư mở rộng đối tượng đầu vào của đăng kiểm viên đường sắt (ảnh minh hoạ).

Về tiêu chuẩn, đối với đăng kiểm viên đường sắt, ngoài quy định phải tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành đầu máy, toa xe, tàu điện metro, kỹ thuật hệ thống đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt như quy định hiện hành, dự thảo bổ sung thêm một chuyên ngành khác là chuyên ngành kỹ thuật phương tiện đường sắt giúp mở rộng đối tượng lựa chọn đầu vào.

Ở tiêu chí ngoại ngữ cũng sửa thành có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 trở lên thay vì quy định chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 2 như hiện hành.

Ngoài ra vẫn giữ nguyên các tiêu chuẩn: Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật; Đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá Đăng kiểm viên đường sắt trước khi công nhận đăng kiểm viên đường sắt; Có thời gian tập huấn, thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt đủ 1 năm trở lên.

Đối với đăng kiểm viên đường sắt bậc cao, dự thảo thông tư đã sửa tiêu chí ngoại ngữ thành có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 trở lên và bỏ quy định thời gian tập huấn, thực tập nghiệp vụ về thẩm định hồ sơ thiết kế mới phương tiện đủ 2 năm trở lên.

Như vậy, để trở thành đăng kiểm viên đường sắt bậc cao chỉ cần: Có tổng thời gian giữ hạng đăng kiểm viên đường sắt đủ 5 năm trở lên; Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 trở lên; Đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá đăng kiểm viên đường sắt bậc cao trước khi công nhận đăng kiểm viên đường sắt bậc cao.

Việc sửa đổi, cập nhật các quy định sẽ giúp đơn vị đào tạo đăng kiểm viên đường sắt lựa chọn được chương trình phù hợp với các quy định của pháp luật, đào tạo đúng trọng tâm, trọng điểm, nhiệm vụ chính của đăng kiểm viên theo các văn bản quy phạm pháp luật.
Cục Đăng kiểm Việt Nam

Về nhiệm vụ đăng kiểm viên đường sắt, dự thảo Thông tư bổ sung thêm nhiệm vụ: Tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, tham mưu xây dựng, bổ sung, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, bỏ 2 nhiệm vụ: Thẩm định hồ sơ thiết kế mới các loại phương tiện giao thông đường sắt và chủ trì thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị và đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tại chương trình tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt cũng lược bỏ tập huấn hai nội dung trên.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung thêm một điều quy định về hồ sơ đề nghị công nhận và công nhận lại đăng kiểm viên đường sắt.

Bao gồm: Văn bản đề nghị công nhận đăng kiểm viên của thủ trưởng đơn vị; Bằng tốt nghiệp đại học (bản sao); Các bản ghi nội dung của các chương trình tập huấn đăng kiểm đường sắt đã tham gia; Chứng chỉ Anh văn; Chứng chỉ tin học (bản sao); Bản lý lịch chuyên môn; Bản sao chứng chỉ các khóa tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm; Báo cáo kết quả đánh giá lý thuyết và thực hành của đăng kiểm viên thực hiện đánh giá.

Đối với hồ sơ đề nghị công nhận lại đăng kiểm viên đường sắt, cần có: Văn bản đề nghị công nhận lại đăng kiểm viên của thủ trưởng đơn vị; Bản sao chứng chỉ các khóa tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm; Giấy chứng nhận đăng kiểm viên đường sắt hiện có; Bản lý lịch chuyên môn.

Theo ban soạn thảo, hiện hồ sơ đề nghị công nhận, công nhận lại đối với đăng kiểm viên đường sắt hiện chưa được quy định cụ thể tại Thông tư 19/2018 dẫn đến chưa có cơ sở pháp lý khi thực hiện công tác xem xét các hồ sơ đề nghị này, cũng như chưa có hướng dẫn cho các đăng kiểm viên khi thực hiện việc chuẩn bị hồ sơ. Do đó, cần thiết quy định cụ thể tại Thông tư sửa đổi để tạo thuận lợi khi triển khai trong thực tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.