Kinh tế

Dấu ấn sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa

03/12/2023, 23:13

Sau ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều thành tựu.

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới; đại dịch Covid-19... nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hoá đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thách thức.

Dấu ấn sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, kiểm tra quy hoạch, tình hình đầu tư các dự án thuộc Cảng biển Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) hồi tháng 11/2023 vừa qua.

Nhiều thành tựu nổi bật

Trong ba năm qua (2021-2023) kinh tế của tỉnh Thanh Hoá vẫn duy trì tăng trưởng khá, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.

Dấu ấn sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%.

Tuy thấp hơn mục tiêu đề ra (11%), nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. 

Tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm (2021 - 2023) ước đạt 132.418 tỷ đồng, hằng năm đều vượt dự toán; trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết (tăng 10% trở lên). 

Dấu ấn sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 3.

Thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã không ngừng đưa ra các quyết sách, cải thiện môi trường đầu tư.

Chi ngân sách nhà nước 3 năm (2021 - 2023) ước đạt 118.771 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân đạt 1,38%/năm; việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước được cơ cấu lại, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.

Để thu hút các nguồn lực cho phát triển, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Nhờ đó, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước đạt 409,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu nhiệm kỳ. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước.

Dấu ấn sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 4.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá cho rằng cần quyết tâm khắc phục những hạn chế, khó khăn nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Đặc biệt, cũng từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 38.665 tỷ đồng và 366,7 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với số vốn 90,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án, với số vốn tăng thêm 90,9 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,6 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Để tạo động lực cho phát triển, thì hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại tiếp tục được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cần sự đầu tư lớn. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là nền tảng; hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu, cụm công nghiệp là đòn bẩy; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng cung cấp điện là mũi nhọn; hạ tầng phục vụ nông nghiệp, hạ tầng thương mại là cơ sở quan trọng... Từ đó, góp phần tạo dựng diện mạo và sức bật mới cho sự phát triển của tỉnh. 

Dấu ấn sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 5.

Trong năm 2023, tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo đà cho Thanh Hoá phát triển các tiềm năng, thế mạnh.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá cũng tập trung phát triển đô thị theo hướng hiện đại, với mạng lưới 34 đô thị (gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 30 đô thị loại V). Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hoá có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 48,15%), có 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 78,1%), 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 17,2%), 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 3,7%); có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP 5 sao.

Trong những năm qua, để tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh theo hướng công khai, minh bạch và đạt nhiều kết quả khả quan.

Điển hình như năm 2022, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 10 cả nước, tăng 19 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước, tăng 8 bậc. Ngoài ra, đã áp dụng đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (DDCI), góp phần thúc đẩy cải thiện chất lượng hoạt động của các sở, ngành, địa phương, cũng như nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Có thể khẳng định, những thành quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết đã thể hiện rõ nét thế và lực của tỉnh Thanh Hóa trên thang bậc tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước vài năm trở lại đây.

Đồng lòng thực hiện tiếp các mục tiêu

Từ những thành tựu đạt được kể trên đã phản ánh hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt là việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, biến đó thành nguồn lực cho phát triển. 

Dấu ấn sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 7.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá kêu gọi các cấp, ngành, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo để đạt được kết quả trong thời gian tới.

Thời gian qua, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh đã được đầu tư; một số dự án lớn, có sức lan tỏa đã đi vào hoạt động; các quy hoạch lớn đã được phê duyệt; một số vướng mắc về thể chế đã được Chính phủ và cấp ủy, chính quyền trong tỉnh sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ, là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng tiếp tục gặp khó khăn do giá nguyên, vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, một số thị trường truyền thống bị thu hẹp; môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, hấp dẫn; hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi. Ngoài ra, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều nút thắt, điểm nghẽn cản trở sự phát triển chậm được tháo gỡ, nhất là về tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, chất lượng nguồn nhân lực; nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu khó lường; là những yếu tố tác động bất lợi đến việc thực hiện Nghị quyết trong những năm tiếp theo.

Dấu ấn sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 8.

Trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ (2024-2025), tỉnh Thanh Hoá phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm tăng 12,96% trở lên.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: Thời gian còn lại của nhiệm kỳ không còn nhiều. Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thống nhất cao về nhận thức và hành động, phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khó khăn trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, đơn vị, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Xây dựng Thanh Hoá đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ (2024-2025), tỉnh Thanh Hoá phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm tăng 12,96% trở lên (đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân cả nhiệm kỳ từ 11%/năm trở lên).

GRDP bình quân đầu người năm 2025 tăng thêm 2.056 USD so với năm 2023 (đạt mục tiêu đến năm 2025 là 5.200 USD).

Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm giai đoạn 2024 - 2025 tăng 10% trở lên (vượt mục tiêu đề ra là bình quân hằng năm tăng 10%)...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.