Trong nước

Danh ca Tuấn Ngọc: Ai đi hát cũng có lúc mệt mỏi, buồn chán

28/11/2014, 10:53

Tuấn Ngọc không quá cao lớn vững chãi nhưng vẫn làm người đối diện cảm thấy dễ bị lung lay. Anh điềm đạm, bình thản, ánh nhìn lãng mạn.

Danh ca Tuấn Ngọc
Danh ca Tuấn Ngọc

Không  đâu nhiều show bằng ở Việt Nam

Vì sao năm 2014, Tuấn Ngọc ít về Việt Nam biểu diễn?

Năm nay, do có nhiều công việc ở Mỹ nên tôi ít có dịp về hát ở Việt Nam.

Chứ không phải do năm 2013, khán giả “bội thực” Tuấn Ngọc, nên anh  ít xuất hiện?

Không phải vậy. Tôi thấy không ở đâu nhiều show bằng ở Việt Nam. Cả mấy chục triệu người nghe, chỉ sợ không có sức mà hát. Người ta biết tôi về nước là gọi mời biểu diễn. Nhưng thật sự năm nay tôi bận công việc.

Nhiều người có nhu cầu nghe Tuấn Ngọc hát nên cát-sê của anh khi về nước diễn hẳn cũng phải vào hàng top?

Cũng phải làm sao để mình sống người ta cũng phải sống chứ. Vì thế, cát-sê của tôi không lớn như người ta nghĩ đâu, vì đâu phải đêm nào cũng đông. Đêm diễn nào vắng là tôi tự bớt tiền cho bầu sô.

Thế đã có khi nào Tuấn Ngọc mệt mỏi vì phải đi hát kiếm tiền?

Ai đi hát cũng có lúc mệt mỏi, buồn chán nhưng thích hay không thích thì công việc vẫn là công việc.

“Tôi biết mình đang ở đâu”

Thế hệ xưa như Tuấn Ngọc, Chế Linh, hay Tuấn Vũ mỗi người một màu sắc riêng. Nhưng hiện nay các ca sĩ trẻ cứ hao hao giống nhau thì phải?

Trước kia đâu có truyền thông được như bây giờ. Ngày xưa có khi tôi ở đầu ngõ, anh Chế Linh ở cuối ngõ nhưng mà lại không biết nhau. Nhiều khi nghe tiếng anh Chế Linh nhưng không biết anh hát thế nào. Vậy nên, làm sao bắt chước được. Còn bây giờ bắt chước ai chỉ việc lên... Youtube. Thành ra, ca sĩ trẻ lười tìm kiếm nét riêng của mình. Thấy ai thành công là bắt chước cho tiện. Đó là giết chết tài năng. Ca sĩ không còn đầu óc sáng tạo.

Bắt chước mà hơn được thì không nói làm gì nhưng bắt chước mà không tới?

Bắt chước thì làm sao hơn được. Bắt chước có nghĩa là người ta đi đâu họ theo đó, làm sao đi qua mặt người ta được. Nếu hơn thì đã thành người khác. Về nghệ thuật không nên bắt chước, chỉ bắt chước lúc đầu. Giống như người ta dậy mình đi, khi biết đi mình phải kiếm hướng đi khác.

Chính vì vấn nạn bắt chước mà sau lớp của anh, khó ai được tôn  vinh là danh ca?

Đối với tôi thời thế tạo anh hùng. Nếu tôi mà sinh ra ở thời nay tôi không biết hát cái gì. Vậy nên, so sánh ca sĩ nào đó thì cần phải so sánh cùng một môi trường, cùng một thời điểm. Nếu không cùng thời điểm thì sự so sánh đó không chính xác. 

Tôi nghĩ mình chỉ là ca sĩ trung bình thôi. Nhưng để đến được cái trung bình đó, tôi phải học hỏi rất nhiều. Tôi biết mình đang ở đâu, càng học thì mình biết mình càng phải học.

Âm nhạc luôn thay đổi

Anh được xem như một tượng đài của dòng nhạc trữ tình, vậy anh còn học hỏi ai?

Lúc nào rảnh tôi học thêm nhạc. Âm nhạc luôn thay đổi nên mình không thể đứng yên. Ngoài ra, tôi còn cần học cách trình diễn nữa. 

Tôi chỉ nghe nhạc Mỹ vì quan niệm tân nhạc của người da trắng, vì thế mình phải đến cái nôi của tân nhạc để học và thấy cái gì hay, hợp cho nhạc Việt thì mình dùng.

Có giọng hát nào thời nay khiến Tuấn Ngọc ấn tượng?

Giọng hát chỉ là vũ khí, dụng cụ, mình phải biết sử dụng cái dụng cụ ấy. Người xưa có câu: Quần áo không làm nên thầy tu. Anh có giọng hát tốt nhưng muốn hát cho hay anh phải biết diễn tả tình cảm của mình theo ý nghĩa bài hát. Do đó, ca sĩ cần phải trải nghiệm nhiều mới hát có chiều sâu được. Thành ra những ca sĩ trẻ khi hát chưa tới thì đừng có nản vì hát hay khó lắm. 

Nhiều người bảo hát được hay không một phần do trời phú và phần còn lại là may mắn?

Tôi tin ở tôi. Tôi tin những điều mình có đều do mình lựa chọn. Làm gì có anh nào lười mà thành công được, trừ khi anh đó trúng số nhưng rất ít, đó là ngoại lệ.

Cảm ơn Tuấn Ngọc về cuộc trò chuyện này!

Phạm Lý (Thực hiện)  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.